TÓM TẮT:
Tương ớt xào (còn gọi là tương ớt rim) là một đặc sản nổi tiếng của phố cổ Hội An, tỉnh Quảng Nam. Bài báo phân tích và đánh giá khả năng đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” theo quy định tại Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009, 2019 và 2022[1]. Từ đó đề xuất phương án xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” cũng như các giải pháp nhằm xây dựng, quản lý và phát triển có hiệu quả nhãn hiệu này.
Từ khóa: tương ớt Hội An, tỉnh Quảng Nam, nhãn hiệu, nhãn hiệu chứng nhận, sở hữu trí tuệ.
1. Đặt vấn đề
Được chế biến theo một công thức đã được lưu truyền gần 150 năm, tương ớt Hội An có hương vị khác hẳn với tương ớt ở các địa phương khác. Tuy nhiên, hiện nay nhiều cơ sở sản xuất - tuy không sử dụng đúng nguyên liệu và chế biến không đảm bảo chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm - vẫn lấy tên “Tương ớt Hội An” để đặt tên cho sản phẩm của mình, gây nhầm lẫn cho du khách. Ngoài ra, tâm lý người tiêu dùng vẫn dành sự tin tưởng tuyệt đối cho các sản phẩm tương ớt Hội An và chỉ khi chúng được sản xuất và bày bán tại thành phố Hội An. Do đó, một sự chứng nhận từ cơ quan chức năng về nguồn gốc và chất lượng của sản phẩm sẽ tạo động lực để người tiêu dùng tin tưởng và lựa chọn các sản phẩm có nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” trên phạm vi cả nước. Bài báo tập trung phân tích những quy định pháp lý của Việt Nam về nhãn hiệu chứng nhận, khả năng được bảo hộ của tương ớt Hội An dưới hình thức nhãn hiệu chứng nhận, cùng một số khuyến nghị nhằm tháo gỡ các khó khăn chung trong bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận này ở Việt Nam.
2. Nhãn hiệu chứng nhận theo quy định của pháp luật Việt Nam
2.1. Khái niệm và đặc điểm của nhãn hiệu chứng nhận
Theo quy định tại khoản 18, Luật Sở hữu trí tuệ (Luật SHTT) sửa đổi, bổ sung 2022, nhãn hiệu chứng nhận được định nghĩa “là nhãn hiệu mà chủ sở hữu nhãn hiệu cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng trên hàng hóa, dịch vụ của tổ chức, cá nhân đó để chứng nhận các đặc tính về xuất xứ, nguyên liệu, vật liệu, cách thức sản xuất hàng hóa, cách thức cung cấp dịch vụ, chất lượng, độ chính xác, độ an toàn hoặc các đặc tính khác của hàng hoá, dịch vụ mang nhãn hiệu.” Dựa trên định nghĩa này, nhãn hiệu chứng nhận có một số đặc điểm như sau:
Thứ nhất, nhãn hiệu chứng nhận được tạo nên từ các “dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều màu sắc hoặc dấu hiệu âm thanh thể hiện được dưới dạng đồ họa”[2]. Ví dụ, nhãn hiệu chứng nhận Bún bò Huế là một logo hình tròn, bao gồm từ “BÚN BÒ” màu xanh và từ “HUẾ” màu tím, cùng chữ U được cách điệu hình tô bún và dấu sắc của chữ BÚN được thể hiện dưới hình đôi đũa được gắp sợi bún[3].
Thứ hai, nhãn hiệu chứng nhận được sử dụng để chứng nhận nhiều tiêu chí khác nhau, như: nguồn gốc xuất xứ, nguyên vật liệu sử dụng, cách thức chế biến - sản xuất, chất lượng... của sản phẩm.
Thứ ba, nhãn hiệu chứng nhận là nhãn hiệu được một chủ thể đăng ký để chứng nhận cho hàng hóa và dịch vụ của các chủ thể khác. Chủ thể nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận phải có khả năng quản lý, giám sát để đảm bảo các cơ sở kinh doanh đáp ứng đúng các điều kiện để sử dụng nhãn hiệu. Qua đó bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, hạn chế được các hành vi không trung thực từ phía người bán (làm sai lệch hương vị nguyên bản của món ăn, lạm dụng nhãn hiệu, cách thức chế biến và dịch vụ không đảm bảo vệ sinh thực phẩm)…
Thứ tư, nhãn hiệu chứng nhận không được sử dụng bởi chủ nhãn hiệu[4]. Người được quyền gắn nhãn hiệu chứng nhận lên sản phẩm phải đáp ứng các tiêu chuẩn của nhãn hiệu chứng nhận được ghi nhận trong quy chế sử dụng nhãn hiệu, và được sự cho phép của chủ nhãn hiệu.
2.2. Hồ sơ và thủ tục đăng ký nhãn hiệu chứng nhận
Tương tự như các đối tượng thuộc quyền sở hữu công nghiệp, chủ sở hữu của nhãn hiệu chứng nhận bắt buộc phải đăng ký với cơ quan nhà nước có thẩm quyền để được bảo hộ. Đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, ngoài các tài liệu tối thiểu như với đơn đăng ký sở hữu công nghiệp nói chung, còn bắt buộc phải có thêm các tài liệu sau đây5: “(i) Quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận; (ii) Bản thuyết minh về tính chất, chất lượng đặc trưng (hoặc đặc thù) của sản phẩm mang nhãn hiệu (nếu nhãn hiệu được đăng ký là nhãn hiệu tập thể dùng cho sản phẩm có tính chất đặc thù hoặc là nhãn hiệu chứng nhận chất lượng của sản phẩm hoặc là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý); (iii) Bản đồ xác định lãnh thổ (nếu nhãn hiệu đăng ký là nhãn hiệu chứng nhận nguồn gốc địa lý của sản phẩm)”.
2.3. Thời hạn bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận
Theo khoản 6, Điều 93 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022, Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu “có hiệu lực từ ngày cấp đến hết 10 năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần 10 năm”. Ngoài ra, chủ văn bằng bảo hộ phải nộp phí gia hạn hiệu lực và có thể gia hạn nhiều lần, mỗi lần có giá trị 10 năm. Mức phí và thủ tục gia hạn được quy định tại Thông tư số 16/2016/TT-BKHCN[5].
3. Tạo lập nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An”
3.1. Giới thiệu về tương ớt Hội An
Tương ớt là một loại gia vị vô cùng quen thuộc của người Việt Nam, được dùng kèm với các món ăn hằng ngày như cơm, phở, bún, miến, xôi…, cho đến các món ăn vặt bình dân như bánh tráng trộn, nộm gỏi, ốc… Riêng đối với người Quảng Nam - Đà Nẵng, tương ớt là thành phần quan trọng làm nên những món ăn nổi tiếng bậc nhất của địa phương như: cơm gà Hội An, mì Quảng, cao lầu, bánh canh, bún mắm nêm,…
Tương ớt Hội An được chế biến đầu tiên bởi một gia đình người Hoa làm nghề bốc và bán thuốc Bắc trên phố Nguyễn Thái Học. Để làm tương ớt Hội An, khâu nguyên liệu lựa chọn rất quan trọng. Ớt đỏ phải được mua từ vùng Điện Bàn hoặc Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam và được hái lúc vừa chín tới. Nếu ớt không tươi, hoặc quá chín, khi xào xong, mẻ tương ớt sẽ có màu đen sậm, không còn màu đỏ tươi hấp dẫn của ớt. Ớt sau khi chọn lựa và rửa sạch, sẽ được đem đi sơ chế qua các bước: luộc sơ, xay thành hỗn hợp nhuyễn. Sau đó trộn với cà chua đã bỏ hạt, khử với dầu, gia vị và tiếp tục xào trên lửa nhỏ cho đến khi nước cạn hết để thành tương ớt. Sau khi để nguội và cho vào hũ nhỏ, người làm nghề thường múc một lớp dầu đã được khử nóng để lên phía trên của tương ớt để chống nấm mốc. Một lọ tương ớt Hội An đạt yêu cầu là phải có màu đỏ tươi, hỗn hợp sánh nhuyễn, có mùi thơm nhẹ, cay ngọt mặn hài hòa.
Hiện nay, rất nhiều cơ sở kinh doanh trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng có bán tương ớt Hội An. Tuy nhiên, không phải sản phẩm nào cũng đúng hương vị và được chế biến sạch sẽ, đảm bảo an toàn cho người tiêu dùng. Vì tương ớt Hội An có các nguyên liệu đã được xay nhuyễn, rất khó quan sát thành phần được sử dụng. Trong khi đó, với nhu cầu thưởng thức và mua tương ớt Hội An làm quà ngày càng cao, việc đưa ra thị trường sản phẩm tương ớt Hội An có nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” với quy trình sản xuất đảm bảo các tiêu chuẩn khắt khe là vô cùng cần thiết.
3.2. Tạo lập hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An”
Việc xây dựng nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” cần tuân thủ các quy định về điều kiện bảo hộ đối với nhãn hiệu được quy định tại Điều 72 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022 và các văn bản hướng dẫn. Ủy ban nhân dân (UBND) thành phố Hội An, tỉnh Quảng Nam có thể là chủ đơn đăng ký nhãn hiệu chứng nhận vì nó gắn liền với địa lý. Tuy nhiên, UBND có thể giao cho một cơ quan nhà nước ở địa phương hoặc một hiệp hội ngành nghề để trực tiếp quản lý nhãn hiệu chứng nhận.
Để được công nhận là nhãn hiệu chứng nhận, chủ đơn phải cung cấp một văn bản đặc biệt là quy chế sử dụng nhãn hiệu. Trong đó, bao gồm các tiêu chí về cảm quan chất lượng sản phẩm, xuất xứ nguyên liệu được miêu tả chi tiết, nhằm hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất tương ớt Hội An cách thức hoạt động phù hợp. Bên cạnh đó, còn là cơ sở pháp lý cho hoạt động kiểm tra, giám sát việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận của cơ quan quản lý. Tác giả đưa ra một số chỉ tiêu đề nghị như Bảng. (Xem Bảng)
Bảng. Chỉ tiêu cảm quan đối với sản phẩm tương ớt Hội An
STT |
Tên chỉ tiêu |
Yêu cầu |
Phương pháp đánh giá |
1 |
Trạng thái |
Có kết cấu nhuyễn, đặc (nhưng vẫn có thể múc được), màu đỏ tươi, bên trên có lớp dầu khử |
Cảm quan |
2 |
Mùi |
Có mùi ớt, nhưng không quá hăng |
Cảm quan |
3 |
Vị |
Có vị mặn, ngọt và cay nhưng không gắt |
Cảm quan |
+ Chỉ tiêu về nguyên liệu
- Ớt: ớt tươi, vừa chín đỏ, được thu hoạch từ các vùng Điện Bàn và Đại Lộc của tỉnh Quảng Nam. Không sử dụng ớt còn xanh, hoặc ớt quá chín, dập, hỏng.
- Gia vị đi cùng: cà chua, tỏi, muối, đường, mè rang.
- Sản phẩm được xử lý sạch sẽ, đảm bảo vệ sinh và chế biến bằng phương thức xào trên lửa trung bình trong thời gian dài.
+ Chỉ tiêu về chất lượng
- Sản phẩm được sản xuất và đóng gói đáp ứng các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Không sử dụng các chất phụ gia. Trên bao bì sản phẩm phải có thông tin đầy đủ về sản phẩm.
3.3. Kiểm soát chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận
Vì nhãn hiệu chứng nhận gắn liền với nguồn gốc xuất xứ và chất lượng của sản phẩm, cơ quan quản lý có trách nhiệm trong việc giám sát và điều chỉnh hoạt động sử dụng nhãn hiệu của các cơ sở kinh doanh. Thứ nhất, cơ quan quản lý cần để tổ chức kiểm tra định kỳ chất lượng sản phẩm, dịch vụ mang nhãn hiệu chứng nhận. Trong trường hợp có nghi ngờ sai phạm (tương ớt có mùi vị hoặc màu sắc lạ, bao bì và quy trình sản xuất không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, thêm bớt phụ gia so với thành phần đã được công bố…), cơ quan quản lý nhãn hiệu có thể phối hợp với các cơ quan chức năng kiểm tra đột xuất. Nếu kết quả kiểm tra chứng minh có hành vi vi phạm quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, cơ sở kinh doanh có thể bị thu hồi quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” và các biện pháp xử phạt khác theo quy định tại quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Cơ chế này sẽ giúp ổn định, kiểm soát chất lượng của món ăn và dịch vụ, bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm và tạo niềm tin trong người tiêu dùng.
4. Những khó khăn trong đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” - Nguyên nhân và giải pháp khắc phục
Đối chiếu với quy định của Luật SHTT về xây dựng hồ sơ bảo hộ nhãn hiệu chứng nhận, trong quá trình tạo lập hồ sơ đăng ký và quản lý nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An”, các cơ quan chức năng cần đặc biệt lưu tâm đến những vấn đề sau:
Thứ nhất, UBND thành phố Hội An và tỉnh Quảng Nam cần tiến hành các cuộc khảo sát trên thực tế, nhằm kiểm tra tình hình sản xuất và nhu cầu tiêu thụ tương ớt trên địa bàn địa phương và cả nước. Từ đó đưa việc đăng ký nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” vào danh mục các nhiệm vụ phát triển tài sản trí tuệ ở địa phương. Tạo cơ sở pháp lý và cơ sở thực tiễn cho xây dựng, sử dụng và quản lý có hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận này trong tương lai.
Thứ hai, đánh giá tính khả thi và khả năng bảo hộ của tương ớt Hội An.
Sau khi xác định được mục tiêu xây dựng hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận, chủ đơn cần tiến hành kiểm tra trên hệ thống của Cục SHTT nhãn hiệu dự định đăng ký, tránh tình trạng trùng hoặc nhầm lẫn. Các dấu hiệu sử dụng để làm nhãn hiệu chứng nhận này cần có “khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân được cấp quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận với hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác”[6]. Ngoài ra, nhãn hiệu đăng ký không được xung đột với quyền SHTT đã xác lập trước đó của cá nhân, tổ chức khác.
Thứ ba, khả năng khai thác sau khi được công nhận bảo hộ.
Hồ sơ đăng ký nhãn hiệu chứng nhận theo quy định của Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022 và được Cục SHTT cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chứng nhận. Sau đó, cơ quan có thẩm quyền cần xây dựng hệ thống nhận diện đi kèm, cùng các chiến dịch quảng cáo, tuyên truyền để tăng cường khả năng nhận diện nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” đối với người tiêu dùng. Ngoài ra, một quy trình chặt chẽ để quản lý, giám sát chất lượng và chấn chỉnh các hành vi vi phạm cũng là một nhiệm vụ quan trọng. Vì nhiều lý do, đây đều là những mục tiêu phức tạp, đòi hỏi sự tập trung tối đa và đầu tư nhiều về nhân lực - tài chính để thực hiện. Do đó, cơ quan quản lý của thành phố Hội An cần chú trọng xây dựng quy trình: xây dựng quy chế sử dụng chính xác nhãn hiệu chứng nhận, cẩn thận, chi tiết, đồng thời thuận tiện cho cơ sở sản xuất sử dụng; xác định chính xác khu vực địa lý cho nhãn hiệu chứng nhận; thiết kế mẫu của nhãn hiệu chứng nhận đẹp về thẩm mỹ, ý nghĩa, có tính phân biệt cao…
Thứ tư, lợi ích kinh tế đem lại do sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” nói riêng - cũng như các nhãn hiệu chứng nhận đã được cấp trước đó nói chung - còn chưa rõ ràng, dẫn đến tâm lý nghi ngờ, e ngại từ phía cá nhân, tổ chức sản xuất khi đăng ký tham gia sử dụng nhãn hiệu. nhãn hiệu chứng nhận - đi kèm với quy chế sử dụng chi tiết - đòi hỏi người bán phải đầu tư cơ sở vật chất, nhân lực, một cách nghiêm túc để đạt được các chỉ tiêu cao về chất lượng sản phẩm, nguyên liệu, bao bì đóng gói… Trong khi lợi nhuận khai thác được từ việc đưa nhãn hiệu chứng nhận lên bao bì sản phẩm và được khách hàng nhận biết, ghi nhớ và ủng hộ… lại cần thời gian để đem lại hiệu quả kinh tế. Vì vậy, UBND thành phố cần cung cấp cho các chủ thể sản xuất và kinh doanh tương ớt Hội An một phương án hỗ trợ rõ ràng, tạo động lực để họ tin tưởng và tham gia đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Song song với nhiệm vụ đăng ký nhãn hiệu với Cục SHTT, UBND thành phố Hội An nên ban hành một chiến lược phát triển nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An” chi tiết, bao gồm các mục tiêu dài hạn như:
- Khai thác, phát triển nhãn hiệu chứng nhận theo hướng gắn liền hoạt động sản xuất và dịch vụ du lịch.
- Phát triển khu vực cung cấp nguyên liệu (các nhà vườn trồng ớt tại Đại Lộc, Điện Bàn, tỏi, cà chua…), tạo thuận lợi cho hoạt động sản xuất - kinh doanh lâu dài cho các chủ thể sản xuất - kinh doanh có đăng ký sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. Hỗ trợ chi phí kiểm định chất lượng sản phẩm, dịch vụ và đăng ký nhãn hiệu chứng nhận.
- Thực hiện các chiến dịch truyền thông qua báo đài, mạng xã hội để quảng bá các sản phẩm có sử dụng nhãn hiệu chứng nhận, đảm bảo đầu ra của sản phẩm, tính cạnh tranh trên thị trường của tương ớt Hội An.
Thứ năm, pháp luật về SHTT quy định trong trường hợp nhãn hiệu chứng nhận không được sử dụng liên tục, thường xuyên, cơ quan chức năng có quyền thu hồi văn bằng bảo hộ[7]. Nói cách khác, để duy trì sự tồn tại của nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An”, cần nhận được sự quan tâm và ủng hộ của các cá nhân, tổ chức sản xuất tương ớt và người tiêu dùng. Tuy nhiên, nhận thức của người tiêu dùng về nhãn hiệu chứng nhận vẫn còn tương đối mơ hồ.
Ngoài ra, một bộ phận lớn các cơ sở sản xuất tương ớt Hội An là các hộ gia đình, xưởng nhỏ lẻ. Các cơ sở này mặc dù không cần đến nhãn hiệu chứng nhận cũng có chỗ đứng nhất định trong lòng người yêu thích ẩm thực, đặc biệt là người dân địa phương vốn mua hàng hóa theo thói quen. Việc đăng kí sử dụng nhãn hiệu chứng nhận với những tiêu chuẩn khắt khe, nghiêm ngặt và có phần tốn kém khiến họ phải từ bỏ nguồn nguyên liệu và cách chế biến đã duy trì qua hàng chục năm, hoặc mất dần các khách quen. Đây là lý do khiến cho các chủ thể sản xuất nhỏ lẻ không thiết tha với nhãn hiệu chứng nhận.
Những khó khăn trên có thể được tháo gỡ nếu cơ quan sở hữu nhãn hiệu mở rộng và triển khai mạnh mẽ công tác vận động các chủ thể kinh doanh, trước mắt là ở địa bàn tỉnh Quảng Nam - sử dụng và khai thác nhãn hiệu chứng nhận. Qua đó, quảng bá tiềm năng của nhãn hiệu đến phạm vi cả nước. Với chỉ đạo từ UBND, cùng sự hỗ trợ tài chính từ ngân sách nhà nước và địa phương, các chủ thể kinh doanh đặc sản tương ớt Hội An sẽ nhận thức được tầm quan trọng của nhãn hiệu chứng nhận và hưởng ứng việc sử dụng nhãn hiệu này.
Cuối cùng, công tác giải thích pháp luật cho người tiêu dùng tại địa phương cũng như trên toàn quốc cũng là một nhiệm vụ trọng tâm. Nếu khách hàng nhận thức đúng về giá trị pháp lý và ý nghĩa của nhãn hiệu chứng nhận, đương nhiên sẽ có thái độ hợp tác, ủng hộ các sản phẩm mang nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An”. Để làm được điều này, các cơ quan quản lý nên tổ chức các cuộc thi, phong trào tìm hiểu về đặc sản xứ Quảng nói chung và tương ớt Hội An nói riêng, qua đó lồng ghép các kiến thức về nhãn hiệu chứng nhận và vai trò của nó đối với quyền lợi của người tiêu dùng và kinh tế địa phương. Bên cạnh đó, tổ chức các hoạt động tuyên truyền tại các nơi đông khách du lịch như sân bay, nhà ga, phố cổ Hội An, khách sạn, nhà hàng, chợ và trung tâm bày bán đặc sản địa phương…
Bài báo đã phân tích nhu cầu, tính khả thi và đề xuất tạo dựng nhãn hiệu chứng nhận “Tương ớt Hội An”, đồng thời đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của việc sử dụng nhãn hiệu chứng nhận cho loại gia vị mang đậm đà bản sắc địa phương này. Tuy nhiên, trên thực tế còn tồn tại nhiều vướng mắc trong việc tạo dựng và khai thác có hiệu quả nhãn hiệu chứng nhận, đặc biệt là cơ chế quản lý, giám sát chất lượng sản phẩm rất phức tạp, đòi hỏi những nghiên cứu chuyên sâu hơn trong thời gian tới.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
(1) Luật SHTT số 50/2005/QH11 ngày 29/11/2005 của Quốc hội, có hiệu lực kể từ ngày 01/7/2006, được sửa đổi, bổ sung 3 lần. Lần gần đây nhất là Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật SHTT số 07/2022/QH15 ngày 16/6/2022, hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2023.
(2) Khoản 1, Điều 72 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022.
(3) Phụ lục 2, Quyết định số 1623/QĐ-UBND ngày 13/7/2016 của UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế về ban hành “Quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận Bún Bò Huế”.
(4) Khoản 4, Điều 87, Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022.
(5) Điều 7, Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 của Bộ Khoa học Công nghệ hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp (được sửa đổi, bổ sung một số quy định theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2011.
(6) Thông tư Sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2007/TT-BKHCN ngày 14/02/2007 hướng dẫn thi hành Nghị định số 103/2006/NĐ-CP ngày 22/9/2006 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật SHTT về sở hữu công nghiệp, được sửa đổi, bổ sung theo Thông tư số 13/2010/TT-BKHCN ngày 30/7/2010, Thông tư số 18/2011/TT-BKHCN ngày 22/7/2011 và Thông tư số 05/2013/TT-BKHCN ngày 20/02/2013.
(7) Khoản 1, Điều 74, Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022.
(8) Điều 196 và Điểm d, khoản 1, Điều 95 Luật SHTT sửa đổi, bổ sung 2022.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Nguyễn Yến Nhi, Ngô Thị Thúy Hằng, Nguyễn Vân Anh (2021). Thực trạng và giải pháp nâng cao hiệu quả sử dụng và khai thác nhãn hiệu chứng nhận “Bún bò Huế” hiện nay. Tạp chí Pháp luật và Thực tiễn, 49, tr. 88.
- Phạm Văn, Ngọc Thịnh (2016). “Tranh cãi nảy lửa về quy chế sử dụng nhãn hiệu “Bún bò Huế”. Truy cập tại https://baophapluat.vn/tranh-cai-nay-lua-ve-quy-che-su-dung-nhan-hieu-bun-bo-hue-post223750.html
- Grantouismo, (2020). “Hoi An Chilli Sauce - The Illustrious Tuong Ot Trieu Phat”. Truy cập tại https://grantourismotravels.com/hoi-an-chilli-sauce/
- Hà Nguyên (2019). “Thơm nồng tương ớt Hội An”. Truy cập tại https://giaoducthoidai.vn/thom-nong-tuong-ot-hoi-an-post351929.html
- Vũ Phương Nhi (2022). “Phát triển sản phẩm OCOP, khơi dậy tiềm năng, lợi thế khu vực nông thôn”. Truy cập tại https://baochinhphu.vn/phat-trien-san-pham-ocop-khoi-day-tiem-nang-loi-the-khu-vuc-nong-thon-102220802171829801.htm
Developing the certification trademark of Tương ớt Hội An of Hoi An town, Quang Nam province
Ph.D Pham Minh Thy Van
Head, Department of Civil and Economic Law, Faculty of Law
School of Economics, Da Nang University
Abstract:
Tương ớt Hội An (Hoi An Chilli Sauce) is a famous condiment in the ancient town of Hoi An, Quang Nam province. This paper analyses the ability of developing Tuong ot Hoi An as a certification trademark under the 2005 Law on Intellectual Property (amended and supplemented in 2009, 2019 and 2022). Based on the paper’s analysis, a plan and some solutions are proposed to develop and manage the certification trademark of Tuong ot Hoi An.
Keywords: Tuong ot Hoi An, Quang Nam province, trademark, certification trademark, intellectual property.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 10 tháng 4 năm 2023