Những thành tựu từ chính sách “Abenomics” mang lại ở Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam hiện nay

NGUYỄN KHẮC THÀNH (Trường Đại học Bà Rịa - Vũng Tàu)

TÓM TẮT:

Khi còn ở vị trí lãnh đạo đất nước Nhật Bản, Thủ tướng Shinzoabe đã đưa ra một học thuyết để thúc đẩy nền kinh tế phát triển có tên là “Abenomics”. Sự ra đời của học thuyết đã đem lại sự hồi sinh cho nền kinh tế của Nhật Bản lúc bấy giờ, đồng thời học thuyết này đã gián tiếp tác động đến nền kinh tế chung của các quốc gia trong khu vực ASEAN, trong đó có Việt Nam. Bài viết phân tích những thành tựu từ chính sách “Abenomics” mang lại ở Nhật Bản và một số gợi ý cho Việt Nam hiện nay.

Từ khóa: Abenomics, kinh tế, Nhật Bản.

 1. Đặt vấn đề

Trong xu thế toàn cầu hóa kinh tế, mỗi quốc gia không chỉ tập trung vào những ngành kinh tế hiện có, mà còn cần đưa ra những chính sách phát triển hiệu quả, lâu dài. Đồng thời, các nước cũng cần thường xuyên cập nhật và thay đổi cơ cấu kinh tế sao cho phù hợp với từng thời điểm khác nhau, có như vậy nền kinh tế mới phát triển ổn định và bền vững.

Hiện nay, nhiều quốc gia trên thế giới xem vai trò nền kinh tế là chủ lực quyết định cho sự phát triển của quốc gia. Tuy nhiên, phát triển như thế nào để phù hợp và không bị tác động tiêu cực trở lại trở thành vấn đề nan giải mà các quốc gia trên thế giới đang gặp phải.

Sự ra đời học thuyết phát triển kinh tế “Abenomics” của Thủ tướng  Shinzo Abe  khởi xướng đã chấm dứt thời kỳ giảm phát kéo dài ở Nhật Bản qua nhiều thập niên. Đây là hướng đi đúng đắn cho Nhật Bản lúc bấy giờ, từ dịch vụ cho đến các ngành lĩnh vực kinh tế khác đã được vực dậy và phát triển mạnh mẽ, đưa nền kinh tế Nhật Bản đứng vào hàng thứ 3 trên thế giới, sau Hoa Kỳ và Trung Quốc.

2. Những thành tựu của chính sách “Abenomics”

Theo số liệu thống kê, nền kinh tế Nhật Bản đã phục hồi và phát triển kể từ khi học thuyết phát triển kinh tế “Abenomics” ra đời. Cụ thể, kể từ khi 5 năm học thuyết được áp dụng vào trong phát triển kinh tế, nó đã mang lại nhiều dấu hiệu tích cực cho nền kinh tế Nhật Bản. Điều này thể hiện qua những khía cạnh rõ nét như sau:

Thứ nhất, sự tăng trưởng GDP.

GDP trong quý IV/2017 tăng 0,1% so với quý trước, đây được coi là quý tăng trưởng thứ 8 liên tiếp của kinh tế Nhật Bản. Đầu tư vốn tăng 0,7% (một phần để đối phó với tình trạng thiếu nhân lực trong nước). Xuất khẩu tăng 2,4% (nhờ xuất khẩu linh kiện điện thoại thông minh và xe hơi tăng mạnh). Ở thời kỳ này, Nhật Bản đã đánh dấu giai đoạn tăng trưởng dài nhất trong suốt 28 năm qua. Theo số liệu thống kê của Chính phủ Nhật Bản, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) đã điều chỉnh lạm phát trong quý IV/2017 tăng 0,1% so với quý trước đó, thấp hơn chút ít so với mức dự báo 0,2% của thị trường. Kim ngạch xuất khẩu trong quý này cũng tăng 2,4% trong khi nhập khẩu tăng 2,9%. Ngoài ra  tổng sản phẩm quốc nội của Nhật Bản luôn ở vị trí cao ở giai đoạn này so với các nước lớn như Đức, Hàn Quốc.

Hình 1: Sự tăng trưởng GDP của Nhật Bản qua các năm

su_tang_truong_gdp_cua_nhat_ban_qua_cac_nam

Thứ hai, tạo nhiều cơ hội việc làm cho lao động.

Mục đích hướng đến của học thuyết chính là đảm bảo được an sinh xã hội và đời sống của công nhân lao động, đặc biệt là lao động trẻ. Không chỉ riêng Nhật Bản, các nước phương Tây cũng coi đây là việc làm đặt lên hàng đầu, bởi nếu không tạo được việc làm ổn định cho công nhân lao động, sẽ dẫn đến sự xáo trộn trong trật tự xã hội, dần dần khiến người dân bất mãn về mặt thể chế chính trị và kéo theo nhiều hệ lụy phía sau.

Sau khi Chính phủ Nhật Bản đưa học thuyết “Abenomics” vào trong kinh tế,  tỷ lệ thất nghiệp ở đất nước này đã giảm xuống rất nhiều, mà thay vào đó là các nhà tuyển dụng đã đạt đến những cột mốc vượt trội trong quá trình tuyển dụng lao động. Theo số liệu được công bố vào ngày 26/12, tỷ lệ thất nghiệp của Nhật Bản đã giảm xuống mức thấp nhất trong 23 năm kể từ tháng 11/1993. Số liệu từ Bảng 1 cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp tại Nhật Bản giảm từ 4,3% trước đó xuống còn 2,8% vào khoảng cuối nhiệm kỳ thứ 2 của Thủ tướng ShinzoAbe.

Bảng 1. Tỷ lệ lao động thất nghiệp giảm qua từng năm

ty_le_lao_dong_that_nghiep_giam_qua_tung_namThứ ba, gia tăng giá trị xuất khẩu.

Xuất khẩu ở Nhật Bản đang trở thành một hướng đi đúng đắn cho sự phục hồi ở nền kinh tế nước này. Cụ thể trong những năm qua, đồng Yên đã giảm giá khoảng 30%, giúp cho giá hàng hóa xuất khẩu ở Nhật Bản có cơ hội vươn ra thị trường nước ngoài, đặc biệt là các sản phẩm về ô tô, điện tử,... Ở nhiệm kỳ thứ 2 của Thủ tướng ShinzoAbe, Nhật Bản cũng đã hoàn thành các thỏa thuận về thương mại và đầu tư, như: Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) - phiên bản mới của TPP và Hiệp định Đối tác Kinh tế (EPA) Nhật Bản - EU. Trong bối cảnh điều kiện thương mại có triển vọng được cải thiện, có lợi cho các nhà xuất khẩu của Nhật Bản, mức độ lạc quan về nền kinh tế sẽ được nâng lên. 

Hình 2: Đồng Yên giai đoạn này giảm đi rất nhiều

dong_yen_giai_doan_nay_giam_di_rat_nhieu 3. Một số gợi ý cho Việt Nam hiện nay

Trong bối cảnh nền kinh tế thế giới đang có nhiều chuyển biến tích cực, Việt Nam cũng không ngoại lệ. Nền kinh tế Việt Nam đang đan xen giữa cơ hội và thách thức, thể hiện rất rõ qua các diễn biến kinh tế ở từng giai đoạn khác nhau. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, nền kinh tế Việt Nam hiện vẫn còn non trẻ so với các nước trong khu vực. Bên cạnh đó, nền kinh tế còn bị chi phối và lệ thuộc nhiều vào các yếu tố môi trường cũng như những nguyên nhân khác. Do đó, việc nghiên cứu, phân tích và đánh giá các chính sách kinh tế ở những nước phát triển là rất quan trọng. Đây sẽ là tiền đề, để đưa ra những hoạch định đúng đắn cho việc phát triển kinh tế lâu dài và bền vững. Nhìn lại các nước phát triển và có nền kinh tế ổn định, tăng trưởng, có thể đúc kết lại những bài học như sau:

Một là, cần chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ chiều rộng sang chiều hẹp.

Cần xác định rõ việc áp dụng các lý thuyết vào trong phát triển và quản lý kinh tế. Áp dụng các hình thức đo lường GDP thông qua tính toán đầy đủ lợi ích, chi phí, phát triển năng lượng sạch, năng lượng tái tạo. Lên kế hoạch xây dựng chiến lược phát triển tăng trưởng xanh, sử dụng hiệu quả các năng lượng hiện có, đồng thời tái tạo để đảm bảo an ninh năng lượng cho quốc gia. Quá trình phát triển kinh tế phải kết hợp chặt chẽ  giữa quản lý theo ngành với quản lý theo địa phương và vùng lãnh thổ nhằm khai thác và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực. Tập trung phát triển vào các vùng kinh tế tiềm năng, tạo môi trường đầu tư cho các doanh nghiệp nước ngoài, ngoài ra cần đảm bảo đến yếu tố môi trường trong quá trình sản xuất…

Hai là, tiếp tục đổi mới trong chính sách tài khóa - tiền tệ.

Hệ thống Ngân hàng Nhà nước cần nhanh chóng, chủ động triển khai quyết liệt các chính sách nhằm tạo nên bộ giải pháp vĩ mô đồng bộ, toàn diện và hiệu quả. Tổ chức bộ máy cần thực hiện linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa để đảm bảo các dây chuyền được thông suốt ổn định,… Cần đẩy mạnh hơn nữa trong quá trình quản lý tài khóa - tiền tệ, đưa ra những chính sách ưu đãi và tạo nhiều cơ hội thuận lợi cho các doanh nghiệp vay vốn.

Tiếp tục duy trì các chính sách tăng cường thu hút FDI để ngăn chặn rủi ro trong phát triển kinh tế. Thường xuyên lên dự báo về tình hình tài chính của thế giới và trong khu vực, từ đó có sự điều chỉnh kịp thời.

Thứ ba,  tăng cường kiểm soát lạm phát.

Vấn đề lạm phát luôn thu hút sự quan tâm lớn nhất của dư luận xã hội, bởi đây là vấn đề lớn mà các nước đang đối mặt, trong đó có Việt Nam. Sự tác động của lạm phát đã gây ra những hệ quả tiêu cực, thậm chí dẫn đến nền kinh tế gặp nhiều bất ổn và rủi ro. Lạm phát luôn len lỏi và hiện diện trong nền kinh tế, vấn đề đặt ra là chúng ta cần tăng cường hơn nữa công tác quản lý, kiểm soát một cách chặt chẽ trong mọi quá trình thực hiện. Đồng thời, cần đưa ra những chính sách thúc đẩy nền kinh tế theo hướng xã hội hóa, tạo môi trường đầu tư lành mạnh, công bằng cho các doanh nghiệp phát triển, đồng thời áp dụng những chế tài, quy định vào  quá trình đầu tư phát triển kinh tế.

Thứ tư, thiết lập môi trường đầu tư kinh doanh.

Nhà nước cần đưa ra những chính sách bình đẳng trong việc thu hút đầu tư nước ngoài, cần chọn những nhà đầu tư giỏi, kinh doanh hiệu quả. Ngoài ra, còn có chế tài đối với những doanh nghiệp kém phát triển, không đảm bảo về môi trường, đồng thời loại bỏ những tổ chức kinh doanh yếu kém. 

Thường xuyên tham gia các diễn đàn kinh tế của thế giới tổ chức, từ đó đưa ra những tiêu chí và đường hướng trong phát triển kinh tế. Bên cạnh đó, cần đồng hành với doanh nghiệp trong suốt quá trình họ đầu tư và đảm bảo đủ các điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nước ngoài phát triển.

Năm là, đầu tư cho phát triển khoa học - công nghệ.

Cần đẩy mạnh nghiên cứu, áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ vào trong sản xuất kinh tế. Sử dụng năng lượng tái tạo, công nghệ sản xuất tiết kiệm tài nguyên,…

Dành nguồn lực để đầu tư phát triển mạnh doanh nghiệp khoa học - công nghệ, đổi mới cơ chế quản lý khoa học và tranh thủ khai thác, ứng dụng công nghệ từ các quốc gia phát triển.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Phạm Quý Long (10/2017), Cải cách Abenomics ở Nhật Bản, Hà Nội, Nhà xuất bản Khoa học xã hội.
  2. Đỗ Thị Kim Tiên (2020), Phát triển bền vững về kinh tế ở Việt Nam - vấn đề và giải pháp, Quản lý nhà nước. <https://www.quanlynhanuoc.vn/2020/05/21/phat-trien-ben-vung-ve-kinh-te-o-viet-nam-van-de-va-giai-phap/>.
  3. Kim Dung (2017), Xuất nhập khẩu của Nhật Bản liên tục gia tăng, <https://bnews.vn/xuat-nhap-khau-cua-nhat-ban-lien-tuc-gia-tang/68355.html>
  4. Phạm Thanh Hà (2021), Phối hợp chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ: Thành tựu năm 2020 và định hướng năm 2021. Tạp chí Tài chính, kỳ 1+2 tháng 01/2021.
  5. Hoàng Thị Phương Lan (2014), Nhìn lại kết quả thực hiện chính sách Abenomics của Nhật Bản, Tạp chí Tài chính, số 10.
  6. Hoàng Thị Mai Hồng (2020), Chính sách kinh tế Abenomics của Nhật Bản và một số hàm ý chính sách cho Việt Nam. Tạp chí Công Thương. < http://tapchicongthuong.vn/bai-viet/chinh-sach-kinh-te-abenomics-cua-nhat-ban-va-mot-so-ham-y-chinh-sach-cho-viet-nam-77357.htm>
  7. Đỗ Ánh (2018), Thành tựu của Abenomics đối với nền kinh tế Nhật Bản trong nhiệm kỳ 2012 - 2018 của Thủ tướng Shinzoabe (phần 2). <http://cjs.inas.gov.vn/index.php?newsid=1394>
  8. Shinzo Abe (2015), Japan’s Vote for Bold Reform, Project Syndicate, Retrieved from: https://www.project-syndicate.org/onpoint/japan-election-abenomics-structural-reform-by-shinzo-abe-2015-01?barrier=accesspaylog.
  9. Shiro Armstrong (2016), The Consequences of Japan’s Shrinking, East Asia Forum. Retrieved from: https://www.eastasiaforum.org/2016/05/15/the-consequences-of-japans-shrinking/
  10. Koichi Hamada (2014), The Renewed Promise of Abenomics, Project Syndicate. Retrieved from:https://www.project-syndicate.org/commentary/abenomics-next-steps-by-koichi-hamada-2014-12?barrier=accesspaylog.

 

ACHIEVEMENTS OF "ABENOMICS" IN LIFTING THE JAPAN’S ECONOMY AND SOME POLICY RECOMMENDATIONS FOR VIETNAM

NGUYEN KHAC THANH

Ba Ria - Vung Tau University

ABSTRACT:

Abenomics is the nickname for the economic policies set out for Japan in 2012 when Prime Minister Shinzo Abe came into power for a second time. Abenomics had some achievements in lifting the Japan’s economy and it also had indirect impacts on the ASEAN’s economies, including Vietnam. This paper analyzes the achievements of Abenomics and proposes some policy recommendations for Vietnam.

Keywords: Abenomics, economy, Japan.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 6, tháng 3 năm 2021]