Sáng 7/1/2020, Bộ Công Thương đã thành lập đoàn công tác liên ngành làm việc với Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn và một số cơ quan chức năng trên địa bản tỉnh nhằm tìm giải pháp tạo thuận lợi cho hoạt động xuất khẩu các mặt hàng trên vào thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán Canh Tý năm 2020, đặc biệt đối với các loạt trái cây có đặc tính mùa vụ, đảm bảo đáp ứng các yêu cầu của nước nhập khẩu, tránh ảnh hưởng đến tốc độ thông quan và gây ùn ứ tại khu vực cửa khẩu, phát huy tối đa cơ hội thị trường.
Trước buổi làm việc, đoàn công tác liên ngành đã đến khảo sát thực tế tình hình xuất khẩu nông sản tại đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài.
Tốc độ thông quan đã có sự cải thiện
Báo cáo tại buổi làm việc, ông Hoàng Khánh Duy - Trưởng phòng Quản lý xuất nhập khẩu, Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết, trong năm 2019, thông qua các cửa khẩu trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn, nước ta đã xuất khẩu sang Trung Quốc qua các cửa khẩu Lạng Sơn trên 2 triệu tấn nông sản, chủ yếu là trái cây các loại: thanh long 550.000 tấn, dưa hấu 230.000 tấn, xoài 430.000 tấn, mít 185.000 tấn, nhãn 150.000 tấn,...
Theo đó, hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa tại cửa khẩu Tân Thanh trong thời gian qua diễn ra bình thường, không có vướng mắc phát sinh. Tuy nhiên lượng hàng hóa nông sản, hoa quả, trái cây xuất khẩu giảm khá so với cùng kỳ, số lượng phương tiện chở hàng thông quan trung bình khoảng từ 25-300 xe/ngày.
Đặc biệt, sau khi đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài đi vào hoạt động, từ ngày 30/12/2019 - 2/1/2020, trung bình hàng ngày có khoảng 130 - 140 xe hàng xuất khẩu, từ 90 - 100 xe hàng nhập khẩu.
Từ ngày 3/1/2020 đến nay, tình hình đã được cải thiện hơn, trung bình hàng ngày có khoảng 200 - 220 xe hàng xuất khẩu.
Dù vậy, đại diện Sở Công Thương Lạng Sơn nhận định, phía Trung Quốc hiện vẫn tiếp tục tăng cường truy xuất nguồn gốc hàng hóa, áp dụng hệ thống kiểm tra giám sát toàn bộ quy trình hàng nhập khẩu, làm tăng thời gian kiểm tra xe hàng.
“Lượng nông sản lên cửa khẩu khá đông, hiện vẫn diễn ra hoạt động xuất nhập khẩu bình thường, nhưng chúng tôi dự báo vẫn có thể xảy ra tình trạng ùn ứ nông sản nếu như lượng hàng tăng lên hơn nữa, do đó Sở vẫn tiếp tục theo dõi để có thông tin kịp thời đến thương nhân và các tỉnh có vùng trồng cũng như các Bộ, ngành”.
Trước vấn đề này, UBND tỉnh Lạng Sơn đã tích cực chỉ đạo các Sở, ban ngành, đơn vị có liên quan phối hợp, giải quyết ách tắc, tạo điều kiện thuận lợi cho thông quan nhanh hàng hóa xuất nhập khẩu của hai bên, ưu tiên đối với các mặt hàng dưa hấu, thanh long, xoài,… Các đơn vị đã linh động cho phép đỗ xe chờ xuất khẩu vào khu phi thuế quan để giảm ùn tắc giao thông ngoài đường quốc lộ.
Mặt khác, Trung tâm Quản lý cửa khẩu cũng đã chủ động phối hợp, phân luồng giao thông, kéo dài thời gian làm việc trong ngày thêm 1 tiếng, thời gian thông quan đến 20 giờ, xử lý các công việc phát sinh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho hàng hóa nông sản xuất nhập khẩu.
Cùng với đó, bà Hoàng Thị Thiều Hoa - Phó Chi cục trưởng Chi cục Hải quan Tân Thanh cũng cho biết hầu hết các mặt hàng nông sản xuất khẩu đều được đưa vào luồng xanh, miễn kiểm tra hàng, thủ tục hải quan xử lý rất nhanh nhằm tạo điều kiện tối đa cho doanh nghiệp thông quan.
Các cán bộ hải quan cũng chia ca trực tất cả các vị trí, “làm hết việc chứ không làm hết giờ”, cho đến khi phía Trung Quốc đóng cửa khẩu, ngừng thông quan mới thôi.
Nhờ vậy, việc thông quan hàng hóa nông sản diễn ra bình thường, không còn tình trạng ùn ứ tại cửa khẩu như trước.
Bài toán xuất khẩu cần có sự chung tay của cả hệ thống
Theo ông Trần Quốc Toản - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công Thương, hướng đến mục tiêu xuất khẩu năm 2020 chạm mốc 300 tỷ USD mà Thủ tướng giao Bộ Công Thương, ngay từ đầu năm, Bộ đã thành lập đoàn công tác liên ngành đi các địa phương có cửa khẩu xuất khẩu nông sản để phối hợp tìm biện pháp tháo gớ khó khăn, vướng mắc, thúc đẩy xuất khẩu nông sản ổn định, bền vững sang thị trường Trung Quốc.
Đồng thời, trong tháng 1/2020, Cục Xuất nhập khẩu cũng đã có công văn gửi Sở Công Thương các tỉnh biên giới phía Bắc, Sở Công Thương các tỉnh, thành phố, các Hiệp hội ngành hàng nông, thủy sản có hàng hóa xuất khẩu qua cửa khẩu biên giới phía Bắc cũng như các doanh nghiệp xuất khẩu, đề nghị phối hợp thực hiện nhiều nội dung để giải quyết vấn đề này.
Chia sẻ về một số tín hiệu vui mà nông sản Việt có thể sẽ đón nhận khi mở cửa thị trường Trung Quốc thành công đối với khoai lang tím, thạch đen, chanh leo,… đại diện Cục Xuất nhập khẩu đề nghị các đơn vị tại tỉnh Lạng Sơn phát huy hiệu quả của tuyến đường chuyên dụng vận tải hàng hóa Tân Thanh - Pò Chài, tạo mọi điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản.
Từ nay đến khi tuyến đường chính thức đi vào hoạt động vào cuối tháng 5/2020, cần tích cực trao đổi với phía bạn để tăng thêm giờ làm, khi nhận biết nông sản có dấu hiệu gia tăng về sản lượng thì chủ động trao đổi giữa hai bên để phối hợp hiệu quả, thúc đẩy thông quan nhanh chóng.
Bên cạnh tăng cường nắm bắt thông tin của thị trường nước ngoài để chia sẻ với các Bộ, ngành và kịp thời khuyến cáo các doanh nghiệp, địa phương có vùng trồng, Cục Xuất nhập khẩu lưu ý tỉnh Lạng Sơn tiếp tục quán triệt các thương nhân, doanh nghiệp xuất nhập khẩu dần chuyển hoàn toàn hoạt động xuất khẩu sang kênh chính ngạch, để đảm bảo chất lượng hàng hóa xuất khẩu cũng như đánh giá đúng kim ngạch xuất khẩu thực tế của nước ta.
Đặc biệt, doanh nghiệp trong nước cần hướng đến sản xuất theo quy chuẩn, tiêu chuẩn hàng hóa của nước nhập khẩu, nhất là các quy định liên quan đến đóng gói, bao bì, nhãn mác, truy xuất nguồn gốc,…
“Các doanh nghiệp xuất khẩu cần liên tục đưa thông tin về thị trường nước nhập khẩu, và quan trọng là tiến hành ký kết các hợp đồng thương mại theo quy định”, nhằm định hướng quy hoạch vùng trồng và hỗ trợ sản xuất đáp ứng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn, khoa học kỹ thuật để khi sản phẩm xuất đi đáp ứng được tất cả yêu cầu của nước nhập khẩu.
Về phía mình, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục phối hợp với các bên liên quan, theo dõi sát sao diễn biến xuất nhập khẩu nông sản tại các cửa khẩu để kịp thời xử lý khi có dấu hiệu ùn ứ hàng hóa. Bộ cũng sẽ tích cực rà soát, đàm phán mở cửa thị trường cho nhiều loại nông sản, trái cây thế mạnh khác của ta sang Trung Quốc qua đường chính ngạch, góp phần nâng cao kim ngạch xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam.