TÓM TẮT:Chính sách bảo hiểm xã hội là một trong những chính sách xã hội quan trọng nhất trong hệ thống an sinh xã hội của mỗi quốc gia. Bảo hiểm xã hội (BHXH) góp phần ổn định xã hội, đảm bảo cuộc sống, thực hiện công bằng và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Tuy nhiên, công tác quản lý thu BHXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn của ngành BHXH. Mặc dù chính sách BHXH cũng như công tác quản lý thu thường xuyên được đổi mới, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nhưng nó vẫn còn tồn tại nhiều bất cập. Mục đích của nghiên cứu này để khắc phục những hạn chế nêu trên, nhằm mở rộng và tăng trưởng nguồn thu BHXH, phát triển bền vững quỹ BHXH, trên cơ sở đó đề xuất những khuyến nghị thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
Từ khóa: Bảo hiểm xã hội, quản lý thu bảo hiểm xã hội, tỉnh Đắk Nông.
1. Đặt vấn đề
Chính sách BHXH ở nước ta ra đời từ rất sớm, đánh dấu sự đổi mới của chính sách BHXH bằng Nghị định số 12/CP ngày 26/01/1995 của Chính phủ về việc ban hành điều lệ BHXH và Nghị định số 19/CP ngày 16/02/1995 về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam. Sự quan tâm của Đảng và Nhà nước ta về chính sách BHXH còn được thể hiện mạnh mẽ hơn nữa khi Nghị quyết số 28-NQ/TW ngày 23/5/2018 về cải cách chính sách BHXH ra đời. Có thể nhận thấy rằng đây là một công cuộc cải cách hết sức có ý nghĩa trong tình hình phát triển kinh tế hội nhập bền vững và trong bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đang diễn ra nhanh chóng, mạnh mẽ.
Thực tiễn những năm qua cho thấy, chính sách BHXH và việc quản lý, tổ chức thực hiện các chính sách này đã đạt được những thành tựu đáng kể. Theo BHXH tỉnh Đắk Nông, tính đến năm 2019, tổng số người tham gia BHXH khoảng 36.288 người (trong đó: BHXH bắt buộc là 32.064 người, BHXH tự nguyện là 4.224 người).
Công tác quản lý thu BHXH là một trong những nhiệm vụ quan trọng và khó khăn của ngành BHXH. Để công tác thu BHXH đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải có chính sách phù hợp, quy trình quản lý thu chặt chẽ, hợp lý, khoa học. Thực tế trong quá trình tổ chức triển khai thu BHXH thường xuyên được đổi mới, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn nhưng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập.
Mục đích của nghiên cứu này nhằm khắc phục những hạn chế nêu trên, đồng thời mở rộng và tăng trưởng nguồn thu BHXH, phát triển bền vững quỹ BHXH, trên cơ sở đó đề xuất những khuyến nghị thiết thực, hiệu quả trong thời gian tới trên địa bàn tỉnh Đắk Nông.
2. Cơ sở lý thuyết
Bảo hiểm xã hội là sự bảo đảm thay thế hoặc bù đắp một phần thu nhập của người lao động khi họ bị giảm hoặc mất thu nhập do ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, hết tuổi lao động hoặc chết, trên cơ sở đóng vào quỹ bảo hiểm xã hội (Luật BHXH, 2016).
Bảo hiểm xã hội bắt buộc là loại hình bảo hiểm xã hội do Nhà nước tổ chức mà người lao động và người sử dụng lao động phải tham gia (Luật BHXH, 2016).
Thu BHXH bắt buộc là “việc Nhà nước dùng quyền lực của mình bắt buộc các đối tượng phải đóng BHXH theo mức phí quy định hoặc cho phép một số đối tượng tự nguyện tham gia, lựa chọn mức đóng và phương thức đóng phù hợp với thu nhập của mình. Trên cơ sở đó, hình thành nên một quỹ tiền tệ tập trung nhằm mục đích đảm bảo cho các hoạt động BHXH” (Hoàng Mạnh Cừ, Nguyễn Thị Thu Hương, 2011).
Thu BHXH đóng vai trò quan trọng trong việc hình thành nên quỹ BHXH, điều đó còn được thể hiện cụ thể như: Thứ nhất, thu BHXH là nhân tố có tính quyết định đến sự tồn tại và phát triển của quỹ BHXH. Thứ hai, thu BHXH vừa là lợi ích, vừa là trách nhiệm, nghĩa vụ của người tham gia đóng góp, người thu nhằm đảm bảo an sinh xã hội (ASXH) Hoàng Mạnh Cừ, Nguyễn Thị Thu Hương, 2011).
Nguyên tắc thu BHXH:
Một là, thu dựa trên các văn bản pháp luật,
Hai là, thu đúng đối tượng, thu đủ số lượng và đảm bảo đúng thời gian quy định; Ba là, bảo đảm quyền lợi người tham gia BHXH;
Bốn là, bảo đảm hoạt động thu BHXH ổn định, bền vững, hiệu quả (Nguyễn Văn Định, 2008).
Quản lý thu BHXH là quá trình tác động của các cơ quan BHXH đối với mọi tổ chức, cá nhân có liên quan đến thu BHXH theo một quy trình từ xác định đối tượng thu, mức thu, phương thức thu, lập kế hoạch thu đến tổ chức thực hiện kế hoạch và kiểm tra đánh giá việc thực hiện thu nhằm đạt được mục tiêu thu đúng, thu đủ, thu kịp thời tiền thu BHXH của đối tượng tham gia BHXH vào Quỹ BHXH (Nguyễn Văn Định, 2008).
Mục tiêu của quản lý thu BHXH:
Một là, mở rộng diện bao phủ của bảo hiểm xã hội; Hai là, đảm bảo bền vững quỹ bảo hiểm xã hội; Ba là, gia tăng mức độ hài lòng của đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội (Nguyễn Văn Định, 2008).
Tiêu chí đánh giá quản lý thu BHXH:
Một là, nhóm tiêu chí đánh giá kết quả thu: Tỷ lệ lao động tham gia BHXH; Tỷ lệ hoàn thành kế hoạch thu BHXH trong kỳ. Hai là, nhóm tiêu chí đánh giá quy trình thu bảo hiểm xã hội: Số lượng hồ sơ giảm trong kỳ; Số tiêu chí trên tờ khai, biểu mẫu giảm trong kỳ; Thời gian giao dịch BHXH; Minh bạch thông tin đóng BHXH và trách nhiệm giải trình (Hoàng Mạnh Cừ, Nguyễn Thị Thu Hương, 2011).
Nhân tố ảnh hưởng đến quản lý thu BHXH bao gồm: Nhân tố thuộc về môi trường kinh tế vĩ mô: Một là, điều kiện kinh tế - xã hội; Hai là, môi trường pháp lý về bảo hiểm xã hội; Ba là, dân số - lực lượng lao động; Bốn là, trình độ nhận thức, ý thức trách nhiệm của người tham gia BHXH; Năm là, tình trạng tài chính của đối tượng tham gia BHXH.
Nhân tố thuộc về các chủ thể tham gia hệ thống BHXH: Một là, hoạt động tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật thu BHXH; Hai là, trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ quản lý thu BHXH; Ba là, ứng dụng công nghệ thông tin; Bốn là, công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát (Nguyễn Văn Định, 2008).
3. Phương pháp nghiên cứu
Thu thập thông tin: Từ các nguồn dữ liệu như: Các báo cáo thường niên của BHXH tỉnh Đắk Nông, các Sở, Ban, Ngành của tỉnh: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Tài chính, Sở Công Thương,… Ngoài ra, thu thập thông tin qua các cuộc phỏng vấn, phỏng vấn sâu và thảo luận nhóm đối tượng tham gia BHXH, các nhà khoa học nghiên cứu về BHXH.
Xử lý và phân tích thông tin: Tất cả những số liệu thu thập trong quá trình nghiên cứu được nhập và xử lý bằng phần mềm Microsoft Office Excel. Sử dụng phương pháp thống kê so sánh, đánh giá đối chiếu các chỉ tiêu nghiên cứu. Tham khảo ý kiến từ những người có chuyên môn sâu trong công tác quản lý nhà nước về BHXH.
4. Thực trạng quản lý thu BHXH ở Đắk Nông
4.1. Thực trạng quản lý đối tượng tham gia BHXH
Hiện nay, chủ trương mở rộng diện bao phủ BHXH đang được triển khai mạnh mẽ, điều kiện tham gia BHXH bắt buộc ngày càng được đơn giản hóa và dễ áp dụng cho các tầng lớp lao động. Qua Bảng 1 ta thấy, tổng số lượng người tham gia BHXH ngày càng tăng là do điều kiện tham gia BHXH ngày càng được nới lỏng. Từ ngày 1/1/2018, NLĐ có HĐLĐ từ 1 tháng trở lên, NLĐ là lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam phải tham gia BHXH.
Bảng 1. Tỷ lệ lao động tham gia BHXH ở Đắk Nông theo khối đơn vị
Nguồn: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông
Cũng theo số liệu thống kê về tình hình tham gia BHXH cho thấy, tỷ lệ số lao động tham gia BHXH so với lực lượng lao động luôn có xu hướng tăng qua các năm, điều này cho thấy NLĐ phần nào ý thức được trách nhiệm của mình trong việc đóng BHXH.
4.2. Thực trạng quản lý tổ chức thu BHXH
4.2.1. Kết quả thu BHXH
Trong giai đoạn 2017-2019, số thu BHXH tất cả các khối đều có xu hướng tăng thể hiện ở Bảng 2. Nguyên nhân cơ bản dẫn đến số thu của các khối tăng là do:
- Số lượng doanh nghiệp tăng lên, số doanh nghiệp ngoài quốc doanh tham gia BHXH tăng, số NLĐ tham gia BHXH bắt buộc tăng từ 30.947 người lên 32.064 người.
- Tỷ lệ đóng góp tăng, hai yếu tố cơ bản làm tăng nền tiền lương đóng BHXH, từ đó, tăng số thu BHXH là do nâng lương thường xuyên và tăng lương do điều chỉnh mức lương cơ sở.
Bảng 2. Tình hình thu BHXH ở Đắk Nông từ năm 2017-2019
Đơn vị: Tỷ đồng
Nguồn: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông
4.2.2. Thực trạng nợ đóng BHXH
Theo báo cáo của BHXH Đắk Nông, tình trạng nợ đóng BHXH đang diễn ra ở hầu hết các địa phương và số nợ BHXH hiện nay bắt buộc phải tính lãi là 24.843 triệu đồng, chiếm 2,47% so với số phải thu, chủ yếu tập trung ở khu vực DN. Đây là một trong những vấn đề nhức nhối nhất của công tác thu BHXH.
Bảng 3. Tình hình nợ đóng BHXH ở Đắk Nông từ năm 2017-2019
Đơn vị tính: Tỷ đồng
Nguồn: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông
Từ Bảng 3 tình hình nợ đóng BHXH về cơ bản số tuyệt đối nợ năm sau luôn cao hơn năm trước tập trung chủ yếu vào nhóm doanh nghiệp nhà nước (DNNN) (từ 12,712 lên đến 14,812 tỷ đồng), do một số DNNN làm ăn kém hiệu quả đang trong giai đoạn sắp xếp lại hoặc giải thể. Doanh nghiệp ngoài quốc doanh (từ 8,648 đến 9,521 tỷ đồng), đây là loại hình doanh nghiệp khó kiểm soát, chiếm dụng vốn từ các khoản thu bảo hiểm của NLĐ để đầu tư vào mục đích khác; Không hợp tác với cơ quan BHXH để giải quyết chế độ cho NLĐ, thậm chí không kết nối thông tin với cơ quan BHXH; Đóng BHXH với mức lương thấp hơn mức lương thực trả cho NLĐ, ký HĐLĐ ngắn hạn hoặc thuê ngoài để giảm chi phí BHXH; Xây dựng thang lương, bảng lương thành nhiều bậc, tách tiền lương thành nhiều khoản phụ cấp, trợ cấp để trốn đóng BHXH.
Qua Bảng 4 cho thấy, nếu xét về số tuyệt đối thì nợ BHXH năm sau cao hơn năm trước do số phải thu của năm sau cao hơn, trong đó chủ yếu là nợ gối đầu. Bởi do đa phần các DN sau khi quyết toán tiền lương tháng mới đóng BHXH nên thường đóng vào đầu của tháng sau.
Bảng 4. Tỷ lệ nợ đóng BHXH ở Đắk Nông từ năm 2017-2019
Nguồn: Bảo hiểm xã hội tỉnh Đắk Nông
Tuy nhiên, nếu xét về tỷ trọng nợ so với tổng số phải thu và tỷ trọng nợ tồn đọng trong tổng số nợ thì năm sau giảm so với năm trước. Tỷ lệ nợ đóng BHXH có xu hướng ngày càng giảm, năm 2017, tỷ lệ nợ đóng chiếm 6,63% số phải thu, con số này giảm xuống còn 6,06% năm 2019. Đặc biệt, qua số liệu Bảng 4, tỷ lệ nợ BHXH so với tổng số phải thu của năm từ 2017-2019 thấp hơn nhiều so với các năm trước đó. Qua đó cho thấy công tác quản lý thu đã có nhiều cải tiến so với trước đây.
4.3. Các yếu tố ảnh hưởng tới công tác thu BHXH trong thời gian qua
Về đối tượng tham gia BHXH: Một số đơn vị sử dụng lao động (SDLĐ) có biểu hiện lách luật để trốn đóng BHXH bằng cách giao kết hợp đồng lao động với NLĐ thời hạn dưới 1 tháng. Hầu hết NLĐ chưa thường xuyên quan tâm đến việc đóng BHXH của mình. Việc tham gia BHXH còn hạn chế do thu nhập của người dân còn thấp, việc phát triển đối tượng tham gia BHXH cũng rất khó khăn.
Về quản lý căn cứ đảm bảo đóng BHXH: Quản lý tổng quỹ tiền lương của các đơn vị còn gặp khá nhiều vướng mắc. Cơ chế, chính sách ban hành chưa có sự đồng bộ, còn bất cập, chưa phù hợp với yêu cầu thực tế
Công tác tuyên truyền, phổ biến chính sách pháp luật BHXH: Việc giải đáp thắc mắc về BHXH cho các đối tượng chưa được thường xuyên, chưa xây dựng được mạng lưới tuyên truyền sâu rộng đến từng cơ sở, từng cơ quan, đơn vị về BHXH một cách đồng bộ.
Công tác đôn đốc, quản lý nợ: Tình trạng chậm đóng, trốn đóng BHXH xảy ra ở hầu hết các địa phương. Thiếu nhân sự dẫn đến công tác quản lý thu, đôn đốc thu nợ, thanh tra kiểm tra và tuyên truyền hiệu quả chưa cao. Chế tài xử phạt còn chưa đủ mạnh, chưa đủ sức răn đe.
Về công tác thanh tra, kiểm tra BHXH: Ngày càng được nâng cao, tuy nhiên công tác xử lý vi phạm vẫn còn nhiều hạn chế, các chế tài xử phạt các DN vi phạm BHXH còn thiếu và chưa đủ mạnh để buộc DN phải tuân thủ.
4.4. Những khuyến nghị nhằm tăng cường quản lý thu BHXH cho tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới
Hoàn thiện căn cứ đóng BHXH. Để quản lý tốt nguồn thu BHXH phải quản lý tốt mức đóng, phương thức đóng, tiền lương, tiền công làm căn cứ đóng BHXH do Nhà nước quy định được thể hiện trong Luật BHXH và các văn bản quy phạm pháp luật.
Quản lý tổ chức thu BHXH. Cần tiếp tục nghiên cứu, cải tiến phương pháp quản lý thu với các biện pháp đồng bộ, nhằm thu đúng, thu đủ và kịp thời tiền đóng BHXH của NLĐ, các đơn vị SDLĐ theo đúng pháp luật, nhất là khu vực kinh tế ngoài quốc doanh.
Bên cạnh đó, phải có hình thức kỷ luật thật nghiêm khắc đối với những cán bộ, viên chức, các cơ quan BHXH địa phương vi phạm những quy định của Nhà nước, của ngành. Các chính sách về thu BHXH, quy trình thu, nộp BHXH, thủ tục, giấy tờ, hồ sơ để tham gia BHXH cũng như hồ sơ hưởng BHXH phải được công bố công khai cho tất cả đối tượng nộp, cơ quan nộp BHXH. Thường xuyên đánh giá sự vận hành của cơ chế thu BHXH hiện nay để có những sự thay đổi cho phù hợp đảm bảo tính chặt chẽ.
Tăng cường thanh tra thu BHXH. Theo Luật BHXH sửa đổi số 58/2014/QH13, hiệu lực từ ngày 01/01/2016, ngành BHXH có thêm chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, BHXH Đắk Nông cần tăng cường hơn nữa trong xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra hàng năm. Thường xuyên đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực thanh tra. Cơ quan BHXH cần khuyến khích phát triển hình thức tự giám sát.
Phát triển đối tượng tham gia BHXH. Cần xây dựng và hướng dẫn cụ thể mô hình BHXH đa tầng. Hoàn thiện cơ chế, chính sách trên cơ sở tạo điều kiện cho người LĐ tham gia BHXH. Nghiên cứu chế độ hưu trí theo hướng giảm dần số năm đóng BHXH tối thiểu để được hưởng chế độ hưu trí từ 20 năm xuống 15 năm, hướng tới còn 10 năm với mức hưởng được tính toán phù hợp nhằm tạo điều kiện cho NLĐ cao tuổi, có số năm tham gia BHXH thấp được tiếp cận và thụ hưởng quyền lợi BHXH.
5. Kết luận
Để công tác thu BHXH đạt hiệu quả cao đòi hỏi phải có chính sách phù hợp, quy trình quản lý thu chặt chẽ, hợp lý, khoa học. Tổ chức triển khai, chính sách BHXH cần thường xuyên được đổi mới, bổ sung cho phù hợp với thực tiễn. Với nghiên cứu này, nhóm tác giả đã đi sâu nghiên cứu và mô tả được bức tranh toàn cảnh về công tác quản lý thu BHXH trên địa bàn tỉnh Đắk Nông, cũng như các yếu tố ảnh hưởng đến công tác quản lý thu BHXH. Trên cơ sở đó, đưa ra các nhóm giải pháp mang tính khả thi cao, nhằm hoàn thiện hơn nữa công tác quản lý thu BHXH ở tỉnh Đắk Nông trong thời gian tới.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bảo hiểm xã hội Đắk Nông (2018), Báo cáo kết quả công tác năm 2017 và phương hướng nhiệm vụ năm 2018.
- Bảo hiểm xã hội Đắk Nông (2019), Báo cáo kết quả công tác năm 2018 và phương hướng nhiệm vụ năm 2019.
- Bảo hiểm xã hội Đắk Nông (2020), Báo cáo kết quả công tác năm 2019 và phương hướng nhiệm vụ năm 2020.
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2016), Quyết định ban hành quy định hoạt động thanh tra chuyên ngành đóng BHXH, BHTN, BHYT và hoạt động kiểm tra của BHXH Việt Nam, số 1518/QĐ-BHXH, Hà Nội.
- Bảo hiểm xã hội Việt Nam (2017), Quyết định ban hành quy trình giao dịch điện tử trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN, số 838/QĐ-BHXH, Hà Nội.
- Hoàng Mạnh Cừ và Đoàn Thị Thu Hương (2011), Bảo hiểm xã hội, Nhà xuất bản Học viện Tài chính, Hà Nội.
- Nguyễn Văn Định (2008), Giáo trình Bảo hiểm, NXB Đại học Kinh tế quốc dân.
- Nghị định số 12/NĐ - CP ngày 26/01/1995 về việc ban hành điều lệ bảo hiểm xã hội.
- Nghị định số 19/NĐ - CP ngày 16/02/1995 về việc thành lập Bảo hiểm xã hội Việt Nam trên cơ sở thống nhất các tổ chức BHXH hiện nay ở TW và địa phương.
- Nghị quyết số 28/ NQ-TW ngày 23/5/2018 của Ban chấp hành TW khóa XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.
- Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam (2015), Luật số 100/2015/QH13 về việc quy định các tội về hành vi trục lợi, trốn đóng, nợ đọng các loại bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), ngày 27/11/2015.
MANAGEMENT OF SOCIAL INSURANCE COLLECTTION AT DAK NONG PROVINCE: CURRENT SITUATION AND RECOMMENDATIONS
Ph.D NGUYEN VAN DAT
Faculty of Economics, Tay Nguyen University
NGUYEN THE VINH
Department of Social Insurance - Krong No District, Dak Nong Province
ABSTRACT:Social insurance policy is one of the most important social policies in the social security system of each country. Social insurance contributes to the social stability, livelihood assurance, social equity implementation and economic growth. However, the management of social insurance collection is one of the important and difficult tasks of the social insurance sector. Although the social insurance policy as well as the management of revenue are often amended and supplemented to keep up with the social growth, the social insurance policy still has many shortcomings. This study is to address the limitations of Vietnam’s social insurance policy in order to help the social insurance revenue grow, developing the country’s social insurance fund sustainably. Based on the study’s results, the study proposes some practical recommendations to improve the effectiveness of social insurance policy of Dak Nong province in the coming time.
Keywords: Social insurance, management of social insurance collection, Dak Nong province.