Tọa đàm "Định vị & Nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập" là chương trình đối thoại mở và đa chiều giữa các Bộ, ban ngành, các doanh nghiệp, các hiệp hội ngành hàng… trong bối cảnh thương hiệu quốc gia Việt Nam đang có nhiều thuận lợi song hành thách thức khi tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo báo cáo Thương hiệu quốc gia 2020 của hãng định giá thương hiệu Brand Finance, Việt Nam nổi lên là "thiên đường" sản xuất mới tại Đông Nam Á và có giá trị thương hiệu quốc gia tăng mạnh nhất thế giới, với 29% lên đến 319 tỷ USD. Thứ hạng cũng tăng 9 bậc (từ 42 lên 33) so với năm 2019.
Đây là một dấu mốc đáng nhớ của Việt Nam trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 ảnh hưởng đến triển vọng GDP, lạm phát và bất ổn kinh tế của tất cả các nước trên thế giới. Việt Nam được đánh giá cao nhờ công tác xử lý khủng hoảng y tế và kinh tế, kịp thời cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, nhìn rộng hơn thì chúng ta vẫn còn vô cùng nhiều thách thức cần chinh phục.
Việc tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu buộc Việt Nam phải có chiến lược xây dựng thương hiệu quốc gia nói riêng cũng như thương hiệu sản phẩm nói chung để đẩy mạnh hội nhập, cạnh tranh với các quốc gia đã sớm có "tên tuổi" trên thị trường quốc tế.
Trên thế giới, đã có hơn 80 quốc gia đang triển khai chương trình xây dựng thương hiệu quốc gia để phát triển thương hiệu sản phẩm, doanh nghiệp và khai thác rất mạnh mẽ các giá trị này như Đức, Nhật, Hàn Quốc... Trong khi đó, Việt Nam đã trải qua 17 năm triển khai chương trình Thương hiệu Quốc gia và cũng gặt hái nhiều thành tích đáng kể, tuy nhiên vẫn còn nhiều thách thức cần chinh phục.
Khai mạc Tọa đàm, ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Trưởng Ban thư ký Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam cho biết, việc tham gia vào các hiệp định thương mại tự do như CPTPP, RCEP, EVFTA... đang mở ra cho Việt Nam những cơ hội mới, là một trong những yếu tố quan trọng giúp Việt Nam duy trì động lực kinh tế của mình trong bối cảnh suy giảm chung của nền kinh tế toàn cầu.
Cục trưởng Vũ Bá Phú nhận định, để tận dụng tốt những cơ hội đang mở ra trong thời kỳ mới, trong bối cảnh cạnh tranh giữa các quốc gia ngày càng gay gắt, chúng ta cần nhìn nhận rõ những hạn chế về phát triển thương hiệu quốc gia, thương hiệu doanh nghiệp, thương hiệu sản phẩm.
“Chúng ta phải nỗ lực, quyết tâm, có khát vọng, đam mê, sáng tạo để nhanh chóng xây dựng và phát triển mạnh mẽ thương hiệu quốc gia Việt Nam. Nếu vận dụng hiệu quả, thương hiệu quốc gia sẽ tạo cơ hội để doanh nghiệp vươn lên mạnh mẽ trong bối cảnh toàn cầu hoá”, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Vũ Bá Phú nhận định.
Cũng theo Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, điều rất đáng mừng là trước đây chúng ta không hề có doanh nghiệp, sản phẩm nào lọt vào danh sách 500 thương hiệu của thế giới, nhưng hiện nay chúng ta đã có khá nhiều sản phẩm, thương hiệu mang tầm quốc gia và khu vực
Sứ mệnh của các thương hiệu quốc gia là đi ra nước ngoài để quảng bá thương hiệu Việt Nam và chúng ta cần phải chú trọng việc xây dựng và định vị thương hiệu Việt trong kế hoạch 5-10 năm tới.
Đại diện cho các doanh nghiệp có sản phẩm Thương hiệu quốc gia Việt Nam năm 2020, ông Nguyễn Xuân Phú - Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Sunhouse nêu quan điểm, bản chất các doanh nghiệp đều vận hành theo một chuỗi giá trị, từ nguyên vật liệu đầu vào, quá trình nghiên cứu phát triển, gia công sản xuất, quảng cáo marketing, phân phối sản phẩm cho tới tay người tiêu dùng...
“Thông thường việc phát triển thương hiệu chiếm khoảng 30% cho tổng chuỗi giá trị của doanh nghiệp. Vậy quốc gia nào sở hữu nhiều thương hiệu lớn sẽ là một quốc gia thịnh vượng. Từ đó chúng ta cần hiểu chính xác về Thương hiệu quốc gia Việt Nam để ủng hộ đúng đắn nhằm kích thích tăng trưởng của đất nước”, ông Nguyễn Xuân Phú chia sẻ.
Là một doanh nghiệp về lĩnh vực vật liệu xây dựng hiện xuất khẩu sản phẩm đến khoảng 60 nước, ông Đinh Hồng Kỳ - Chủ tịch Công ty Secoin - cho biết, quốc tế đánh giá thương hiệu một doanh nghiệp là tiêu chí 2 chữ D. Đó là Develop (phát triển) và Design (thiết kế). Trong đó, yếu tố thiết kế phải phù hợp với thị hiếu tiêu dùng tại thị trường mà hàng hoá của doanh nghiệp đó được tiêu thụ.
Để làm được việc này, các sản phẩm vật liệu xây dựng của Secoin phải được thiết kế không theo ý thức chủ quan mà phải dựa trên thực tiễn của thị trường xuất khẩu. Tuy nhiên, không phải tất cả các sản phẩm xuất khẩu của Secoin đều mang thương hiệu của mình. Song để khẳng định vị thế thì Secoin đã phải thuyết phục các đối tác nước ngoài phải cho phép ghi vào dòng chữ “made by Secoin Vietnam”.
Ông Hoàng Minh Chiến - Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại cho biết, để được công nhận là thương hiệu quốc gia thì đó phải là doanh nghiệp Việt Nam và sản xuất ra sản phẩm tại Việt Nam với ít nhất 51% cấu thành sản phẩm là từ các yếu tố trong nước.
Để các sản phẩm, hàng hoá Việt Nam có thể chiếm lĩnh thị trường trong nước và xuất khẩu, ông Hoàng Minh Chiến cho rằng, rất cần một chính sách rõ ràng để định nghĩa rõ ràng về sản phẩm của Việt Nam, sản xuất tại Việt Nam…
Vì thế, Bộ Công Thương đang xây dựng một Nghị định để làm rõ vấn đề này. Trong Nghị định này, tất cả các khái niệm made in Vietnam, made by Vietnam và make in Vietnam sẽ được làm rõ.
Tọa đàm “Định vị và nâng tầm thương hiệu Việt trong xu thế hội nhập” gồm các phiên đối thoại mở và đa chiều giữa các đại diện của cơ quan quản lý, chuyên gia thương hiệu, doanh nghiệp Việt Nam nói chung và các doanh nghiệp có sản phẩm đạt Thương hiệu quốc gia Việt Nam nói riêng.
Tại buổi Tọa đàm, những câu hỏi mang tính thời sự được thảo luận một cách thẳng thắn, cởi mở như; Tầm quan trọng của thương hiệu quốc gia? Vị thế thực sự của Thương hiệu quốc gia Việt Nam? Mối quan hệ giữa thương hiệu quốc gia với thương hiệu của sản phẩm, thương hiệu của doanh nghiệp là gì? Những thách thức mà doanh nghiệp Việt phải đối diện ngay trên “sân nhà”?. Học hỏi được gì từ chiến lược phát triển thương hiệu của các quốc gia khác?...
Buổi tọa đàm đã thu hút được sự tham gia của trên 150 đại diện đến từ các cơ quan quản lý, các chuyên gia, các tổ chức và doanh nghiệp liên quan tới phát triển thương hiệu và xuất nhập khẩu.