Hướng đến hỗ trợ “trúng” và “đúng”
Sau khi Nghị viện châu Âu phê chuẩn EVFTA, trong buổi làm việc sáng ngày 26/2 với lãnh đạo các đơn vị chức năng về Kế hoạch thực thi Hiệp định EVFTA của Bộ Công Thương, Bộ Trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng cần phân doanh nghiệp theo nhóm để việc hướng dẫn, hỗ trợ doanh nghiệp “trúng” và “đúng” hơn.
Công việc đầu tiên hướng đến “trúng” và “đúng” này, là công văn khẩn ngày 15/3/2020 của Bộ trưởng Bộ Công Thương gửi Chủ tịch UBND các tỉnh thành phố trực thuộc Trung ương và Chủ tịch Hiệp hội ngành nghề trong lĩnh vực công nghiệp – thương mại, đề nghị rà soát, báo cáo danh sách doanh nghiệp và kinh doanh thương mại trên địa bàn quản lý, nhằm nắm số lượng, phân nhóm để đưa ra kế hoạch hỗ trợ thiết thực.
Tương tự là hệ thống cơ sở dữ liệu ngành công nghiệp chế biến chế tạo và công nghiệp hỗ trợ mới được khai trương ngày 19/6, được đánh giá là một bước tiến lớn trong việc ứng dụng công nghệ hiện đại vào công tác quản lý nhà nước, nâng cao hiệu quả và tính thiết thực trong hỗ trợ cho doanh nghiệp kết nối và nắm bắt cơ hội từ CPTPP, EVFTA.
Tiếp đến là hàng chục cuộc hội nghị, tập huấn, bồi dưỡng các vấn đề liên quan đến tận dụng cơ hội, tham gia vào chuỗi giá trị Việt Nam - EU. Các buổi này được phân theo nhóm doanh nghiệp với sự phân tích sâu hơn theo ngành hàng.
Với đối tượng doanh nghiệp nói chung, có các buổi tập huấn về các cam kết trong EVFTA; tổ chức hội nghị tập huấn, tổ chức họp báo giải đáp các quy định về quy tắc xuất xứ trong EVFTA; soạn thảo bộ tài liệu hỏi đáp về EVFTA. Với nhóm doanh nghiệp dệt may, da giày có hội thảo hướng dẫn và giải đáp về quy trình chứng nhận CE (sản phẩm đáp ứng được các yêu cầu về an toàn, sức khỏe, bảo vệ môi trường tại thị trường EU); với nhóm doanh nghiệp nông thủy sản có Diễn đàn Thương mại Việt Nam - EU giải đáp các quy định về vệ sinh, an toàn thực phẩm, đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường EU…
Phân tích theo ngành hàng
Trong các buổi tập huấn, hội nghị nói trên, mỗi ngành hàng cũng được phân tích chi tiết. Với ngành dệt may, so sánh cơ hội của dệt may Việt Nam với 4 đối thủ chính trước và sau EVFTA gồm gồm Trung Quốc, Bangladesh, Campuchia, Pakistan. Cụ thể, chi phí nhân công tại các công ty dệt may ở Bangladesh hiện chiếm khoảng 20% giá vốn, trong khi con số này ở Việt Nam đang từ 26-30%. Chi phí nhân công tại Pakistan, Campuchia cũng thấp hơn Việt Nam.
Bên cạnh đó, chuỗi cung ứng nội địa ngành dệt may của các đối thủ cạnh tranh cũng tương đối hoàn thiện hơn so với Việt Nam. Các nhà cung cấp vải nội địa của Trung Quốc trên 70%, Bangladesh gần 62%, Pakistan 44%, trong khi tại Việt Nam, con số này chỉ là 23%. Hiện nay Bangladesh, Campuchia, Pakistan đều có lợi thế về ưu đãi thuế nhập khẩu so với Việt Nam khi xuất khẩu vào EU.
Bangladesh và Campuchia được hưởng chế độ miễn thuế nhập khẩu theo chương trình EBA (viết tắt của chương trình Everything but Arms - Miễn thuế tất cả các mặt hàng trừ vũ khí). Pakistan cũng được miễn thuế nhập khẩu theo chương trình GSP+. Việt Nam mặc dù cũng được hưởng chế độ ưu đãi thuế quan GSP nhưng chỉ là “GSP tiêu chuẩn - Standard GSP” ở mức 9,6%. Việc áp dụng các chế độ ưu đãi thuế quan GSP+ và EBA giúp các quốc gia được hưởng này có lợi thế cạnh tranh lớn về giá so với Việt Nam.
Nhưng với EVFTA, hàng dệt may Việt Nam sẽ có lợi thế cạnh tranh hơn hàng của Trung Quốc và cạnh tranh ngang bằng về giá với các nước hiện đang được hưởng thuế 0% như Campuchia, Bangladesh,.... nhưng có lợi thế hơn các nước này về tay nghề cao, chất lượng bảo đảm. Theo cam kết trong EVFTA, hàng dệt may vào EU sẽ được giảm ngay về 0% khoảng 42,5% số dòng thuế, còn lại sẽ giảm dần về 0% trong 5-7 năm.
Với mặt hàng tôm xuất khẩu, cơ hội của Việt Nam được so sánh với đối thủ chính, gồm Thái Lan, Ấn Độ, Indonesia và Ecuador. Lợi thế rõ rệt với tôm Việt Nam khi tôm sú được giảm từ mức thuế GSP 4,2% về 0% ngay khi EVFTA có hiệu lực, tôm chân trắng đông lạnh sẽ giảm dần về 0% sau 5 năm. Trong khi các đối thủ cạnh tranh chủ yếu gồm: Thái Lan không được hưởng GSP, không có FTA nên có mức thuế cơ bản 12%, Ấn Độ không có FTA, chịu thuế GSP 4,2%, Indonesia chịu thuế GSP 4,2% và Ecuador chịu mức thuế cơ bản 12%. Tương tự như vậy, với ngành hàng rau quả là so sánh cơ hội với 2 đối thủ chính Thái Lan và Trung Quốc.
Những nỗ lực đó đã mang lại những kết quả khả quan ban đầu. Về nhận thức, theo khảo sát trong PCI 2018 của VCCI, có 88% doanh nghiệp trong nước đã biết về EVFTA, tăng lên đáng kể so với 83% của năm 2016. Năm 2020, chưa có báo cáo nào định lượng cụ thể nhưng có thể thấy con số này có lẽ đã tiệm cận đến tuyệt đối.
Việc phân theo nhóm doanh nghiệp và ngành hàng giúp cho sự hỗ trợ đến đúng địa chỉ. Nhiều doanh nghiệp dệt may, da giày, đồ gỗ, nông sản, thủy sản… từ nhận nhận thức đã chuyển biến thành hành động, chuẩn bị đầy đủ các điều kiện về tỷ lệ xuất xứ, về nguyên phụ liệu, về tổ chức sản xuất, truy xuất nguồn gốc, sẵn sàng khai thác cơ hội từ EVFTA.