Mô hình xã hội 5.0 của Nhật Bản và giải pháp phát triển nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động Việt Nam

PHẠM CHÍ NGHĨA (Hệ 6, Học viện Chính trị - Bộ Quốc phòng)

TÓM TẮT:

Trên cơ sở thành tựu của cách mạng công nghiệp 4.0 và nguồn lực hiện có, Nhật Bản đã định hướng tiên phong xây dựng mô hình xã hội siêu thông minh - xã hội 5.0. Mô hình xã hội 5.0 gợi mở những định hướng phát triển nguồn nhân lực (NNL) mới cho các doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu lao động (XKLĐ) sang thị trường Nhật Bản. Trong phạm vi nghiên cứu, tác giả khái quát mô hình xã hội 5.0 của Nhật Bản, phân tích một số hạn chế trong phát triển NNL của các doanh nghiệp Việt Nam XKLĐ sang thị trường này; từ đó đề xuất một số giải pháp cho các doanh nghiệp.

Từ khóa: Nhật Bản, nguồn nhân lực, xã hội 5.0, xuất khẩu lao động.

1. Mô hình xã hội 5.0 Nhật Bản

Từ những năm đầu thế kỷ XXI, Chính phủ nhiều quốc gia trên thế giới đã chủ động xây dựng chiến lược phát triển nhằm thích ứng trước sự biến đổi theo “cấp số nhân” cùng những tác động sâu sắc của khoa học và công nghệ. Các nước Mỹ, Liên minh châu Âu, Singapore, Trung Quốc, Hàn Quốc, Ai Cập... đã đẩy mạnh nỗ lực xây dựng chính phủ điện tử, phát triển xã hội thông minh nhằm cải thiện chất lượng dịch vụ công và phục vụ người dân tốt hơn [2]. Từ năm 2000, Liên minh châu Âu bắt đầu đưa ra các sáng kiến về một “châu Âu điện tử”. Đến năm 2005, tại Liên minh châu Âu, 20 dịch vụ công trực tuyến cơ bản - gồm 8 dịch vụ công đối với doanh nghiệp và 12 dịch vụ công, đã được triển khai rộng rãi, trong đó có các dịch vụ hành chính công, dịch vụ về y tế và dịch vụ về giáo dục. Tại Hoa Kỳ, từ năm 1999, Quốc hội và Tổng thống cùng thống nhất rằng chính phủ điện tử chính là sự lựa chọn của tương lai. Ở Ai Cập, từ năm 2003, Chính phủ đã định hướng xây dựng các dịch vụ hành chính công thông qua cơ chế một cửa, với khẩu hiệu “government now delivers”. Đến năm 2007, khoảng 700 dịch vụ đã được tích hợp trên cổng thông tin chính phủ. Ở Singapore, năm 2000, Chính phủ đã đề ra kế hoạch hành động chính phủ điện tử lần 1, mục đích nhằm định hướng cho hoạt động và đầu tư về công nghệ thông tin đối với các dịch vụ công...[2]. 

Nắm bắt xu thế phát triển, cùng với nguồn lực sẵn có, Nhật Bản đã sớm xác định xây dựng một xã hội siêu thông minh - xã hội 5.0. Khái niệm xã hội 5.0 xuất hiện lần đầu tiên vào năm 2016, trong Kế hoạch cơ bản về Khoa học và Công nghệ lần thứ năm - một chiến lược quốc gia 5 năm (2016 - 2020) do Hội đồng Khoa học, Công nghệ và Sáng tạo (CSTI) xây dựng. Kế hoạch này đã tổng hợp nhiều kết quả thảo luận chuyên sâu của các hội đồng chuyên gia, gồm: Bộ Giáo dục, Văn hóa, Thể thao, Khoa học và Công nghệ (MEXT) và Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp (METI) kể từ năm 2014 [5]. Khái niệm xã hội 5.0 như một tầm nhìn của Chính phủ Nhật Bản đối với tương lai của đất nước. Có thể khái quát mô hình xã hội 5.0 của Nhật Bản trên các nội dung cụ thể sau:

Thứ nhất, đây là hình mẫu của một xã hội tối ưu hóa sự tham gia của robot, trí tuệ nhân tạo (AI) trong nhiều hoạt động, giảm thiểu tối đa sự tham gia của con người. Trong không gian ảo, trí tuệ nhân tạo với khả năng phân tích, dự đoán vượt cả trí tuệ của con người sẽ phân tích khối dữ liệu khổng lồ và truyền kết quả phân tích trở lại cho không gian thực, dưới rất nhiều hình thức khác nhau.

Thứ hai, đây là xã hội văn minh, hiện đại, mang lại cuộc sống đầy đủ và viên mãn cho con người. Nếu trong xã hội 4.0, người máy thực hiện, thao tác theo sự điều khiển của con người, thì trong xã hội 5.0, sẽ có người máy siêu thông minh, biết cảm thụ và nhận thức, có thể đưa ra các quyết định thay cho con người.

Thứ ba, vạn vật đều được kết nối internet (Internet of things). Trong xã hội 5.0, con người, vạn vật và các hệ thống được kết nối với nhau tại không gian ảo, siêu thông minh.

Thứ tư, xã hội 5.0 sẽ tác động sâu sắc tới mọi mặt của cuộc sống, thậm chí thay đổi cả các ngành công nghiệp truyền thống. AI và robot sẽ thay thế con người trong nhiều lĩnh vực và giúp làm ra nhiều của cải, vật chất hơn.

Mô hình xã hội 5.0 của Nhật Bản thể hiện tầm nhìn phát triển theo hướng xây dựng một xã hội hiện đại, nhân văn, bao trùm, lấy con người làm trung tâm, khai thác những giá trị tốt nhất của công nghệ để phục vụ tốt hơn con người và giải phóng con người khỏi sự lệ thuộc vào công nghệ. Đồng thời,  hướng tới một nền kinh tế cạnh tranh, hiệu quả, đủ sức vượt qua những thách thức trong bối cảnh thay đổi nhanh chóng, khó lường.

Đối với những doanh nghiệp Việt Nam XKLĐ sang thị trường Nhật Bản, xã hội 5.0 gợi mở một cách tiếp cận phát triển mới; không chỉ ở góc độ kinh tế - kỹ thuật mà còn ở góc độ kinh tế - xã hội. Trong sự phát triển của doanh nghiệp phải đặt mục tiêu phát triển con người ở vị trí trung tâm, không để một ai bị tụt lại phía sau trong tiến trình phát triển. Coi trọng phát triển NNL toàn diện - cả thể lực, trí lực và tâm lực - là một định hướng quan trọng, xuyên suốt để các doanh nghiệp không ngừng vươn lên, kinh doanh thành công trong xã hội 5.0 Nhật Bản.

2. Những khó khăn trong phát triển nguồn nhân lực của doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản

Một là, các doanh nghiệp Việt Nam XKLĐ sang thị trường Nhật Bản thiếu chủ động trong phát triển NNL của chính mình. Nguyên nhân chính xuất phát từ những hạn chế của hệ thống giáo dục hiện nay, làm cho các doanh nghiệp khó tuyển dụng NNL theo đúng nhu cầu. Mặt khác, đại đa số các doanh nghiệp XKLĐ sang thị trường Nhật Bản là doanh nghiệp nhỏ và vừa, không có chiến lược phát triển dài hạn cũng như thiếu vắng những kỹ năng quan trọng trong quản trị NNL. Nhiều doanh nghiệp chưa chủ động việc “đặt hàng” NNL; nếu có “đặt hàng” cũng không cụ thể và thường phó mặc cho các cơ sở đào tạo.

Hai là, các doanh nghiệp đang gặp nhiều khó khăn trong việc tổ chức đào tạo, phát triển NNL. Trong xu hướng phát triển mới, họ không thể trông chờ hoàn toàn vào hệ thống giáo dục, mà phải chủ động, tích cực phát triển NNL của chính mình. Tuy nhiên, tổ chức đào tạo, phát triển NNL thế nào cho hiệu quả, nhằm đạt tới các mục tiêu phát triển của doanh nghiệp, là vấn đề nan giải. Đặc biệt, trong bối cảnh của xã hội 5.0 Nhật Bản, để phục vụ tốt cho doanh nghiệp, NNL phải được trang bị không chỉ đơn giản là các thao tác kỹ thuật đơn thuần, mà còn phải có năng lực để sáng tạo, phân tích, chuyển hóa thông tin để tương tác hiệu quả với những người khác.   

Ba là, các doanh nghiệp còn thiếu tư duy tổng thể về chiến lược phát triển NNL. Trong bối cảnh mới, với sự phát triển “theo cấp số nhân” của khoa học và công nghệ, NNL đã trở thành một chủ đề có tính chiến lược. Vấn đề phát triển NNL phải xuất phát từ tầm nhìn, chiến lược và các mục tiêu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, rất nhiều doanh nghiệp hiện nay không có chiến lược phát triển NNL hoặc nếu có thì chất lượng lại chưa cao. Vì vậy, yêu cầu cấp thiết là các doanh nghiệp cần tập trung cho chiến lược này. Đồng thời, việc đào tạo, phát triển NNL cần quan tâm nhiều hơn tới ý thức, thái độ, tình cảm của người lao động cũng như chú trọng vào việc đổi mới việc quản lý NNL gắn liền với xây dựng, phát triển văn hóa doanh nghiệp.

3. Một số giải pháp cần thực hiện

Thứ nhất, các doanh nghiệp chủ động phân tích hiện trạng và xây dựng chiến lược phát triển NNL. Mục đích của việc phân tích hiện trạng NNL để xác định được điểm mạnh, điểm yếu, những khó khăn, thuận lợi của doanh nghiệp. Phân tích đúng thực trạng sẽ tạo điều kiện sắp xếp, bố trí nhân lực phù hợp với công việc, đồng thời có kế hoạch đào tạo, phát triển. Không những vậy, các doanh nghiệp phải xác định chiến lược phát triển NNL lâu dài và bền vững. Chiến lược phát triển phải hướng tới ổn định, duy trì và không ngừng nâng cao trình độ cho người lao động cũng như thu hút NNL, đặc biệt là NNL có chất lượng cao.

Thứ hai, tăng cường gắn kết chặt chẽ giữa các doanh nghiệp xuất khẩu lao động sang thị trường Nhật Bản với các cơ sở đào tạo. Đây là vấn đề cấp thiết của không chỉ các doanh nghiệp mà còn của các cơ sở đào tạo. Từ việc xác định rõ chiến lược phát triển NNL, các doanh nghiệp chủ động “đặt hàng” các cơ sở đào tạo để có được NNL phù hợp. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các chuyên gia trong các cơ sở, để thiết kế và quản lý chương trình đào tạo.  

Ba là, chủ động tổ chức tốt các hoạt động đào tạo, phát triển NNL phù hợp với định hướng phát triển của doanh nghiệp. Việc đào tạo phát triển NNL cần chuyển chú trọng từ đào tạo, huấn luyện (training) sang việc học tập (learning) thường xuyên liên tục của người lao động. Xuất phát từ đặc thù của doanh nghiệp XKLĐ sang thị trường Nhật Bản, việc đào tạo phát triển NNL cần chú ý đến các kỹ năng cơ bản sau:

Knăng giao tiếp, đàm phán với đối tác. NNL trong các doanh nghiệp XKLĐ sang thị trường Nhật Bản phải có khả năng giao tiếp, đàm phán tốt; gây được sự tin tưởng và yên tâm của đối tác trong toàn bộ các khâu tuyển chọn, đào tạo và quản lý. Do đó, việc trang bị kỹ năng đàm phán, giao tiếp tốt với các đối tác cần được chú trọng đúng mức.

Am hiểu văn hóa, pháp luật Nhật Bản. Nhật Bản là một quốc gia có hệ thống pháp luật chặt chẽ và nền văn hóa giàu bản sắc. Sự khắt khe và chuẩn tắc của hệ thống pháp luật Nhật Bản có ảnh hưởng sâu, rộng đến hầu hết mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, các chương trình đưa người lao động sang làm việc cũng không có ngoại lệ. Người lao động làm việc ở Nhật Bản, ngoài việc phải am hiểu pháp luật lao động thì còn phải am hiểu cả văn hóa Nhật Bản, thể hiện trong việc trao đổi ngôn ngữ, cách chào hỏi, sinh hoạt ngoại khóa, tham quan dã ngoại… Điều này dẫn đến, nhân sự của các doanh nghiệp Việt Nam XKLĐ sang thị trường Nhật Bản cũng phải am hiểu về văn hóa Nhật Bản nếu muốn đạt hiệu quả và ấn tượng trong quá trình đàm phán, chốt phương án thực hiện hợp đồng cũng như ký kết hiệp định.

Có trình độ ngoại ngữ có thể giao tiếp được với đối tác. Tiếng Nhật được đánh giá xếp thứ 3 trong 10 ngôn ngữ khó học nhất thế giới. Do đặc thù đó, việc học, hiểu, phát âm, giao tiếp ngôn ngữ này luôn là vấn đề khó khăn đối với các dân tộc khác. Trong việc hợp tác với các đối tác Nhật Bản, nhân sự của các doanh nghiệp Việt Nam đòi hỏi phải giao tiếp thành thạo, để qua đó truyền tải và tiếp nhận được những thông tin nội dung kinh tế. Trên thực tế, có rất nhiều nhân sự có bằng cấp, được đào tạo bài bản trong nước, nhưng khi làm việc không thể tương tác được với đối tác Nhật Bản. Do đó, không ngừng nâng cao trình độ ngoại ngữ - nhất là tiếng Nhật, là yêu cầu, nội dung quan trong trong quá trình phát triển NNL của các doanh nghiệp Việt Nam XKLĐ sang thị trường Nhật Bản.

Bốn là, đổi mới chính sách thu hút NNL. Các chính sách nhân sự hợp lý, năng động có thể giúp thu hút được nhiều nhân tài từ các nơi khác về phục vụ cho doanh nghiệp. Mỗi doanh nghiệp cần có các gói chính sách đãi ngộ, phúc lợi, tiền lương hấp dẫn nhằm thu hút NNL từ bên ngoài về làm việc. Doanh nghiệp cần thực hiện tốt việc sàng lọc kỹ NNL đầu vào để đảm bảo tuyển dụng được những nhân viên thật sự có khả năng, tâm huyết với công việc, nhiệt tình, sáng tạo và có xu hướng gắn bó lâu dài.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Cục Thông tin khoa học và Công nghệ quốc gia (2018), Định hướng hiện thực hóa một siêu xã hội thông minh của Nhật Bản. Tổng luận khoa học, số 4/2018, Hà Nội.
  2. Cục Ứng dụng Công nghệ Thông tin (2019). Xu hướng phát triển Chính phủ điện tử trên thế giới. Chuyên đề, tháng 8/2019.
  3. Center for Research and Development Strategy - Japan Science and Technology Agency (2016). Future Services & Societal Systems in Society 5.0, November 2016. 4. Nguyễn Thị Duyên (2014), Bài toán phát triển nguồn nhân lực cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Tạp chí Tài chính, số 9 - 2014.
  4. Nguyễn Mạnh Hùng, Hà Minh Hiệp (2019). Mô hình xã hội siêu thông minh 5.0 của Nhật Bản và hàm ý chính sách. Tạp chí Khoa học Công nghệ Việt Nam, số 1+2/2019, Hà Nội.
  5. Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh (2018). Báo cáo nghiên cứu mô hình xã hội siêu thông minh và một số định hướng phát triển đối với Việt Nam, tháng 4/2018, Hà Nội.
  6. Lưu Thị Thu Thủy (2011). Về chính sách giao lưu con người trong ngoại giao văn hóa Nhật Bản ở Đông Á. Tạp chí Nghiên cứu Đông Bắc Á, số 9/2011.

 

AN OVERVIEW ON THE SOCIETY 5.0 OF JAPAN AND SOLUTIOSN FOR HELPING VIETNAMESE EXPORTING LABOURS ENTERPRISES TO IMPROVE HUMAN RESOURCES

PHAM CHI NGHIA

Political Academy, Ministry of Defense

ABSTRACT:

Based on the country’s achievements in Industry 4.0 and existing resources, Japan has pioneered the direction of building a super intelligent social model also known as Society 5.0. The Society 5.0 has suggested new human resource development orientations for Vietnamese enterprises to export labors to the Japanese market. This study is to present an overview on the Society 5.0 model of Japan, analyze some limitations in human resource development of Vietnamese enterprises which are exporting labors to Japan, thereby proposing some solutions for helping these businesses develop human resources.

Keywords: Japan, human resources, Society 5.0, labor export.