TÓM TẮT:
Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm” (OCOP - One Commune One Product) đã được hoàn thành giai đoạn thứ nhất (2018 – 2020) và đem lại kết quả tích cực cho những người sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP trên cả nước. Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Chương trình vẫn sẽ được tiếp tục thực hiện trong giai đoạn 2021 - 2025 và tầm nhìn đến 2030. Bài viết này đề cập đến những nội dung cơ bản, trọng tâm của Chương trình OCOP và Chương trình Khuyến công Quốc gia, cũng như việc tận dụng cơ hội từ Chương trình Khuyến công Quốc gia của chủ thể sản xuất OCOP để phát triển bền vững.
Từ khóa: OCOP, sản phẩm OCOP, sản xuất OCOP, Chương trình Khuyến công Quốc gia.
1. Nội dung cơ bản của Chương trình OCOP và sản phẩm OCOP
Chương trình OCOP là chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị; là giải pháp, nhiệm vụ trong triển khai thực hiện Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới. Trọng tâm của Chương trình OCOP là phát triển sản phẩm nông nghiệp, phi nông nghiệp, dịch vụ có lợi thế ở mỗi địa phương theo chuỗi giá trị, do các thành phần kinh tế tư nhân và kinh tế tập thể thực hiện.
Nhà nước đóng vai trò kiến tạo, ban hành khung pháp lý và chính sách; định hướng quy hoạch các vùng sản xuất hàng hóa, dịch vụ; quản lý và giám sát tiêu chuẩn chất lượng sản phẩm; hỗ trợ các khâu: đào tạo, tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ, xây dựng thương hiệu, xúc tiến thương mại, quảng bá sản phẩm, tín dụng.
Phạm vi thực hiện của Chương trình OCOP được triển khai ở khu vực nông thôn trong toàn quốc; khuyến khích các địa phương tùy vào điều kiện thực tiễn, triển khai phù hợp ở khu vực đô thị.
Sản phẩm OCOP là các sản phẩm hàng hóa và dịch vụ xuất phát từ ý tưởng, nguồn nguyên liệu và công nghệ của cộng đồng, do các thành viên trong cộng đồng tổ chức sản xuất và kinh doanh.
Các sản phẩm OCOP rất đa dạng, không chỉ là sản phẩm ngành Nông nghiệp, mà còn thuộc lĩnh vực của các ngành khác, như: Công Thương, Y tế, Văn hóa - Thể thao - Du lịch,... Do đó, để phát triển sản phẩm toàn diện trên bình diện các ngành kinh tế rất cần có sự tham gia của các ngành này trong Chương trình OCOP chứ không đơn thuần chỉ áp dụng ở ngành Nông nghiệp.
Các sản phẩm trong chương trình OCOP được chia thành 6 ngành, gồm:
(1) Ngành Thực phẩm
Nhóm 1: Thực phẩm tươi sống:
- Rau, quả tươi, hạt tươi
- Thịt, trứng, sữa tươi
Nhóm 2: Thực phẩm thô, sơ chế:
- Gạo, ngũ cốc
- Mật ong, các sản phẩm mật ong, mật khác
Nhóm 3: Nhóm thực phẩm chế biến:
- Đồ ăn nhanh
- Chế biến từ gạo và ngũ cốc
- Chế biến từ rau, củ, quả
- Chế biến từ thịt, trứng, sữa
- Chế biến từ thủy sản
Nhóm 4: Gia vị
- Tương, nước mắm và gia vị lỏng khác
- Gia vị khác
Nhóm 5: Chè
- Chè tươi, chế biến
- Các sản phẩm khác chế biến từ chè, trà
(2) Ngành Đồ uống
Nhóm Đồ uống có cồn:
- Rượu trắng
- Đồ uống có cồn khác
Nhóm: Đồ uống không cồn
- Nước khoáng thiên nhiên, nước uống tinh khiết
- Đồ uống không cồn khác
(3) Ngành Thảo dược
Nhóm: Thực phẩm chức năng, thuốc từ dược liệu, thuốc y học cổ truyền
Nhóm: Mỹ phẩm
Nhóm: Trang thiết bị, dụng cụ y tế
Nhóm: Thảo dược khác
(4) Ngành Thủ công mỹ nghệ
Nhóm: Thủ công mỹ nghệ, trang trí
Nhóm: Thủ công mỹ nghệ gia dụng
(5) Ngành May mặc
(6) Du lịch cộng đồng và điểm du lịch
Các sản phẩm dịch vụ phục vụ tham quan, du lịch, nghỉ dưỡng, giải trí, học tập, nghiên cứu,...
Trong các nhóm sản phẩm trên có các nhóm sản phẩm OCOP do Bộ Công Thương quản lý, bao gồm: đồ ăn nhanh; sản phẩm chế biến từ thịt, sữa, trứng; rượu trắng và đồ uống có cồn khác; đồ uống không cồn; vải và hàng may mặc.
2. Nội dung cơ bản của Chương trình Khuyến công Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025
Chương trình Khuyến công Quốc gia giai đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ ban hành theo Quyết định số 1881/QĐ- TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 phê duyệt. Nôi dung của Chương trình Khuyến công Quốc gia bao gồm:
(1) Mục tiêu chung của Chương trình:
- Huy động và sử dụng có hiệu quả mọi nguồn lực, tạo động lực mới thúc đẩy phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, góp phần xây dựng nông thôn mới và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa;
- Khuyến khích chuyển giao, ứng dụng khoa học công nghệ, sản xuất sạch hơn nhằm nâng cao hiệu quả sử dụng tài nguyên thiên nhiên, nguyên liệu, nhiên liệu, vật liệu, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người, hướng đến mục tiêu tăng trưởng xanh, phát triển bền vững;
- Thúc đẩy hoạt động kết nối giao thông các sản phẩm công nghiệp nông thôn; hình thành các sản phẩm, nhóm sản phẩm có sức cạnh tranh cao đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt là thị trường xuất khẩu. Tăng tỷ trọng chế biến sâu, chế biến tinh trong các sản phẩm công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản; gia tăng giá trị và nâng hàm lượng công nghệ cao trong các sản phẩm công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp;
- Tạo điều kiện cho các cơ sở công nghiệp nông thôn thuận lợi trong tiếp cận các cơ hội phát triển kinh tế số, nâng cao năng suất và chất lượng, năng lực cạnh tranh và thực hiện có hiệu quả lộ trình hội nhập kinh tế quốc tế;
- Các địa phương thực hiện được các đề án Khuyến công Quốc gia điểm có tác động lan tỏa, hỗ trợ sản xuất các sản phẩm có tiềm năng, lợi thế cạnh tranh của quốc gia, vùng, địa phương.
(2) Đối tượng áp dụng của Chương trình:
- Tổ chức, cá nhân trực tiếp đầu tư, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp tại huyện, thị xã, thị trấn, xã và các phường thuộc thành phố loại 2, loại 3, các phường thuộc thành phố loại 1 được chuyển đổi từ xã chưa quá 5 năm; bao gồm: doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, tổ hợp tác, hộ kinh doanh thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật (sau đây gọi chung là cơ sở công nghiệp nông thôn);
- Các cơ sở sản xuất công nghiệp áp dụng sản xuất sạch hơn;
- Tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài tham gia công tác quản lý, thực hiện các hoạt động dịch vụ khuyến công.
(3) Nội dung của Chương trình :
Trong giai đoạn 2021 - 2025, Chương trình Khuyến công Quốc gia tập trung phát triển hoạt động khuyến công theo những nội dung sau:
- Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn.
- Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn.
- Hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị, hợp tác đầu tư phát triển các cụm công nghiệp.
- Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng, nâng cao năng lực quản lý, tư vấn, trợ giúp các cơ sở công nghiệp nông thôn.
- Hỗ trợ tư vấn thông tin phát triển công nghiệp nông thôn, công tác truyền thông.
- Nâng cao năng lực tổ chức thực hiện các hoạt động khuyến công.
3. Tận dụng cơ hội từ Chương trình Khuyến công để phát triển sản phẩm OCOP bền vững
Chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP muốn phát triển cần phải biết tận dụng các cơ hội bên ngoài, trong đó có các chính sách. Về góc độ tiếp cận chính sách để phát triển, chủ thể sản xuất kinh doanh sản phẩm OCOP cần phải biết tận dụng tối đa các chủ trương chính sách của Nhà nước để phát triển sản xuất, gia tăng giá trị. Ngoài các chính sách của ngành Nông nghiệp, chủ thể sản xuất các sản phẩm OCOP do ngành Công Thương quản lý cần phải biết tận dụng triệt để chính sách của ngành Công thương, trong đó có Chương trình Khuyến công Quốc gia.
Tiếp cận chính sách theo Chương trình Khuyến công Quốc gia để phát triển sản phẩm OCOP có thể kể đến một số nội dung chủ yếu sau đây:
(1) Hỗ trợ xây dựng mô hình trình diễn kỹ thuật, chuyển giao công nghệ và ứng dụng máy móc tiên tiến, tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp, xây dựng mô hình thí điểm về áp dụng sản xuất sạch hơn, xây dựng hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường cho cơ sở công nghiệp nông thôn
Thứ nhất, nội dung hỗ trợ này phải kể việc xây dựng các mô hình trình diễn kỹ thuật phổ biến công nghệ mới, sản xuất sản phẩm mới. Theo đó, những kỹ thuật, công nghệ sẽ được xây dựng, trình diễn để nhân rộng. Từ đó sẽ giúp người sản xuất cải tiến chất lượng, đặc biệt sản xuất được các sản phẩm OCOP mới, đa dạng hóa sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khách hàng. Đặc biệt, chính sách sẽ ưu tiên xây dựng các mô hình về chế biến nông lâm thủy sản. Khi nhân rộng mô hình này sẽ giúp giải được bài toán khó của ngành Nông nghiệp là nông sản tồn động khi vào vụ thu hoạch và thường bán giá thấp, thậm chí phải vứt bỏ. Không những thế việc chế biến còn có thể giúp gia tăng giá trị nông sản và tạo việc làm cho lao động nông thôn.
Thứ hai, trong nội dung này, Chương trình sẽ hỗ trợ xây dựng mô hình tổ chức sản xuất theo hướng tuần hoàn. Đây là định hướng phát triển rất thiết thực làm thay đổi nhận thức người sản xuất theo hướng có trách nhiệm hơn với xã hội, giúp cho họ có thể tiết kiệm chi phí và tăng thu nhập. Hơn thế nữa với việc áp dụng thực hiện mô hình sản xuất tuần hoàn, quá trình sản xuất sản phẩm được đảm bảo ít hoặc không chất thải, được người tiêu dùng chấp nhận và sẵn lòng trả với mức cao hơn so với các sản phẩm cùng loại.
Thứ ba, trong nội dung này là sự hỗ trợ chuyển giao, ứng dụng máy móc thiết bị, công nghệ tiên tiến, tự động hóa, công nghệ 4.0 vào các khâu sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Sản xuất sản phẩm OCOP có thể dựa theo sự khác biệt dựa trên công nghệ truyền thống. Điều đó, khó khắc phục được hạn chế vốn có của sản phẩm là tính không đồng đều và nhiều sản phẩm không đạt chất lượng. Với việc ứng dụng thiết bị, công nghệ tiên tiến sẽ mở rộng quy mô, đảm bảo tính đồng đều, sắc nét cũng như giảm tỉ lệ phụ phẩm và chất thải. Do đó, việc sản xuất theo mô hình này còn góp phần bảo vệ được môi trường sinh thái.
Thứ tư, hỗ trợ về đổi mới, nâng cấp quy trình sản xuất công nghệ theo hướng sản xuất sạch hơn, tiết kiệm năng lượng, tái sử dụng các nguồn nguyên liệu hoặc đưa ra các sản phẩm có tính bảo vệ môi trường, bền vững sẽ giúp cho chủ thể sản xuất thay đổi tư duy sản sản xuất sản phẩm tiết kiệm tài nguyên và thân thiện hơn với môi trường.
Ngoài ra, Chương trình còn hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn sửa chữa, nâng cấp hệ thống xử lý ô nhiễm môi trường - thực trạng trước nay vẫn thường diễn ra ở các làng nghề nông thôn. Khi đó, người sản xuất được đảm bảo an toàn hơn, cộng đồng sống trong làng nghề cũng không bị ảnh hưởng bởi tác động xấu môi trường xung quanh.
(2) Hỗ trợ phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn
Trước nay, sản phẩm OCOP đều được sản xuất và tiêu thụ ngay tại vùng sản xuất hoặc lân cận. Sản phẩm dù chất lượng cao nhưng cũng không nhiều khách hàng biết đến bởi vì quy mô sản xuất nhỏ lẻ và người sản xuất không có điều kiện tham gia giới thiệu sản phẩm. Việc tổ chức hội chợ, triển lãm hàng công nghiệp nông thôn, hàng thủ công mỹ nghệ và các hoạt động kết nối giao thương khác, cũng như hỗ trợ các cơ sở công nghiệp nông thôn tham gia hội chợ, triển lãm sẽ giúp người sản xuất quảng bá sản phẩm đến với người tiêu dùng. Từ đó, người sản xuất có thể bán trực tiếp cho người tiêu dùng mà không phả trả chi phí cho bên trung gian. Do đó, sẽ giảm chi phí tiêu thụ và gia tăng thu nhập, tăng tích lũy.
Sản phẩm OCOP thường do những chủ thể sản xuất có quy mô nhỏ và vừa. Do đó, việc đầu tư xây dựng và đăng ký nhãn hiệu chưa được chú trọng. Chương trình Khuyến công hỗ trợ xây dựng, đăng ký nhãn hiệu để tránh những tranh chấp cũng như giúp nhận diện thương hiệu sẽ góp phần củng cố vị thế của sản phẩm trên thị trường. Việc hỗ trợ đầu tư các phòng trưng bày, giới thiệu sản phẩm công nghiệp nông thôn gắn với các khu du lịch, khu dân cư, trung tâm hành chính và các hoạt động xúc tiến thương mại khác cũng sẽ giúp đưa sản phẩm đến gần hơn với người tiêu dùng và có cơ hội tiêu thụ nhiều hơn.
Việc quảng bá sản phẩm OCOP cũng được chương trình khuyến công hỗ trợ ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong quảng bá, giới thiệu, phát triển sản phẩm công nghiệp nông thôn. Điều đó, sẽ giúp việc quảng bá, giới thiệu một cách nhanh hơn, chính xác hơn, chuyên nghiệp hơn, hiệu quả hơn.
Chương trình Khuyến công còn hỗ trợ xây dựng hệ thống thông tin, cơ sở dữ liệu về sản phẩm, ngành hàng, thị trường. Đồng thời, hỗ trợ kiểm soát chất lượng, an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc đối với sản phẩm công nghiệp nông thôn. Khi được hỗ trợ, người sản xuất các sản phẩm OCOP sẽ có cơ hội duy trì và nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo minh bạch về sản phẩm và có thể xuất khẩu khi đáp ứng thủ tục về truy suất nguồn gốc một các rõ ràng.
Có nhiều sản phẩm OCOP mang tính truyền thống. Tuy nhiên, để đáp ứng yêu cầu phong phú, đa dạng của các đối tượng khách hàng cần phải có những sản phẩm luôn được cải tiến về mẫu mã và chất lượng. Chương trình Khuyến công sẽ hỗ trợ tổ chức tập huấn, phổ biến kiến thức nâng cao năng lực thiết kế, phát triển sản phẩm cho các chủ thể sản xuất OCOP để phát triển sản phẩm đáp ứng yêu cầu thị trường đa chủng loại với chất lượng ngày càng tăng.
(3) Hỗ trợ liên doanh, liên kết, tham gia cụm liên kết ngành, chuỗi giá trị
Chuỗi giá trị sản phẩm sẽ gắn kết các tác nhân tham gia vào quá trình hình thành và phát triển chuỗi giá trị, đảm bảo hài hòa lợi ích của các tác nhân. Chuỗi giá trị nông sản còn giúp nông dân khắc phục được các nhược điểm như sản xuất nhỏ lẻ, quy trình canh tác tự do, khả năng hợp tác yếu, không muốn thay đổi, không áp dụng công nghệ sản xuất mới, ít cập nhật thông tin thị trường. Việc tham gia liên kết ngành hàng, liên kết chuỗi giá trị là vấn đề quyết định đến sự phát triển của sản xuất. Chủ thể sản xuất OCOP sẽ được chương trình hỗ trợ tham gia liên kết chuỗi giá trị để gia tăng giá trị và đảm bảo hài hòa lợi ích giữa những người sản xuất trong chuỗi. Từ đó, giúp duy trì sản xuất và ổn định thu nhập của các tác nhân tham gia chuỗi.
(4) Hỗ trợ phát triển nguồn nhân lực có chất lượng
Chương trình Khuyến công hỗ trợ đào tạo nghề nghiệp theo nhu cầu của các cơ sở công nghiệp nông thôn gắn với yêu cầu của thị trường bằng hình thức trực tiếp hoặc ứng dụng công nghệ thông tin. Các ngành nghề ưu tiên hỗ trợ đào tạo: giải quyết nhiều việc làm, sản xuất sản phẩm phục vụ du lịch và xuất khẩu, khôi phục phát triển ngành nghề truyền thống, ngành nghề mới đáp ứng yêu cầu của cách mạng công nghiệp 4.0. Chương trình Khuyến công còn bồi dưỡng nâng cao cho nghệ nhân tiểu thủ công nghiệp, người có tay nghề cao để hình thành đội ngũ giảng viên phục vụ chương trình đào tạo nghề, nâng cao tay nghề, truyền nghề ở nông thôn. Do đó, tránh được tình trạng mai một hoặc thất truyền nghề khi các nghệ nhân cao tuổi không còn khả năng sản xuất.
4. Kết luận
Chương trình mỗi xã một sản phẩm - OCOP là một chương trình phát triển kinh tế khu vực nông thôn theo hướng phát triển nội lực và gia tăng giá trị. Trong đó, các chủ thể sản xuất thường có quy mô nhỏ và vừa, do các thành phần kinh tế tư nhân (doanh nghiệp, hộ sản xuất) và kinh tế tập thể thực hiện. Các chủ thể sản xuất OCOP muốn phát triển bền vững không chỉ do chính bản thân phải nỗ lực mà còn phải biết tận dụng nhiều cơ hội từ bên ngoài. Không chỉ tiếp cận chính sách trong nông nghiệp mà còn phải biết triệt để tận dụng cơ hội phát triển từ các ngành khác. Một chính sách gần gũi với chương trình mỗi xã một sản phẩm đó là Chương trình Khuyến công Quốc gia.
Chương trình Khuyến công Quốc gia gia đoạn 2021 - 2025 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt có rất nhiều hỗ trợ cho người sản xuất OCOP. Chủ thể sản xuất sản phẩm OCOP biết tận dụng cơ hội sẽ tiếp cận chính sách hỗ trợ hữu hiệu để nâng cao năng lực trong thiết kế, cải tiến đa dạng hóa sản phẩm. Áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, quản trị sản xuất để nâng cao chất lượng, hạ giá thành sản phẩm; tiết kiệm đầu vào sản xuất, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Đồng thời, chủ thể sản xuất OCOP còn được nâng cao năng lực thiết kế bao bì nhãn mác, đăng ký nhãn hiệu, quảng bá sản phẩm cũng như tham gia liên kết ngành hàng và chuỗi giá trị để gia tăng giá trị sản phẩm, đảm bảo lợi ích hài hòa trong quá trình sản xuất để duy trì ổn định và phát triển. Khi tiếp cận được sự hỗ trợ của Chương trình Khuyến công chủ thể sản xuất OCOP sẽ ngày càng phát triển, từ đó góp phần phát triển bền vững Chương trình OCOP.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Chính phủ (2012). Nghị định số 45/2012/NĐ-CP ngày 21 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ về khuyến công.
- Chính phủ (2020). Quyết định số 1881/QĐ-TTg ngày 20 tháng 11 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình khuyến công quốc gia giai đoạn 2021 - 2025.
- Chính phủ (2018). Quyết định số 490/QĐ-TTg ngày tháng năm 2018 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mỗi xã một sản phẩm giai đoạn 2018 - 2020.
- Chính phủ (2019). Quyết định số 1048/ QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành kèm theo Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (tên tiếng Anh là One Commune One Product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP), sau đây gọi chung là Bộ Tiêu chí OCOP.
- Chính phủ (2020). Quyết định số 781/QĐ-TTg ngày 8 tháng 6 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ Sửa đổi, bổ sung Phụ lục Quyết định số 1048/QĐ-TTg ngày 21 tháng 8 năm 2019 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành Bộ Tiêu chí đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (sau đây gọi tắt là Quyết định số 1048/QĐ-TTg).
THE NATIONAL INDUSTRIAL PROMOTION PROGRAM
SUPPORT THE OCOP PROGRAM SUSTAINABLY DEVELOP
NGO VAN TOAI
Institute of Management for Agricultural and Rural Development II
ABSTRACT:
The One Commune One Product (OCOP) program’s first phase has been implemented from 2018 to 2020 and it brought benefits to people who produce and trade OCOP products across Vietnam. Therefore, the Ministry of Agriculture and Rural Development keep implementing the program in the period of 2021 - 2025 with a vision to 2030. This paper presents basic contents and goals of the OCOP program and the National Industrial Promotion Program, and how OCOP producers can take advantage of the National Industrial Promotion Program to sustainably develop.
Keywords: OCOP, OCOP product, OCOP production, the National Industrial Promotion Program.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 14, tháng 6 năm 2022]