Văn hóa - sức mạnh mềm trong sự phát triển của Nhật Bản

ThS. HOÀNG THỊ MAI HỒNG (Khoa Ngôn ngữ và Văn hóa Nhật Bản, Đại học Ngoại ngữ, Đại học Quốc gia Hà Nội)

TÓM TẮT:

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và thế giới đang chuyển động hướng tới đa cực, văn hóa là trụ cột quan trọng, đã và đang trở thành một trong những “sức mạnh mềm”, góp phần nâng cao sức cạnh tranh và mở rộng phạm vi ảnh hưởng của các quốc gia. Nhận thức rõ vấn đề đó, chính phủ Nhật Bản đã sớm quan tâm xây dựng, củng cố, khai thác và phát huy, đưa văn hóa trở thành “sức mạnh mềm” trong sự phát triển của quốc gia. Trong phạm vi bài viết, trên cơ sở phân tích sự phát triển dựa trên “sức mạnh mềm” văn hóa của Nhật Bản, tác giả đề xuất một số khuyến nghị phát triển văn hóa, tạo “sức mạnh mềm” cho Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Nhật Bản, sức mạnh mềm, văn hóa, phát triển văn hóa.

1. Văn hóa - sức mạnh mềm của Nhật Bản

Sức mạnh mềm” là khái niệm do giáo sư người Mỹ Joseph Nye chính thức đưa ra vào đầu thập niên 90 của thế kỷ XX. Theo đó, “sức mạnh mềm” là khả năng tạo sức hấp dẫn, lôi cuốn, thu hút để các nước khác “tự nguyện” thay đổi hành vi, chính sách phù hợp với điều mà mình muốn, thay vì cưỡng bức thông qua sức mạnh kinh tế và quân sự. Sức mạnh mềm của quốc gia thường xuất phát từ 3 nguồn: Giá trị văn hóa; những giá trị chính trị và chính sách đối ngoại của quốc gia [1]. Thực tiễn của Nhật Bản trong những thập niên vừa qua, văn hóa đã thực sự trở thành “sức mạnh mềm” thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, ổn định chính trị, xã hội và tạo dựng được uy tín, hình ảnh tốt đẹp của quốc gia trong lòng bạn bè quốc tế.

Thứ nhất, trong kinh tế. Nhật Bản đã sớm định hướng phát triển kinh tế dựa trên tài nguyên văn hóa. Nhật Bản khẳng định là một quốc gia lớn về tài nguyên văn hóa. Do đó, từ những thập niên nửa cuối thế kỷ XX cho đến nay, công nghiệp văn hóa đã trở thành ngành mũi nhọn trong nền kinh tế Nhật Bản. Theo thống kê của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, doanh thu ròng hàng năm của ngành công nghiệp này chiếm khoảng 7% doanh thu nền kinh tế và thu hút 5% nhân công lao động của toàn quốc [2]. Thị trường công nghiệp giải trí trong nước liên tục tăng đến năm 2007 là 13.176,3 tỷ yên, song từ năm 2008 bắt đầu giảm 2,4%: 12.861,6 tỷ yên; năm 2009 giảm 6,0%: 12.084,3 tỷ yên. Chính phủ Nhật Bản cho rằng trong những năm tới đây, công nghiệp văn hóa có khả năng “kéo” nền kinh tế Nhật Bản và là “nguồn sức mạnh” thúc đẩy sự phát triển của toàn bộ nền kinh tế Nhật Bản ở thị trường nước ngoài. Nhật Bản hy vọng rằng trong tương lai, nền công nghiệp văn hóa nước này sẽ khẳng định được vị trí của mình và sẽ cùng với công nghiệp chế tạo ô tô và công nghiệp điện tử trở thành những ngành công nghiệp trụ cột của quốc gia. Bên cạnh đó, văn hóa còn là nền tảng tạo nên triết lý kinh doanh cho các doanh nghiệp Nhật Bản, giúp họ biết tổ chức sản xuất kinh doanh năng động và độc đáo, khẳng định được vị thế trên thị trường thế giới. Điển hình như Công ty Điện khí Matsushita xác định triết lý “Tinh thần xí nghiệp phục vụ đất nước” và “Kinh doanh là đáp ứng như cầu của xã hội và người tiêu dùng”; Công ty Honda: “Không mô phỏng, kiên trì sáng tạo, độc đáo” và “Dùng con mắt của thế giới mà nhìn vào vấn đề”; hay Công ty Sony: “Sáng tạo là lí do tồn tại của chúng ta”;…

Thứ hai, trong chính trị. Trong một thời kỳ dài, Nhật Bản đã dùng sức mạnh kinh tế, cũng như hình ảnh của một “siêu cường kinh tế” để “thuyết phục” các nước khác. Tuy nhiên, trong tình hình nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái kéo dài thì “dùng kinh tế làm nội lực đi thuyết phục” là điều không thể. Vì vậy, các nhà nghiên cứu chính sách Nhật Bản cũng khẳng định rằng trong thời kỳ hiện nay, “Văn hóa là nội lực của quốc gia”. Nhật Bản đã sử dụng ngoại giao văn hóa để nâng cao vị thế, tầm ảnh hưởng trên trường quốc tế. Trong những năm 1950 và 1960, mục tiêu đặt ra là chuyển đổi hình ảnh Nhật Bản từ một nước quân phiệt trong chiến tranh sang một hình ảnh mới, quốc gia yêu chuộng hòa bình. Bước sang giai đoạn 1960 - 1970, chính sách ngoại giao văn hóa của đất nước mặt trời mọc tập trung vào mục tiêu tạo ra hình ảnh một nước Nhật Bản hòa bình, có nền kinh tế phát triển mạnh mẽ. Giai đoạn đầu những năm 1980, khi nền kinh tế Nhật Bản đã trưởng thành và có tầm ảnh hưởng lớn ra thế giới, đối tượng mà chính sách ngoại giao văn hóa của Nhật Bản hướng tới là các quốc gia châu Á; từ những năm 1990 trở đi, Nhật Bản bắt đầu chú trọng phát triển văn hóa đại chúng - “Pop Culture” nhằm quảng bá hình ảnh, tăng cường “bản sắc Nhật Bản” ở nước ngoài.

Năm 2004, Chính phủ Nhật Bản đã thành lập Bộ phận đặc biệt trực thuộc Bộ Ngoại giao phụ trách các vấn đề ngoại giao cộng đồng hay ngoại giao công chúng (Public Diplomacy), đồng thời Ủy ban đặc trách phát triển ngoại giao văn hóa Nhật Bản cũng được thành lập, nhằm phục vụ cho những hoạt động quảng bá văn hóa truyền thống của xứ sở “mặt trời mọc” tới các quốc gia trong khu vực Đông Á. Ngoại giao văn hóa là một vũ khí quan trọng trong kho vũ khí của sức mạnh thông minh, và từ lâu đã được xem như một công cụ để quảng bá sức mạnh mềm của một quốc gia. Ngoại giao văn hóa cố gắng trở nên hấp dẫn bằng cách thu hút sự chú ý đối với những nguồn lực tiềm năng đó thông qua các chương trình phát sóng, trợ cấp cho xuất khẩu văn hóa, các chuyến giao lưu trao đổi,... Đây được cho là những dấu hiệu bước đầu trong quá trình nâng cao tầm ảnh hưởng của Nhật Bản.

Thứ ba, trong giáo dục. Dựa trên nền tảng văn hóa truyền thống, trong các nhà trường của Nhật Bản, giáo dục đạo đức được đặt lên hàng đầu. Nhà trường giúp học sinh nhận thức về bản thân trong mối quan hệ với gia đình và các thành viên thuộc lứa tuổi khác nhau của cộng đồng. Bên cạnh đó, học sinh được dạy để tôn trọng người khác; được học cách sống rộng lượng, từ bi và biết thông cảm. Giáo dục Nhật Bản cũng hướng đến mục tiêu: “Phát triển một nền cư dân Nhật Bản luôn coi trọng đạo đức; những người không bao giờ quên tinh thần tôn trọng mọi người xung quanh; luôn mang theo ý thức bất cứ nơi nào mình đến; phấn đấu cho sự sáng tạo phát triển nền văn hóa của quốc gia, tự nguyện cống hiến cho một xã hội hòa bình”. Bên cạnh đó, trẻ em trong toàn nước Nhật Bản, ngay từ khi còn là học sinh mẫu giáo, tiểu học đã được học múa, hát, học vẽ,… theo năng khiếu. Học sinh trung học trở lên đã có những khóa học theo sở thích, theo năng khiếu, như: đóng kịch, quay phim, chụp ảnh, đạo diễn,… Những chương trình học này đã giúp học sinh phát hiện ra năng khiếu của bản thân, định hướng phát triển khả năng của mình trong tương lai. Đây là hoạt động nhằm chuẩn bị nguồn nhân lực cho sáng tạo, phát triển công nghiệp văn hóa từ sớm của Nhật Bản.

Thứ tư, trong đời sống xã hội. Văn hóa truyền thống đã ăn sâu vào đời sống xã hội, tạo nên những nét ứng xử riêng có, độc đáo của người dân Nhật Bản. Người Nhật Bản, được thế giới ngưỡng mộ. Người dân Nhật Bản luôn làm theo mục tiêu đã định, tôn trọng thứ bậc trong xã hội, cần cù và có tính trách nhiệm cao, yêu thiên nhiên và có khiếu thẩm mỹ, tinh tế, khiêm nhường và luôn luôn giữ chữ tín. Người Nhật Bản có tính hiếu kỳ và nhạy cảm với văn hóa nước ngoài. Họ luôn tìm tòi và học hỏi làm sao tích lũy được nhiều kinh nghiệm cho mình. Chính tinh thần hiếu kỳ và óc cầu tiến của người Nhật là động lực thúc đẩy họ trở thành một nước tiên tiến hàng đầu thế giới. Ý thức tập thể cao, trong công việc của người Nhật thường gạt “cái tôi ra” và đề cao “cái chung”, họ có thể cạnh tranh với nhau, song cũng có lúc họ bắt tay với nhau để đạt được mục đích chung đánh bại đối thủ nước ngoài. Người Nhật Bản rất tôn trọng thứ bậc và địa vị, đây là tập tục có từ lâu đời, họ còn có óc thẩm mỹ rất cao, họ biết sắp xếp công việc và cách trang trí nhà cửa, xếp đồ đạc hay cách bài trí bữa cơm. Họ không chỉ biểu hiện bên ngoài, mà còn thể hiện ở cả lối sống, suy nghĩ và cung cách làm việc. Người Nhật có tính tiết kiệm và làm việc chăm chỉ, lòng trung thành của họ được khẳng định. Họ tăng cường sức mạnh của mình bằng cách nuôi dưỡng tình cảm trung thành của các công nhân bằng cách đào tạo có chế độ đãi ngộ rất tốt để thu hút nguồn nhân lực từ các quốc gia khác, nhằm đáp ứng nhu cầu lao động đang bị thiếu hụt trong nước.

Như vậy, với nguồn lực sức mạnh mềm - văn hóa, Nhật Bản đã không ngừng vươn lên trở thành cường quốc kinh tế đầu tiên của châu Á. Quy mô nền kinh tế Nhật Bản tính theo thước đo GDP danh nghĩa được xếp hạng thứ 3 trên thế giới sau Mỹ và Trung Quốc, và thứ 2 châu Á; còn theo GDP ngang giá sức mua thì được xếp đứng lớn thứ 4 sau Mỹ, Trung Quốc và Ấn Độ [3]. Kinh tế Nhật Bản cũng là nền kinh tế đầu tiên và duy nhất ở châu Á góp mặt trong G-7. Bên cạnh đó, Nhật Bản đã khẳng định được vị thế, đang vươn tới việc đảm nhận một vai trò lãnh đạo lớn hơn trong cộng đồng quốc tế. Không chỉ vậy, quyền lực mềm - văn hóa, còn góp phần mở rộng thị trường, đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm công nghiệp văn hóa ra nước ngoài, giúp nền kinh tế Nhật Bản phục hồi và tăng trưởng trở lại trong thời gian tới.

2. Một số gợi ý chính sách phát triển văn hóa, tạo sức mạnh mềm cho Việt Nam thời gian tới

Nhận thức sâu sắc giá trị của văn hóa trong quá trình phát triển, Đảng ta xác định tiến hành đồng bộ và gắn kết chặt chẽ 3 lĩnh vực: “Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm; xây dựng Ðảng là then chốt; xây dựng văn hóa, con người làm nền tảng tinh thần” [5], nhằm tạo nên sự phát triển nhanh, hiệu quả và bền vững của đất nước. Trong đó, phải Xây dựng nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, phát triển toàn diện, thống nhất trong đa dạng, thấm nhuần sâu sắc tinh thần nhân văn, dân chủ, tiến bộ; làm cho văn hóa gắn kết chặt chẽ và thấm sâu vào toàn bộ đời sống xã hội, trở thành nền tảng tinh thần vững chắc, sức mạnh nội sinh quan trọng của phát triển” [4]. Để thực hiện tốt định hướng này, cần triển khai đồng bộ, hiệu quả những giải pháp cơ bản sau:

Nâng cao nhận thức về vai trò của văn hóa trong sự phát triển của đất nước. Cần xác định rõ xây dựng và phát triển văn hóa, con người là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của cả hệ thống chính trị. Văn hóa là hồn cốt của dân tộc, là nền tảng tinh thần vững chắc của xã hội, là sức mạnh nội sinh quan trọng bảo đảm sự phát triển bền vững và bảo vệ vững chắc Tổ quốc, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh. Tích cực đổi mới phương thức lãnh đạo và quản lý đối với sự nghiệp phát triển văn hóa, xác định rõ những chiến lược và giải pháp lãnh đạo, quản lý phù hợp với từng đối tượng, lĩnh vực và địa bàn cụ thể.

Tập trung xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện. Tiếp tục hoàn thiện việc xây dựng hệ giá trị văn hóa và chuẩn mực con người Việt Nam thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế; Hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam có thế giới quan khoa học, có nhân cách, lối sống đẹp “yêu nước, nhân ái, nghĩa tình, trung thực, đoàn kết, cần cù, sáng tạo”; Xây dựng lối sống tuân thủ pháp luật, tôn trọng đạo lý “uống nước nhớ nguồn”, “đền ơn đáp nghĩa”, “tương thân tương ái”; Đấu tranh loại trừ các sản phẩm văn hóa độc hại, các hành vi tiêu cực, cơ hội, vi phạm pháp luật, truyền bá tư tưởng sai trái, lối sống thực dụng, trái thuần phong mỹ tục của dân tộc, ảnh hưởng xấu đến xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam.

Tăng cường xây dựng văn hóa trong chính trị và kinh tế. Coi trọng xây dựng văn hóa từ trong Đảng, trong bộ máy Nhà nước; Đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; Thực hiện nghiêm các quy định về nêu gương đối với cán bộ, đảng viên, nhất là với cán bộ lãnh đạo, người đứng đầu các tổ chức trong hệ thống chính trị, đội ngũ những người làm công tác giáo dục, văn nghệ sĩ và cán bộ lãnh đạo, quản lý văn hóa, lãnh đạo doanh nghiệp và những người có tầm ảnh hưởng quan trọng trong cộng đồng và xã hội; Chủ động phát hiện, đấu tranh, ngăn chặn, xử lý nghiêm các biểu hiện suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”, hành vi tham nhũng, lãng phí, tiêu cực trong hệ thống chính trị và xã hội; Chú trọng yếu tố văn hóa và con người trong phát triển kinh tế; Đẩy mạnh việc triển khai xây dựng văn hóa doanh nghiệp, tinh thần khởi nghiệp, xây dựng đội ngũ doanh nhân giỏi, kinh doanh đúng pháp luật, đóng góp có trách nhiệm cho cộng đồng và xã hội.

Đẩy mạnh xây dựng môi trường và đời sống văn hóa lành mạnh. Đề cao vai trò, trách nhiệm và các giá trị văn hóa tốt đẹp của gia đình trong việc nuôi dưỡng, giáo dục và bảo vệ thanh thiếu nhi, cùng với nhà trường giáo dục, hình thành nhân cách, đạo đức trong sáng và kỹ năng ứng xử xã hội văn minh; Xây dựng ý thức bảo vệ môi trường, gìn giữ, ứng xử đúng đắn với môi trường vì mục tiêu phát triển bền vững đất nước; Thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở; xây dựng nếp sống văn hóa tiến bộ, văn minh; Huy động nguồn lực của mọi tầng lớp xã hội đầu tư và tổ chức đời sống văn hóa, góp phần thu hẹp khoảng cách hưởng thụ văn hóa giữa các vùng, miền, các tầng lớp trong xã hội.

Chủ động hội nhập quốc tế về văn hóa, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại và truyền bá văn hóa Việt Nam ra thế giới. Mở rộng giao lưu, hợp tác văn hóa với các nước, đa dạng hóa các hình thức văn hóa đối ngoại, đưa các quan hệ quốc tế về văn hóa đi vào chiều sâu; Tăng cường các chương trình dạy tiếng Việt cho người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài ở Việt Nam; Chọn lọc, tiếp thu kinh nghiệm tốt, phù hợp của các nước trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, khắc phục những ảnh hưởng tiêu cực, mặt trái của toàn cầu hóa về văn hóa.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. J. Nye (2006). Think Again: Soft Power. Retrieved form: https://foreignpolicy.com/2006/02/23/think-again-soft-power/
  2. Goto Kazuko (2006), Chính sách văn hóa học Nhật Bản, Nxb. Yuikaku, (Sách tiếng Nhật).
  3. Kyung Lah (2011). “Japan: Economy slips to third in world”. CNN.com.
  4. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.
  5. Đảng Cộng sản Việt Nam (2011), Văn kiện Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Nxb. Chính trị Quốc gia - Sự thật, Hà Nội.

 

CULTURE AS THE SOFT POWER IN THE DEVELOPMENT OF JAPAN

Master. HOANG THI MAI HONG

Faculty of Japanese Language and Culture

University of Languages and International Studies

Vietnam National University - Hanoi

ABSTRACT:

As the world is moving towards multipolarity and globalization, culture which is an important pillar and has become the “soft” power, contributing to enhancing competitiveness and expanding the influence of nations. The government of Japan has paid attention to build, consolidate, exploit and promote Japanese culture as the soft power in the country’s development. By analyzing the soft power of Japanese culture, this paper proposes a number of recommendations for developing and promoting Vietnamese culture as the soft power in the coming time.

Keywords: Japan, soft power, culture, cultural development.