TÓM TẮT:
Với sự phát triển mạnh mẽ của toàn cầu hóa, thương hiệu quốc gia đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng sự cạnh tranh và thu hút đầu tư quốc tế. Tác giả nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xây dựng nhận diện thương hiệu và bảo vệ thương hiệu quốc gia đối với sự phát triển bền vững của nền kinh tế nước ta. Bài viết tập trung phân tích sự cần thiết của việc nâng cao ý thức về việc bảo vệ thương hiệu quốc gia trong bối cảnh hội nhập quốc tế. Từ việc áp dụng các phương pháp cơ bản về xây dựng và bảo vệ thương hiệu và những bài học thực tiễn bảo vệ thương hiệu của một số quốc gia phát triển trên thế giới, đặc biệt trong việc ứng dụng hiệu quả các công cụ pháp lý bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp Việt Nam có thể rút ra những kinh nghiệm phù hợp nhằm hoàn thiện hệ thống pháp lý để bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia, đồng thời tạo ra các cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trong việc xây dựng, duy trì và phát triển thương hiệu.
Từ khóa: thương hiệu, xây dựng nhận diện thương hiệu, bảo vệ thương hiệu, các doanh nghiệp Việt Nam, hội nhập quốc tế.
1. Đặt vấn đề
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và sự phát triển mạnh mẽ của nền kinh tế thị trường hiện nay, thương hiệu trở thành yếu tố quan trọng để khẳng định vị trí và sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp. Thương hiệu không chỉ là sự nhận diện của sản phẩm mà còn là yếu tố quyết định đến niềm tin và sự trung thành của khách hàng cũng như tạo nên giá trị cạnh tranh cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, việc xây dựng nhận diện và bảo vệ thương hiệu luôn là vấn đề các doanh nghiệp đặc biệt quan tâm, nhất là khi các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ ngày càng trở nên phức tạp và tinh vi hơn. Một số quốc gia phát triển trên thế giới đã có những hệ thống pháp lý và cơ chế pháp luật tương đối hoàn thiện để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu thương hiệu. Họ không chỉ xây dựng hệ thống pháp lý rõ ràng mà còn áp dụng các biện pháp mạnh mẽ để ngăn chặn các hành vi xâm phạm thương hiệu. Thực tế cho thấy, việc bảo vệ thương hiệu hiệu quả không chỉ dừng lại ở việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của các doanh nghiệp mà còn tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, thúc đẩy sự đổi mới và phát triển bền vững của nền kinh tế của mỗi quốc gia. Tại Việt Nam, các doanh nghiệp phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức trong việc bảo vệ thương hiệu của mình. Do vậy, các doanh nghiệp Việt Nam cần nghiên cứu và học hỏi nhiều hơn về pháp luật bảo vệ thương hiệu của một số quốc gia trên thế giới nhằm bảo vệ và phát triển thương hiệu trong môi trường kinh doanh quốc tế.
2. Khái niệm về thương hiệu, xây dựng nhận diện và bảo vệ thương hiệu
Thương hiệu (Brand) được biết đến là một tập hợp các yếu tố giúp nhận diện và phân biệt sản phẩm, dịch vụ của một doanh nghiệp hoặc tổ chức so với các đối thủ cạnh tranh trên thị trường. Thương hiệu không chỉ bao gồm tên gọi, logo hay hình ảnh, mà còn bao gồm các giá trị, cảm nhận và niềm tin mà khách hàng có về sản phẩm hoặc dịch vụ của doanh nghiệp đó. Nói cách khác, thương hiệu được coi là biểu tượng để xác định và phân biệt một sản phẩm hoặc dịch vụ của một nhà sản xuất hoặc nhà cung cấp cụ thể [1]. Như vậy, thương hiệu không chỉ là một cái tên, nó còn là sự cam kết và trải nghiệm mà doanh nghiệp đem đến cho khách hàng. Sự thành công của thương hiệu và lòng trung thành của khách hàng với thương hiệu phụ thuộc vào niềm tin mà doanh nghiệp tạo ra thông qua chất lượng của các sản phẩm và dịch vụ được cung cấp bởi thương hiệu đó.
Việc xây dựng nhận diện thương hiệu là quá trình tạo ra và phát triển các yếu tố hình ảnh, thông điệp và giá trị của thương hiệu để người tiêu dùng dễ dàng nhận biết và gắn kết với thương hiệu đó. Việc xây dựng nhận diện thương hiệu được xem là nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp vì nó giúp thương hiệu nổi bật, tạo sự khác biệt, xây dựng lòng tin và kết nối cảm xúc với khách hàng, từ đó thúc đẩy sự trung thành của họ và tăng trưởng bền vững của doanh nghiệp.
Bảo vệ thương hiệu là quá trình ngăn chặn và ứng phó với những hành vi xâm phạm hoặc làm giảm giá trị thương hiệu, như sao chép, làm nhái hoặc các hành vi gian lận có thể gây hại đến uy tín và danh tiếng của thương hiệu. Mục tiêu của bảo vệ thương hiệu nhằm đảm bảo thương hiệu không bị làm giả hoặc sử dụng sai mục đích, đồng thời duy trì sự khác biệt, chất lượng của sản phẩm và dịch vụ.
Do đó, việc bảo vệ thương hiệu của một doanh nghiệp hay tổ chức cần được xem là một phần quan trọng trong chiến lược quản lý tài sản trí tuệ để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu, duy trì sự phát triển uy tín và bền vững của thương hiệu đó trên thị trường [2].
3. Sự cần thiết của pháp luật bảo vệ thương hiệu đối với các doanh nghiệp
Pháp luật bảo vệ thương hiệu đóng vai trò quan trọng đối với các doanh nghiệp trong bảo vệ quyền lợi và uy tín của họ. Một thương hiệu mạnh không chỉ là tài sản vô hình mà còn là yếu tố quyết định sự tồn tại và phát triển bền vững của doanh nghiệp trong thị trường cạnh tranh khốc liệt. Pháp luật bảo vệ thương hiệu giúp doanh nghiệp duy trì quyền sở hữu hợp pháp đối với các yếu tố mẫu mã như tên thương hiệu, logo, khẩu hiệu, hình ảnh, thiết kế bao bì. Điều này giúp ngăn ngừa việc sao chép, giả mạo hay sử dụng trái phép các yếu tố này của các đối thủ nhằm bảo vệ doanh thu và uy tín của doanh nghiệp. Thêm nữa, pháp luật bảo vệ thương hiệu giúp doanh nghiệp tạo dựng sự khác biệt trong thị trường, giúp khách hàng nhận diện, tin tưởng và tạo ra lợi thế cạnh tranh cho doanh nghiệp đó. Khi thương hiệu được đăng ký và bảo vệ, doanh nghiệp có thể tự tin hơn trong việc mở rộng thị trường, thu hút đối tác và các nhà đầu tư. Ngoài ra, pháp luật bảo vệ thương hiệu đảm bảo rằng các sản phẩm mang thương hiệu đã được xác minh chất lượng, từ đó bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trước việc mua phải sản phẩm giả hay kém chất lượng. Khi thương hiệu được đăng ký và bảo vệ hợp pháp, doanh nghiệp sẽ tránh được những tranh chấp pháp lý không mong muốn bởi pháp luật cung cấp cơ sở vững chắc để doanh nghiệp có thể khởi kiện những đối tượng xâm phạm thương hiệu, bảo vệ quyền lợi của mình mà không lo ngại bị đối thủ cạnh tranh lợi dụng. Khi thương hiệu được công nhận, nó có thể trở thành một tài sản có giá trị chiến lược trong kinh doanh lâu dài và mở rộng quy mô phát triển trong tương lai. Như vậy, chúng ta có thể thấy pháp luật bảo vệ thương hiệu là yếu tố không thể thiếu trong chiến lược phát triển và bảo vệ lợi ích của doanh nghiệp. Nó không chỉ giúp doanh nghiệp duy trì quyền sở hữu trí tuệ, tạo ra sự ổn định và phát triển kinh doanh lâu dài, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng mà còn giảm thiểu các rủi ro pháp lý. Vì vậy, doanh nghiệp cần đặc biệt chú trọng đến việc bảo vệ thương hiệu thông qua các quy định pháp lý để đảm bảo sự phát triển bền vững trong môi trường kinh doanh luôn có nhiều biến động.
4. Các phương pháp bảo vệ thương hiệu phổ biến hiện nay
Để bảo vệ thương hiệu một cách hiệu quả, các doanh nghiệp có thể áp dụng nhiều phương pháp khác nhau. Một trong các cách bảo vệ thương hiệu phổ biến là việc đăng ký nhãn hiệu. Thứ nhất, đây là cách đầu tiên và đơn giản nhất để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của thương hiệu. Việc đăng ký giúp công nhận quyền sử dụng độc quyền logo, tên thương hiệu và các yếu tố nhận diện khác. Khi nhãn hiệu đã được đăng ký, doanh nghiệp có thể dễ dàng yêu cầu xử lý các hành vi xâm phạm như sao chép hoặc làm giả thương hiệu. Thứ hai, việc bản quyền bảo vệ các tác phẩm sáng tạo như thiết kế đồ họa, slogan, video quảng cáo, hình ảnh sản phẩm và nội dung truyền thông là hết sức cần thiết để tránh các hành vi sao chép, sử dụng trái phép các tài liệu thương hiệu đã được sáng tạo. Thứ ba, chất lượng vẫn luôn là yếu tố cốt lõi giúp duy trì sự uy tín của thương hiệu. Một thương hiệu nổi bật không chỉ có sản phẩm và dịch vụ chất lượng mà cần phải cam kết chất lượng trong suốt quá trình hoạt động của doanh nghiệp đó. Việc bảo vệ thương hiệu không chỉ ở mặt pháp lý mà còn thông qua việc xây dựng hình ảnh thương hiệu. Trong một số ngành như thời trang, mỹ phẩm hay thực phẩm, vấn đề hàng giả, hàng nhái là một trong những thách thức lớn đối với việc bảo vệ thương hiệu. Các doanh nghiệp có thể sử dụng các công nghệ như mã vạch, tem chống hàng giả, hoặc theo dõi các kênh phân phối để ngăn chặn việc bán hàng giả mạo thương hiệu. Điều này giúp khách hàng có thể yên tâm truy xuất nguồn gốc và thông tin sản phẩm họ quan tâm. Với sự phát triển không ngừng của thương mại điện tử hiện nay, việc bảo vệ thương hiệu ngày càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết. Các doanh nghiệp cần theo dõi và kiểm soát sự xuất hiện của thương hiệu trên các nền tảng mạng xã hội và có những biện pháp như bảo vệ tên miền hay đăng ký tên thương hiệu trên các mạng xã hội. Trên thực tế, thương hiệu sẽ được bảo vệ hiệu quả hơn khi doanh nghiệp có mối quan hệ tốt với khách hàng của họ. Việc duy trì sự kết nối chặt chẽ với khách hàng để giải quyết kịp thời các khiếu nại và phản hồi giúp xây dựng lòng tin với khách hàng và bảo vệ hình ảnh thương hiệu của doanh nghiệp. Trên đây là các phương pháp cơ bản không chỉ giúp bảo vệ thương hiệu khỏi các rủi ro pháp lý và cạnh tranh không lành mạnh mà còn giúp các doanh nghiệp xây dựng hình ảnh thương hiệu vững mạnh và tin cậy trong lòng người tiêu dùng.
5. Pháp luật bảo vệ thương hiệu của một số quốc gia trên thế giới
Bảo vệ thương hiệu là một phần quan trọng trong chiến lược phát triển kinh doanh của các doanh nghiệp ở nhiều quốc gia trên thế giới. Các quốc gia có các chính sách pháp lý, quy định và chiến lược riêng để bảo vệ quyền lợi của chủ sở hữu thương hiệu và đảm bảo tính cạnh tranh lành mạnh trên thị trường. Ở Mỹ, Luật Lanham là nền tảng pháp lý quan trọng để bảo vệ thương hiệu tại Mỹ. Luật này cho phép chủ sở hữu thương hiệu đăng ký và bảo vệ quyền lợi của mình đối với các nhãn hiệu, tên thương mại và các biểu tượng có tính phân biệt cao. Điểm mạnh của hệ thống này là việc bảo vệ thương hiệu cả trong trường hợp có hành vi giả mạo. Ngoài ra, cơ quan Sáng chế và Nhãn hiệu Hoa Kỳ (USPTO) là cơ quan chính phụ trách việc đăng ký và bảo vệ các nhãn hiệu tại Mỹ. Điều này giúp tạo ra một hệ thống tập trung và dễ dàng tiếp cận.
Pháp luật bảo vệ thương hiệu ở châu Âu được quy định chủ yếu qua các quy định của Liên minh châu Âu (EU) và các hệ thống pháp lý quốc gia. Liên minh châu Âu có hệ thống bảo vệ thương hiệu mạnh mẽ thông qua việc đăng ký nhãn hiệu tại Văn phòng Sở hữu trí tuệ Liên minh châu Âu (EUIPO). Khi một thương hiệu được đăng ký dưới hệ thống này, nó có hiệu lực trên toàn bộ quốc gia thành viên, giúp giảm chi phí và thời gian cho các doanh nghiệp muốn bảo vệ thương hiệu tại nhiều quốc gia. Hiệp định Madrid có tính quốc tế cho phép các doanh nghiệp đăng ký thương hiệu tại nhiều quốc gia, trong đó có các quốc gia châu Âu, thông qua một đơn vị duy nhất. Thương hiệu đã đăng ký qua Hiệp định Madrid có thể được bảo vệ tại nhiều quốc gia thành viên của Liên minh Madrid. Các nước khối châu Âu cũng rất chú trọng đến việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng bằng cách cấm việc sử dụng nhãn hiệu gây nhầm lẫn hoặc lừa đảo người tiêu dùng.
Cục Sở hữu trí tuệ Nhật Bản (JPO) có một hệ thống bảo vệ thương hiệu rất nghiêm ngặt, trong đó các quy định liên quan đến đăng ký, bảo vệ và xử lý tranh chấp thương hiệu được thực hiện chặt chẽ. Chính phủ Nhật Bản cũng thực hiện nhiều biện pháp mạnh mẽ chống lại hàng giả mạo và hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ. Nhật Bản cũng tập trung vào việc hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc bảo vệ thương hiệu của họ thông qua các chương trình giáo dục và tư vấn về quyền sở hữu trí tuệ và pháp luật bảo vệ thương hiệu. Thêm nữa, các doanh nghiệp Nhật Bản còn chú trọng xây dựng mối quan hệ bền vững, không chỉ với khách hàng mà còn với các đối tác chiến lược. Việc duy trì mối quan hệ này giúp các công ty bảo vệ thương hiệu, đặc biệt khi có sự cố liên quan đến sản phẩm hoặc dịch vụ.
Pháp luật bảo vệ thương hiệu ở Trung Quốc khá phát triển và đã có nhiều cải tiến trong những năm gần đây để bảo vệ quyền lợi của các doanh nghiệp, đặc biệt trong bối cảnh quốc tế hóa và gia tăng các vụ tranh chấp liên quan đến sở hữu trí tuệ. Trung Quốc đã thực hiện nhiều cải cách lớn trong những năm gần đây nhằm tăng cường bảo vệ thương hiệu và quyền sở hữu trí tuệ. Các biện pháp mạnh mẽ bao gồm việc xử lý nhanh chóng các vụ kiện vi phạm thương hiệu và bảo vệ các thương hiệu quốc tế. Chính phủ Trung Quốc cung cấp nhiều phương thức giải quyết tranh chấp, bao gồm các cơ chế hành chính và tòa án. Các vụ kiện hành chính có thể giải quyết nhanh hơn so với kiện dân sự tại tòa án. Bên cạnh đó, hình thành một hệ thống tòa án chuyên biệt được xây dựng để xử lý các tranh chấp về sở hữu trí tuệ, đồng thời tăng cường các biện pháp bảo vệ qua việc hợp tác quốc tế.
Với sự phát triển nhanh chóng của công nghệ, Singapore là một ví dụ điển hình về việc rất chú trọng đến việc bảo vệ thương hiệu trong môi trường trực tuyến. Chính phủ và các cơ quan liên quan đã cung cấp các công cụ giúp doanh nghiệp bảo vệ thương hiệu khỏi các hành vi xâm phạm trên Internet, như vấn đề giả mạo thương hiệu hoặc vi phạm bản quyền. Ngoài ra, chính phủ Singapore còn cung cấp các gói hỗ trợ tài chính và cơ hội học hỏi cho các doanh nghiệp, đồng thời khuyến khích các công ty sáng tạo bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình, bao gồm thương hiệu. Chính sách này tạo ra một môi trường thuận lợi cho việc xây dựng và bảo vệ thương hiệu lâu dài.
Các quốc gia trên đều có những chiến lược và biện pháp khác nhau để bảo vệ thương hiệu, từ việc áp dụng các quy định pháp lý nghiêm ngặt đến các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp. Việc bảo vệ thương hiệu không chỉ giúp bảo vệ tài sản trí tuệ của các doanh nghiệp mà còn bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng và tạo ra môi trường kinh doanh công bằng và bền vững.
6. Nâng cao ý thức của các doanh nghiệp Việt Nam về xây dựng nhận diện và bảo vệ thương hiệu quốc gia
Để đáp ứng được mục tiêu hội nhập quốc tế, việc xây dựng nhận diện thương hiệu và bảo vệ thương hiệu quốc gia đóng vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam. Nhằm nâng cao ý thức về xây dựng nhận diện và bảo vệ thương hiệu quốc gia, các doanh nghiệp Việt Nam cần triển khai các giải pháp đồng bộ và hiệu quả. Đầu tiên, việc tăng cường giáo dục và đào tạo về thương hiệu quốc gia là một trong những cách quan trọng để nâng cao nhận thức cho các doanh nghiệp. Các chương trình đào tạo, hội thảo chuyên sâu về quản trị thương hiệu, marketing quốc tế và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về tầm quan trọng của việc xây dựng nhận diện thương hiệu quốc gia, từ đó các doanh nghiệp có những chiến lược và hành động phù hợp. Ngoài ra, các doanh nghiệp cần chủ động trang bị kiến thức về cách tạo dựng và duy trì một thương hiệu mạnh mẽ, đồng thời nhận thức được trách nhiệm bảo vệ thương hiệu quốc gia trong môi trường cạnh tranh toàn cầu.
Thêm nữa, các doanh nghiệp cần xây dựng chiến lược nhận diện thương hiệu rõ ràng, kết hợp với các giá trị văn hóa và bản sắc dân tộc Việt Nam. Thương hiệu quốc gia không chỉ đơn thuần là một tên gọi hay biểu tượng mà còn là sự kết hợp giữa chất lượng sản phẩm, dịch vụ và những giá trị văn hóa, truyền thống đặc sắc của dân tộc. Việc xây dựng nhận diện thương hiệu dựa trên những giá trị này sẽ giúp doanh nghiệp tạo dựng được sự khác biệt và thu hút sự chú ý từ thị trường quốc tế. Đồng thời, việc gắn kết giữa thương hiệu doanh nghiệp và thương hiệu quốc gia sẽ giúp gia tăng độ nhận diện của thương hiệu Việt Nam trên bản đồ thế giới. Việc bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ là yếu tố không thể thiếu trong việc bảo vệ thương hiệu quốc gia. Các doanh nghiệp cần ý thức rõ tầm quan trọng của việc đăng ký bảo vệ nhãn hiệu, sáng chế, bản quyền và các quyền sở hữu trí tuệ khác để ngăn chặn việc sao chép và xâm phạm quyền lợi. Chính phủ cũng cần có các biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp trong việc bảo vệ quyền lợi này, đồng thời thúc đẩy các chính sách pháp lý và cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ quốc gia. Để nâng cao nhận diện thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp cần tận dụng công nghệ số và các nền tảng truyền thông quốc tế. Với các công cụ marketing trực tuyến, quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, website quốc tế sẽ là những kênh quan trọng để doanh nghiệp quảng bá thương hiệu. Việc xây dựng chiến lược truyền thông bài bản, kết hợp với các sự kiện, hội nghị và triển lãm quốc tế sẽ giúp gia tăng cơ hội tiếp cận với thị trường toàn cầu và khẳng định giá trị của thương hiệu Việt Nam. Cuối cùng, chính phủ và các tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp có thể đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy ý thức bảo vệ thương hiệu quốc gia. Nhà nước cần tạo ra các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong việc phát triển thương hiệu quốc gia thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, xây dựng chính sách pháp lý bảo vệ quyền lợi của doanh nghiệp. Đồng thời, các cơ quan chức năng cần tạo ra một môi trường kinh doanh minh bạch và công bằng, giúp các doanh nghiệp Việt Nam hoạt động và cạnh tranh hiệu quả trên trường quốc tế. Tóm lại, các doanh nghiệp Việt Nam cần kết hợp các biện pháp có yếu tố về giáo dục, chiến lược phát triển thương hiệu, bảo vệ sở hữu trí tuệ, sử dụng công nghệ số và sự hỗ trợ từ chính phủ để củng cố và nâng cao ý thức xây dựng nhận diện thương hiệu và bảo vệ thương hiệu quốc gia. Điều này sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam khẳng định vị thế trên thị trường toàn cầu.
7. Kết luận
Trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng, việc nâng cao ý thức về xây dựng nhận diện thương hiệu và bảo vệ thương hiệu quốc gia là yếu tố quan trọng đối với sự phát triển bền vững của các doanh nghiệp Việt Nam. Việc tạo dựng và duy trì một thương hiệu mạnh không chỉ giúp các doanh nghiệp gia tăng giá trị cạnh tranh mà còn đóng góp vào việc nâng cao uy tín và hình ảnh quốc gia trên thị trường quốc tế. Do đó, các doanh nghiệp cần nhận thức rõ tầm quan trọng của việc xây dựng chiến lược nhận diện thương hiệu toàn diện, đồng thời có ý thức chủ động bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ và khẳng định chất lượng sản phẩm, dịch vụ. Từ đó, các doanh nghiệp Việt Nam sẽ có thể phát huy tối đa tiềm năng, khẳng định vị thế trong nền kinh tế toàn cầu và góp phần vào sự phát triển của đất nước. Việc học hỏi và áp dụng hợp lý các mô hình pháp lý bảo vệ thương hiệu từ các quốc gia phát triển, cải thiện hệ thống pháp luật bảo vệ thương hiệu trong nước, nâng cao nhận thức về quyền sở hữu trí tuệ và tăng cường các biện pháp xử lý vi phạm sẽ giúp các doanh nghiệp Việt Nam bảo vệ thương hiệu, nâng cao giá trị sản phẩm, dịch vụ và đạt được lòng tin của người tiêu dùng.
Tài liệu tham khảo:
1. Quốc hội Nước CHXHCN Việt Nam (2022). Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, năm 2019, năm 2022).
2. Kotler, P. (2016). Marketing Management. UK: Pearson Education.
3.World Intellectual Property Organization (WIPO) (1970). Brand Protection: Importance and Legal Frameworks.
Enhancing the legal framework to strengthen brand identity and protect national brands of Vietnamese enterprises in the context of the global integration period
Master. NGUYEN THI MINH HUYEN
International School
Vietnam National University - Hanoi
ABSTRACT:
In the era of globalization, national branding plays a crucial role in enhancing competitiveness and attracting international investment. This study highlights the significance of establishing a strong brand identity and protecting national brands for the sustainable development of Vietnam’s economy. It explores the necessity of raising awareness about national brand protection in the context of global integration. By examining fundamental brand-building and protection strategies, along with best practices from developed countries, particularly the effective use of legal tools for trademark protection, the study provides insights for Vietnamese enterprises. The findings emphasize the need to improve the legal framework to safeguard business interests and national brands while fostering mechanisms that support brand development and sustainability.
Keywords: branding, building brand identity, protecting brands, Vietnamese enterprises, international integration.