TÓM TẮT:
Học thuyết giá trị thặng dư là một trong ba đóng góp to lớn của C.Mác đối với lịch sử xã hội loài người. Trong xu thế kinh tế thế giới dịch chuyển theo hướng từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức, học thuyết giá trị thặng dư vẫn giữ nguyên giá trị. Bài viết tóm tắt những luận điểm cơ bản của C.Mác về học thuyết giá trị thặng dư và làm rõ những đặc điểm nổi bật của nền kinh tế tri thức, trên cơ sở đó góp phần khẳng định giá trị của học thuyết giá trị thặng dư đối với sự phát triển của nhân loại nói chung và trong nền kinh tế tri thức nói riêng.
Từ khoá: Giá trị thặng dư (GTTD), nền kinh tế tri thức, C.Mác.
1. Vài nét sơ lược về học thuyết giá trị thặng dư và nền kinh tế tri thức
1.1. Học thuyết giá trị thặng dư
Học thuyết giá trị thặng dư được hình thành trên cơ sở học thuyết giá trị - lao động mà trực tiếp là việc phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa. Việc phát hiện ra tính chất hai mặt của lao động sản xuất hàng hóa có ý nghĩa to lớn về mặt lý luận, đem đến cho lý thuyết giá trị - lao động một cơ sở khoa học thực sự.
Khi nghiên cứu học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác chỉ rõ giá trị thặng dư là lao động không công của công nhân cho nhà tư bản chỉ được tạo ra trong quá trình sản xuất nhờ tính chất đặc biệt của loại hàng hoá sức lao động. Đồng thời C.Mác khẳng định rằng: Sản xuất ra giá trị thặng dư - quy luật kinh tế tuyệt đối của chủ nghĩa tư bản. Quy luật giá trị thặng dư đòi hỏi sản xuất giá trị thặng dư ngày càng nhiều cho các nhà tư bản bằng cách tăng cường bóc lột lao động làm thuê trên cơ sở mở rộng sản xuất và phát triển kỹ thuật. C. Mác chỉ ra có hai phương pháp sản xuất giá trị thặng dư tuyệt đối và tương đối, đồng thời chỉ ra sản xuất giá trị thặng dư siêu ngạch là hình thức biến tướng của sản xuất giá trị thặng dư tương đối.
Quy luật giá trị thặng dư là quy luật kinh tế cơ bản của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa, vì: Quy luật này không những vạch rõ mục đích của nền sản xuất tư bản chủ nghĩa là sản xuất giá trị và giá trị thặng dư mà còn vạch rõ phương thức mà các nhà tư bản sử dụng để kéo dài ngày lao động, tăng cường độ lao động và tăng năng suất lao động để tăng cường bóc lột công nhân làm thuê.
Quy luật giá trị thặng dư ra đời cùng với sự ra đời của quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa, tồn tại và phát huy tác dụng cùng với sự tồn tại và vận động của nền kinh tế tư bản chủ nghĩa.
Quy luật giá trị thặng dư chi phối các quy luật kinh tế khác, như: Quy luật lợi nhuận, quy luật lợi nhuận bình quân, quy luật lợi nhuận siêu ngạch,…
Quy luật này quyết định toàn bộ quá trình phát sinh, phát triển của chủ nghĩa tư bản, đồng thời đây cũng là nguyên nhân làm cho mâu thuẫn cơ bản và nói chung toàn bộ mâu thuẫn của xã hội tư bản ngày càng sâu sắc, tất yếu dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa tư bản.
Như vậy, thoạt nhìn, việc mua bán sức lao động cũng giống như mua bán các hàng hóa thông thường khác, nhưng ẩn sau quan hệ “thuận mua vừa bán” đó là sự bóc lột tinh vi của nhà tư bản đối với người công nhân. Do đó, “sản xuất giá trị thặng dư” chỉ là sự bóc lột lao động không công của công nhân một cách tinh vi của nhà tư bản.
1.2. Nền kinh tế tri thức
Theo tổ chức hợp tác và phát triển quốc tế: Nền kinh tế tri thức là nền kinh tế trong đó sự sản sinh ra, phổ cập và sử dụng tri thức giữ vai trò quyết định nhất đối với sự phát triển kinh tế, tạo ra của cải, nâng cao chất lượng cuộc sống.
Nền kinh tế tri thức có những đặc điểm cơ bản sau:
Trong nền kinh tế tri thức, tri thức trở thành lực lượng sản xuất trực tiếp; cơ cấu nền kinh tế tri thức có sự biến đổi sâu sắc theo hướng các ngành kinh tế dựa vào tri thức ngày càng tăng và chiếm ưu thế; công nghệ thông tin được ứng dụng rộng rãi trong mọi lĩnh vực; nguồn nhân lực nhanh chóng được tri thức hoá; mọi hoạt động trong nền kinh tế tri thức đều liên quan đến vấn đề toàn cầu hoá kinh tế.
Trong nền kinh tế tri thức, một ngành được coi là ngành kinh tế tri thức khi hàm lượng giá trị do tri thức mang lại chiếm khoảng 70% tổng giá trị của ngành đó. Tương ứng, một nền kinh tế được coi là nền kinh tế tri thức khi tổng sản phẩm các ngành kinh tế tri thức chiếm khoảng 70% tổng sản phẩm trong nước. Từ sự dịch chuyển kinh tế thế giới như trên, nghiên cứu học thuyết giá trị thặng dư của C. Mác mang giá trị lý luận và thực tiễn.
2. Giá trị của học thuyết giá trị thặng dư trong nền kinh tế tri thức
Nền kinh tế thế giới hiện nay đang có xu hướng dịch chuyển từ nền kinh tế công nghiệp sang nền kinh tế tri thức. Tại thời điểm C. Mác phát hiện ra học thuyết giá trị thặng dư, đối tượng kinh tế tập trung hướng đến là nguyên vật liệu, tăng trưởng kinh tế chủ yếu do nguyên liệu mang lại. Hiện nay, nền kinh tế thế giới dịch chuyển sang phát triển kinh tế tri thức, đối tượng kinh tế tri thức, chất xám, tăng trưởng kinh tế chủ yếu do tư bản vô hình mang lại. Mặc dù kinh tế thế giới nói chung và kinh tế các nước tư bản chủ nghĩa nói riêng đã có nhiều thay đổi, song sự thay đổi đó không làm mất đi giá trị của học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác mà ngược lại, học thuyết giá trị thặng dư càng cần được nghiên cứu sâu hơn nữa để vận dụng vào từng điều kiện thực tiễn của đất nước và từ đó lựa chọn những bước đi phù hợp.
Giá trị học thuyết giá trị thặng dư vẫn còn nguyên giá trị bởi những luận giải sau:
Thứ nhất: Bản chất của chủ nghĩa tư bản vẫn không thay đổi.
Hiện nay, các nước tư bản chủ nghĩa đã và đang đạt những thành tựu nổi bật về kinh tế. Họ luôn luôn là những nước đi đầu trong việc ứng dụng những thành tựu khoa học công nghệ hiện đại đồng thời là những quốc gia đi đầu trong quá trình dịch chuyển sang nền kinh tế tri thức. Phù hợp với xu thế kinh tế này, chủ nghĩa tư bản hiện đã có nhiều thay đổi đáng kể về quan hệ sở hữu, về vai trò của người lao động trong doanh nghiệp (người lao động trở thành những cổ đông đồng sở hữu về tư liệu sản xuất). Đặc biệt, trong nền kinh tế tri thức, vai trò của người lao động ngày càng được coi trọng, những sáng kiến kinh nghiệm, những phát minh khoa học của người lao động được chủ tư bản đánh giá cao và có những phản hồi về mặt lợi ích phù hợp. Do đó, tỉ lệ người lao động đứng vào hàng ngũ trung lưu ngày càng đông đảo và chiếm 50% trong cơ cấu dân số.
Mặc dù có những thay đổi đáng kể như thế, nhưng sự thay đổi biểu hiện bên ngoài không tạo ra sự thay đổi về mặt bản chất của chủ nghĩa tư bản. Quan hệ kinh tế của chủ nghĩa tư bản vẫn dựa trên cơ sở là hình thức sở hữu tư nhân về tư liệu sản xuất. Người lao động mặc dù được là cổ đông đồng sở hữu về tư liệu sản xuất với nhà tư bản nhưng 99% cổ phần thuộc trong tay giai cấp tư bản. Cán cân quyền lực kinh tế vẫn nghiêng về giai cấp tư sản. Mặt khác, với tư cách là cổ đông đồng sở hữu về tư liệu sản xuất, người công nhân lại làm việc trên tinh thần “làm cho mình” với nhiệt huyết hăng say, năng suất và hiệu quả tăng lên. Như vậy, việc người lao động trở thành cổ đông đồng sở hữu tư liệu sản xuất thực chất không phải do nhà tư bản tự nguyện mà đó là một trong những biện pháp để chủ nghĩa tư bản thích nghi với những thay đổi của nền kinh tế thế giới.
Giai cấp tư sản dưới danh nghĩa bán 1% cổ phần cho người lao động, họ đã thực hiện được phương châm “bỏ con săn sắt, bắt con cá rô”, họ chia tỉ lệ 1% giá trị thặng dư cho người lao động, nhận về 99% lao động không công do công nhân làm ra đồng thời kèm theo đó là sự quan tâm, tinh thần thái độ lao động hết mình của người lao động. Đáng lưu ý là trong nền kinh tế tri thức, yếu tố quan trọng nhất mang lại nguồn lượng giá trị thặng dư lớn cho nền kinh tế tư bản không phải là tư bản hữu hình, mà là tư bản vô hình tồn tại trong hàng hóa sức lao động. Những người lao động ở đây là người lao động có tri thức và trình độ, là những người chủ sở hữu kinh tế tiềm năng - tiềm năng về trình độ, về tri thức khoa học. Những tiềm năng kinh tế này chỉ có thể được phát huy trong điều kiện được quan tâm và tạo điều kiện phát huy sức sáng tạo.
Trang 146 trong quyển sách “Chủ nghĩa tư bản ngày nay: mâu thuẫn nội tại, xu thế, triển vọng” viết: “Ở Mỹ, kết quả tính toán cho thấy: 1% gia tăng chi phí lao động đưa lại sản lượng gấp ba lần so với việc tăng 1% vốn”. Nhà tư bản ưu ái, coi trọng và trả lương cao cho người lao động có trình độ thực chất họ đang đầu tư vào yếu tố tạo nên lượng giá trị thặng dư vô tận cho mình. Sự thay đổi này thực chất là thay đổi hình thức bóc lột giá trị thặng dư của nhà tư bản đối với người lao động. Chuyển bóc lột lao động từ hao phí lao động chân tay sang bóc lột hàm lượng tri thức, chất xám, gia tăng khối lượng giá trị thặng dư từ lao động của người công nhân nhưng lại có được sự quan tâm và nhiệt huyết của họ, đồng thời xóa mờ mâu thuẫn giữa hai giai cấp đối kháng này.
Thứ hai: Xét về chất, phương pháp sản xuất giá trị thặng dư siêu ngạch là động lực để phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tri thức. Để theo đuổi giá trị thặng dư siêu ngạch, nhà tư bản đầu tư vào nghiên cứu khoa học công nghệ và ứng dụng khoa học công nghệ vào quá trình sản xuất.
Trong nội dung học thuyết giá trị thặng dư, C.Mác đã phân tích rõ về phương pháp sản xuất giá trị thặng dư siêu ngạch là phần giá trị thặng dư thu được do tăng năng suất lao động cá biệt, làm cho lượng giá trị cá biệt của hàng hoá thấp hơn giá trị thị trường của nó. Dù xét trong từng trường hợp, giá trị thặng dư siêu ngạch là một hiện tượng tạm thời, nhưng nó lại là một hiện tượng liên tục, thường xuyên khi xét trong toàn bộ xã hội. Với mức giá trị thặng dư lớn và liên tục từ phương pháp sản xuất giá trị thặng dư siêu ngạch, các nhà tư bản không ngừng cải tiến kỹ thuật, hợp lý hóa sản xuất, tăng năng suất lao động nhằm hạ giá trị hàng hóa.
Với khát vọng tăng lượng giá trị thặng dư, các nhà tư bản không ngừng đầu tư nghiên cứu và ứng dụng khoa học kỹ thuật, đồng thời họ chuyển hướng đối tượng kinh tế của mình sang đầu tư tư bản vô hình là tri thức, là chất xám có sẵn trong người lao động. Bởi giá trị thu được từ nguồn nguyên liệu có sẵn trong trự nhiên là hữu hạn, nhưng lượng giá trị có được từ hàm lượng tri thức của người lao động là vô hạn, càng khai thác càng phát huy giá trị. Bàn về vấn đền này trong tác phẩm Chủ nghĩa tư bản ngày nay: mâu thuẫn nội tại, xu thế, triển vọng, tác giả Đỗ Lộc Diệp viết: “Việc chuyển hóa nhanh khoa học công nghệ thành sức sản xuất xã hội vừa đòi hỏi có một số lượng lớn các nhà khoa học, vừa đòi hỏi phải có một đội ngũ đông đảo nhân viên kỹ thuật có trình độ tri thức tương đối cao và những người lao động lành nghề. Điều đó đòi hỏi sự nghiệp giáo dục, bồi dưỡng nhân tài phát triển tương ứng. Sau chiến tranh, các nước tư bản phát triển nói chung đều rất coi trọng công tác giáo dục”.
Như vậy, chuyển đổi nền kinh tế từ công nghiệp sang nền kinh tế tri thức không làm mất đi giá trị của học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác mà thậm chí, mục tiêu của các nhà tư bản khi chuyển đối tượng kinh tế sang đầu tư các loại hàng hóa chiếm hàm lượng tri thức cao cũng đều phục vụ nhu cầu tìm kiếm giá trị thặng dư và lợi nhuận siêu ngạch.
Thứ ba: Nghiên cứu học thuyết giá trị thặng dư có ý nghĩa to lớn đối với nước ta trong quá trình xây dựng và phát triển kinh tế theo hướng kinh tế tri thức.
Tại Hội thảo “Vai trò của doanh nghiệp trong phát triển kinh tế tri thức ở Việt Nam” (Hà Nội, ngày 31/3/2015) các nhà nghiên cứu đã khẳng định: “Việt Nam cần ưu tiên phát triển nền kinh tế tri thức như một điều kiện sống còn trong thế giới đang vận động rất mau lẹ. Kinh tế tri thức còn là điều kiện để Việt Nam tồn tại, cạnh tranh và thoát khỏi cái rốn nghèo của khu vực vốn đeo đuổi bấy lâu. Việt Nam chưa có nền kinh tế tri thức hay cụ thể hơn là chỉ một vài doanh nghiệp, ngành đã và đang đi sâu vào kinh tế tri thức bằng cách đi tắt đón đầu và ngang bằng với trình độ của thế giới, như: điện tử viễn thông, hóa dược và vật liệu xây dựng”.
Học thuyết giá trị thặng dư có ý nghĩa to lớn về mặt lịch sử phản ánh mâu thuẫn cơ bản giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản trong chủ nghĩa tư bản, vạch rõ tính tất yếu của sự ra đời một xã hội mới thay thế cho chủ nghĩa tư bản. Ở Việt Nam trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội hiện nay, học thuyết này có ý nghĩa hiện thực to lớn cho quá trình phát triển kinh tế hướng đến nền kinh tế tri thức. Cần vận dụng học thuyết một cách thông minh, sáng tạo nhưng đảm bảo tính khoa học phù hợp với điều kiện thực tiễn của Việt Nam.
Nghiên cứu học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác trong điều kiện phát triển kinh tế hướng đến kinh tế tri thức của nước ta hiện nay, chỉ rõ:
Muốn tối ưu hóa lợi nhuận, Việt Nam cần thực hiện phương pháp sản xuất giá trị thặng dư siêu ngạch. Hiện nay, trong xu thế chung của thế giới là chuyển dịch kinh tế công nghiệp sang kinh tế tri thức, cần nhận thức rõ phương pháp đem lại giá trị thặng dư và lợi nhuận cao là tìm kiếm giá trị thặng dư nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật, hiện đại hóa sản xuất, hạ giá thành sản phẩm. Muốn làm được điều đó, Việt Nam cần giải quyết tốt mối quan hệ giữa khoa học, công nghệ và tri thức. Xác định rõ sự phát triển của khoa học, công nghệ là điều kiện cơ bản để hình thành và phát triển kinh tế tri thức.
Cần đầu tư hơn nữa cho khoa công nghệ, chú trọng công tác giáo dục, thực hiện chính sách thu hút người lao động có trình độ cao, tránh nguy cơ chảy máu chất xám,… Hoàn thiện hệ thống pháp luật về quyền sở hữu trí tuệ phù hợp với Việt Nam hiện nay, bảo vệ lợi ích của nước mua công nghệ, đồng thời khuyến khích sự sáng tạo từ trong nước.
Xuất phát điểm của Việt Nam thấp hơn so với các nước khác trong khu vực và trên thế giới, do đó Việt Nam cần thực hiện chiến dịch “đi tắt, đón đầu”, học tập những thành tựu khoa học công nghệ và kinh nghiệm quản lý tiên tiến của các nước trên thế giới nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động sản xuất - kinh doanh.
3. Kết luận
Trong xu hướng phát triển kinh tế tri thức hiện nay, học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác vẫn giữ nguyên giá trị, chúng ta cần khai thác học thuyết giá trị thặng dư với tư cách là một hệ thống lý luận phong phú và sâu sắc về kinh tế thị trường nhằm vận dụng vào công cuộc xây dựng và phát triển kinh tế - xã hội trong nền kinh tế tri thức. Học thuyết giá trị thặng dư của C.Mác luôn là cơ sở lý luận cho sự vận dụng vào quá trình phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta hiện nay.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bộ Giáo dục và đào tạo (2006), Giáo trình Kinh tế chính trị Mác- Lênin, NXB Chính trị quốc gia, Hà Nội.
- Đỗ Lộc Diệp, (2003), Chủ nghĩa tư bản đầu thế kỷ XXI, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
- Đỗ Lộc Diệp(2003), Chủ nghĩa tư bản ngày nay: mâu thuẫn nội tại, xu thế, triển vọng, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội.
The surplus value theory and its values in the knowledge economy
Master. Nguyen Thi Anh Khuyen
Faculty of Law, University of Quang Binh
ABSTRACT:
The surplus value theory is one of Karl Marx’s three major contributions to the history. During the shift from the industrial economy towards the knowledge economy, the surplus value theory still has its values. The article summarizes the basic points of the surplus value theory and clarifies the characteristics of the knowledge economy. This article is expected to contribute to affirming the role of the theory in the development of human society in general and in the knowledge economy in particular.
Keywords: Surplus value, knowledge economy, Karl Marx.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 16, tháng 7 năm 2020]