Các giải pháp thúc đẩy lối sống xanh của sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh

Bài báo nghiên cứu "Các giải pháp thúc đẩy lối sống xanh của sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh" do ThS. Nguyễn Phước Bình (Giảng viên Khoa Kinh tế - Quản trị, Bộ môn Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng) thực hiện.

TÓM TẮT:

Trong quá trình học tập và rèn luyện của sinh viên hiện nay, việc hình thành các thói quen tốt, xây dựng một lối sống lành mạnh hay còn gọi là lối sống xanh có ý nghĩa quan trọng đối với mỗi sinh viên. Trên cơ sở thực tế đang tham gia công tác cố vấn học tập tại trường đại học, bài viết phân tích thực trạng lối sống sinh viên tại các trường đại học trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, từ đó đề xuất các giải pháp nhằm thúc đẩy lối sống xanh cho sinh viên các trường đại học nói chung và sinh viên trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh nói riêng.

Từ khóa: rèn luyện, lối sống lành mạnh, lối sống xanh, sinh viên, trường đại học.

1. Đặt vấn đề

Hàng năm, khi học sinh rời khỏi ghế nhà trường phổ thông để bước vào giảng đường đại học trở thành tân sinh viên đại học, họ đã bắt đầu một cuộc sống mới, từng bước rèn luyện để trưởng thành, trở thành một công dân tốt, góp phần vào xây dựng đất nước, xã hội ngày càng tốt đẹp hơn.

 Trong quá trình rèn luyện và học tập của sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, việc tạo nên các thói quen tốt, lối sống lành mạnh hay “lối sống xanh” rất quan trọng, có ý nghĩa rất lớn đối với việc hình thành nên tính cách và cách cư xử tốt đẹp cho mỗi sinh viên sau này khi đi làm việc tại các công ty, xí nghiệp.

Việc thay đổi lối sống của một sinh viên là cả một quá trình lâu dài, đòi hỏi sự nỗ lực của chính sinh viên đó cùng với sự hỗ trợ giúp đỡ của các thầy cô và bạn bè xung quanh. Nhà trường với các tổ chức đoàn, hội thông qua việc tổ chức các hoạt động, các chương trình hành động thiết thực sẽ tạo nên các môi trường cần thiết để sinh viên phấn đấu rèn luyện lối sống lành mạnh. Từ đó, sinh viên có thể từ bỏ các thói quen chưa tốt, sinh viên quen dần và hình thành được các thói quen tốt trong học tập và làm việc.

 Thông qua phương pháp phỏng vấn với đối tượng khảo sát là sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh, tác giả đã thu được kết quả khảo sát về thực trạng lối sống của sinh viên các trường đại học trên địa bàn Thành phố, từ đó đánh giá và đưa ra một số giải pháp nhằm thay đổi và rèn luyện cho sinh viên một lối sống xanh ngay từ khi còn ngồi trên giảng đường đại học.

2. Thực trạng lối sống xanh của sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh

2.1. Sử dụng nhiều túi nhựa đựng thức ăn, nước uống

Hiện nay, đa số các trường đại học trên Thành phố Hồ Chí Minh đều áp dụng học 2 ca học trong một buổi, giữa 2 ca học thì nghỉ giải lao khoảng 15 - 20 phút và giờ học bắt  đầu mổi buổi học thường là trước 7 giờ sáng và trước 13 giờ chiều. Do thời gian sít sao như vậy, một số sinh viên không có thời gian ra ngoài hay xuống căn tin các trường để ăn uống vào các giờ giải lao. Còn sinh viên nào xuống căn-tin trường hay ra ngoài trường ăn thì phải vào lớp trễ giờ học những ca sau.

Qua khảo sát, cho thấy khoảng 10,8% sinh viên tranh thủ trước giờ học và giờ giải lao để mua sẵn đồ ăn, nước uống mang vào phòng học với lý do không có thời gian đi lên xuống các dãy phòng học để ăn tại căn tin trường. Tới giờ nghỉ giải lao, tỷ lệ sinh viên ăn uống trong lớp khoảng 3,5%. Như vậy, sau khi các sinh viên này ăn xong, các loại rác thải là túi ny lon, hộp xốp, hộp nhựa, ly nhựa, ống hút, chai nhựa để lại rất nhiều trong các lớp học.

Số liệu thu thập được cho thấy, các sinh viên có ý thức giữ gìn vệ sinh trong lớp học mang đồ ăn, thức uống ra hành lang để ăn chiếm khoảng 7,3%. Sau khi ăn xong, các em lại tranh thủ chạy vào lớp cho kịp giờ học, hành lang vương vãi thức ăn bị rơi rớt, đôi khi bỏ quên luôn túi ny lon, hộp xốp, do không có thời gian kịp bỏ thùng rác.

2.2. Sử dụng điện, nước lãng phí

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, đa số các phòng học tại các trường đại học đều là các dãy nhà nhiều tầng, sử dụng thang máy và thang bộ. Toàn thể cán bộ nhân viên, sinh viên và giảng viên di chuyển lên xuống là bằng thang máy và thang bộ. Kết quả khảo sát cho thấy khi vào học có khoảng 98,7% sinh viên khi đi lên các tầng phòng học là đi thang máy lên tới tầng gần nhất, sau đó đi bộ lên hoặc xuống 1-2 tầng để vào lớp. Sau khi hết ca học, chỉ có khoảng 10,8% là đi thang bộ để xuống tầng để xe sau khi đã đứng chờ thang máy khoảng 15 phút mà cửa thang máy vẫn chưa mở. 

Các phòng học thì có phòng lớn chứa cả trăm sinh viên trong một buổi học. Trong các phòng lớn này có nhiều dãy đèn và nhiều máy lạnh. Tỷ lệ sử dụng đèn và máy lạnh là 98,5% theo khảo sát. Một số em có thói quen vô phòng học là mở hết tất cả các đèn, có bao nhiêu máy lạnh cũng mở hết với mức lạnh tối đa, dù cho lớp học lúc đó chỉ có vài chục người. Như vậy rất lãng phí không cần thiết, trong khi chỉ cần mở vài dãy đèn và vài máy lạnh là đủ.

Sau kết thúc một môn học, tỷ lệ sinh viên chủ động tắt đèn, máy lạnh theo như kết quả khảo sát là 0,8%, các sinh viên này chủ yếu là ban cán sự của lớp. Các sinh viên khác có khi rời lớp sau cùng nhưng không tắt đèn, tắt máy lạnh mà để các công việc nhỏ này cho giảng viên hay các cô lao công, nếu thầy cô ra trước sinh viên hay cô chú lao công chưa vào dọn phòng kịp thì máy lạnh vẫn bật, đèn điện trong phòng vẫn sáng và lượng điện tiêu thụ này nếu dồn lại thì con số không hề nhỏ.

Kết quả khảo sát tỷ lệ sinh viên sử dụng nước rửa mặt, rửa tay tại các trường đại học là 87%, như vậy tổng khối lượng sử dụng nước tại các trường sẽ rất nhiều. Trong số đó, khảo sát tỷ lệ sinh viên quan tâm tới lượng nước mở vừa phải và thời gian mở vòi nước cho kết quả khoảng 36,5%, số sinh viên còn lại lúc nào cũng mở vòi nước hết cỡ và mở suốt thời gian sử dụng, nhiều khi cả tiếng đồng hồ, như vậy lượng nước chảy không sử dụng sẽ rất nhiều, nhưng các em vẫn không quan tâm tới điều đó. Trong khi nếu chi phí điện nước sử dụng ở trường tăng sẽ ảnh hưởng tới tổng kinh phí hoạt động của nhà trường.

2.3. Lãng phí thời gian chơi game, lướt web

Hiện nay việc giới trẻ và đặc biệt là học sinh, sinh viên chơi game mọi lúc mọi nơi trở nên phố biến tại khắp trường học. Khi trở thành sinh viên, các em vẫn giữ theo thói quen cũ dùng mọi thời gian rảnh vào mạng xã hội và chơi game. Không chỉ vậy, các em còn lướt web chơi game cả trong giờ học khi thầy cô không để ý.

Kết quả khảo sát cho thấy tỷ lệ sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh lướt web, chơi game trong một ngày khoảng 48%. Trong giờ học, có khoảng 10,8% tỷ lệ sinh viên lướt web và chơi game online và số sinh viên này thường tập trung vào nhóm các sinh viên ngồi vào các bàn giữa và các bàn cuối. Tỷ lệ này càng tăng đối với những lớp có sĩ số càng đông, khi mà giảng viên không thể theo dõi hết cả lớp, mà chỉ có thể quan tâm tới những em sinh viên ở phía trên.

 Lúc này, những em sinh viên không muốn học sẽ chọn ngồi các bàn cuối cùng để làm việc riêng. Trong suốt buổi học, các sinh viên này sử dụng phần lớn thời gian trên lớp chỉ để lướt web và chơi game. Khi kết thúc buổi học sinh viên không nắm được nội dung và không hiểu bài vì không theo dõi những giảng viên giảng bài trên lớp, dẫn tới kết quả học tập ngày càng sa sút.

2.4. Sử dụng phương tiện di chuyển cá nhân

Dù việc sử dụng các phương tiện di chuyển công cộng mang lại nhiều lợi ích kinh tế và sức khỏe, nhưng trên thực tế, số lượng sinh viên sử dụng các phương tiện công cộng, đặc biệt là xe buýt tại Việt Nam không cao. Do sự tiện lợi của xe máy với chi phí tương đối thấp, số liệu khảo sát chỉ ra có tới 85,4 % sinh viên các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh sử dụng phương tiện cá nhân là xe máy khi đi học, đi làm thêm. Tỷ lệ sinh viên sử dụng các phương tiện công cộng xe buýt và xe đạp điện khoảng 5,5%. Số sinh viên còn lại đi bộ, xe ôm, xe taxi. Như vậy, số sinh viên đi xe buýt ít, mặc dù hiện nay các trạm xe buýt đều đặt gần các trường đại học.

Với tỷ lệ số sinh viên sử dụng xe máy là 85,4% đã tạo nên ùn tắc giao thông thường xuyên tại các cổng ra vào của các trường đại học tại Thành phố Hồ Chí Minh vào các giờ sinh viên đi học và đi về. Điều này không chỉ góp phần làm gia tăng mật độ giao thông tại các tuyến đường chính, gia tăng khả năng mất an toàn trật tự an toàn, ảnh hưởng tới dòng xe đang lưu thông, mà còn tăng lượng khí CO2 thải ra môi trường.

3. Các giải pháp để xây dựng lối sống xanh cho sinh viên các trường đại học

3.1. Đối với việc sinh viên sử dụng nhiều túi nhựa đựng thức ăn, nước uống

Đoàn hội cần tổ chức nhiều hoạt động, phong trào bảo vệ môi trường tại trong và ngoài khuôn viên nhà trường, ký túc xá. Ban cán sự lớp cần vận động sinh viên tham gia đầy đủ có tính điểm rèn luyện để sinh viên có động lực tham gia, thông qua đó giáo dục và nâng cao ý thức bảo vệ môi trường cho các sinh viên.

Từng bước hình thành ý thức cho mỗi sinh viên trong hành động khi mua đồ ăn, uống. Các sinh viên cần tính toán lượng đồ ăn, uống vừa đủ, không mua dư thừa vừa lãng phí tiển bạc, vừa phát sinh rất nhiều bao bì đựng đồ ăn, thức uống có hại cho môi trường.

Khuyến khích sinh viên hạn chế sử dụng túi ny lon, mà chuyển sang sử dụng túi giấy. Các sinh viên cần trang bị sẵn các túi sử dụng nhiều lần, túi vải, túi giấy, khi mua đi chợ, đi mua sắm. Trong sinh hoạt hàng ngày, các sinh viên cần tập thói quen hạn chế sử dụng chai nhựa xài một lần mà chuyển qua sử dụng chai nước xài nhiều lần.

Các trường nên đặt nhiều thùng rác phân loại 3 ngăn (ngăn rác hữu cơ, ngăn rác tái chế, ngăn rác khác) để tập cho sinh viên thói quen phân loại rác thải sau khi sử dụng.  Hiện nay, ở các siêu thị và bệnh viện lớn, việc sử dụng bỏ rác vào các thùng rác phân loại đã trở nên phổ biến.

3.2. Đối với việc sinh viên sử dụng điện, nước lãng phí

Nhà trường cần tăng cường giáo dục cho sinh viên tinh thần tiết kiệm điện, bắt đầu từ những việc nhỏ nhất như sau khi kết thúc buổi học, sinh viên nào rời khỏi phòng học sau cùng thì chủ động tắt đèn, máy lạnh, chứ không chờ thầy cô tắt hay là đợi cô chú lao công tắt dùm.

Đối với các em sinh nào tới lớp sớm thì cần điều chỉnh cách sử dụng điện, khi lớp còn vắng thì không cần bật hết các đèn điện. Đối với máy lạnh trong phòng học cũng vậy, chỉ cần bật nhiệt độ vừa phải, lúc sáng sớm thì để nhiệt độ cao tới trưa trời nắng lên thì hạ nhiệt độ xuống.

Các sinh viên cũng cần hạn chế sử dụng thang máy khi không cần thiết, nếu chỉ có nhu cầu đi lên xuống vài tầng nên khuyến khích sinh viên đi bộ. Việc sinh viên chủ động đi thang bộ mang lại nhiều lợi ích thiết thực cho chính các em, vừa góp phần rèn luyện thân thể, vừa chống ùn tắc tại các cửa thang máy, vừa góp phần tiết kiệm điện năng.

Việc một số trường gắn các bóng điện cảm ứng ở các khu vực hành lang cũng là một giải pháp tiết kiệm điện hiệu quả, khi mà đèn chỉ tự động bật lên khi hệ thống cảm ứng tìm thấy có người đi lại trên hành lang. Tuy nhiên, giá thành của hệ thống cảm ứng khá nhiều tiền nên chưa được nhiều trường lắp đặt rộng rãi trong các phòng học.

Đối với các thiết bị điện được các sinh viên sử dụng nhà tại nhà như ti vi, quạt máy, máy tính để bàn thì cần rút phích cắm ra khi không sử dụng. Khi đó vừa để tránh cháy nổ do chập điện, vừa để tiết kiệm điện, vì khi thiết bị điện ở chế độ chờ vẫn tiêu hao một lượng điện nhất định.

Để tiết kiệm nước, chúng ta cần xây dựng cho sinh viên thói quen mở nước vừa đủ dùng trong khi sử dụng. Hiện tại một số trường học bắt đầu sử dụng vòi nước có dạng phun tia nhỏ, người sử dụng có thể điều chỉnh được lượng nước sử dụng và tự động ngắt sau vài phút, thay vì sử dụng loại vòi xả trực tiếp với khối lượng nước lớn. Vòi nước này sẽ giúp sinh viên điều chỉnh lượng nước vừa đủ sử dụng và nếu quên tắt thì vòi nước tự ngắt luôn để tiết kiệm nước.

3.3. Đối với việc sinh viên lãng phí thời gian chơi game, lướt web

Để giúp sinh viên rời ra các thiết bị thông minh như ipad, điện thoại di động, các tổ chức đoàn, hội, câu lạc bộ cần tăng cường tổ chức các hoạt động phong trào lành mạnh, tăng cường tương tác trò chuyện với sinh viên để sinh viên thấy cuộc sống của quãng đời sinh viên là đầy ắp niềm vui, các hoạt động vui khỏe lành mạnh, giúp ích cho mọi người và cho xã hội, không để các sinh viên trốn tránh trong thế giới game một mình.

Việc khuyến khích sinh viên tham gia các hoạt động của trường lớp, xã hội sẽ giúp cho sinh viên nhận thức được vai trò quan trọng của việc tương tác với mọi người trong cuộc sống. Từ đó, sinh viên sẽ có thái độ tích cực, phấn đấu trong học tập để đạt tới những kết quả cao trong việc học tập. Giúp sinh viên rời bỏ những u mê, lạc lối trong các trang web vô bổ, rời xa các trò chơi game không mang lại điều gì tốt đẹp cho cuộc sống.

3.4. Đối với việc sinh viên sử dụng phương tiện cá nhân mọi lúc mọi nơi

Để giảm số lượng sinh viên đi xe máy, nhà trường nên có các chính sách nhằm khuyến khích sinh viên tham gia đi xe buýt bằng các giải pháp cụ thể và thiết thực như tài trợ vé xe buýt tháng cho sinh viên thật sự có nhu cầu, cộng điểm rèn luyện cho sinh viên tham gia đi học bằng xe buýt đều đặn.

Nếu làm được điều này, dần dần sinh viên sẽ có thói quen sử dụng các phương tiện công cộng nhằm hạn chế tai nạn giao thông, bảo vệ môi trường sống trong lành, an toàn  sạch đẹp. Khi sinh viên sử dụng xe buýt, các em sẽ đi bộ từ nhà tới trạm chờ xe, từ trạm chờ xe tới trường, như vậy các em cũng có cơ hội rèn luyện thể chất, và tập thói quen đúng giờ khi đi xe buýt.

Đối với các sinh viên có điều kiện tài chính hạn hẹp, gia đình chưa có điều kiện mua sắm xe máy thì đi xe buýt là một giải pháp kinh tế phù hợp giúp các sinh viên không phải tốn chi phí cho các khoản như tiền xăng xe, phí gửi xe hay chi phí bảo dưỡng sửa chữa xe máy hư hỏng theo định kỳ.

4. Kết luận

Trong bối cảnh hiện nay, sống theo lối sống xanh đã trở thành một xu thế tất yếu trong quá trình phát triển của xã hội. Sinh viên là đại diện cho thế hệ trẻ, phải là đối tượng đi đầu trong việc thực hiện lối sống xanh để phát triển tương lai bền vững cho chính họ và cho xã hội. Ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, sinh viên phải rèn luyện ý thức, trách nhiệm về lối sống xanh. Từ các hoạt động của mình, sinh viên sẽ góp phần lan tỏa lối sống xanh ra cộng đồng xã hội với những thông điệp, hành động thiết thực bảo vệ môi trường sống, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, hình thành lối sống văn minh, lành mạnh.

Các trường đại học cần triển khai nhiều chương trình, hoạt động nhằm giúp sinh viên nâng cao ý thức trách nhiệm giữ gìn và bảo vệ môi trường, quản lý thu gom phân loại chất thải, Khuyến khích sinh viên sử dụng các công nghệ sản phẩm thân thiện với môi trường, hạn chế tối đa việc sử dụng lãng phí điện nước trong quá trình sinh hoạt và học tập tại trường. Thông qua các việc làm cụ thể này, chúng ta từng bước xây dựng một môi trường xanh bền vững cho nhà trường phù hợp với lối sống xanh.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

1. Vũ Lương Quang (2021). Sinh viên với môi trường. Truy cập tại: http://khoahoccoban.saodo.edu.vn/nghien-cuu-khoa-hoc/sinh-vien-voi-moi-truong-319.html.

2. Đồng Khởi, Ngọc Bích (2021). Đại học xanh chung tay hành động bảo vệ môi trường. Truy cập tại: https://www.tvu.edu.vn/dai-hoc-xanh-chung-tay-hanh-dong-bao-ve-moi-truong/.

3. Vương Diệm My (2012). Sinh viên ngày nay đang lãng phí nhiều thứ. Truy cập tại: https://dantri.com.vn/dien-dan/sinh-vien-ngay-nay-dang-lang-phi-nhieu-thu-1332492745.htm.

4. Diệu Huyền (2021). Xây dựng lối sống xanh trong sinh viên. Truy cập tại: https://cadn.com.vn/xay-dung-loi-song-xanh-trong-sinh-vien-post238080.html.

5. Đoàn Nhạn (2022). Sinh viên “xây” trường học xanh. Truy cập tại https://tuoitre.vn/sinh-vien-xay-truong-hoc-xanh-2022081323140045.htm.

6. Dương Triều (2023). Hàng trăm sinh viên tìm hiểu về thông điệp “sống xanh”. Truy cập tại: https://svvn.tienphong.vn/hang-tram-sinh-vien-tim-hieu-ve-thong-diep-song-xanh-post1596360.tpo.

7. Quỳnh Trang (n.d). Sống xanh - từ những điều giản đơn. Truy cập tại: https://hcmussh.edu.vn/tin-tuc/song-xanh-tu-nhung-dieu-don-gian.

8. Phan Nam (2023). Sống xanh - lối sống vì tương lai bền vững. Truy cập tại:

https://tinhdoanquangninh.vn/song-xanh-loi-song-vi-tuong-lai-ben-vung/.

 

Solutions to promote green lifestyle of university students in Ho Chi Minh City

Master. Nguyen Phuoc Binh

School of Economics & Business, Hong Bang International University

ABSTRACT:

Promoting good habits and fostering a healthy, sustainable lifestyle - often referred to as a green lifestyle - is crucial for today’s students as part of their learning and development process. Drawing from experiences in academic advising at universities, this study examines the current state of student lifestyles, with a particular focus on universities in Ho Chi Minh City. This study identifies key challenges and opportunities in cultivating green lifestyles among students and proposes targeted solutions to encourage sustainable behaviors and habits. These findings aim to provide practical insights for educators and institutions in fostering environmentally responsible and health-conscious lifestyles among university students.

Keywords: exercise, healthy lifestyle, green lifestyle, student, university.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 23 tháng 11 năm 2024]