Thực trạng và phương hướng  phát triển của thị trường thực phẩm an toàn Việt Nam hiện nay

ThS. Nguyễn Tường Minh (Trường Đại học Thăng Long)

TÓM TẮT:

Mức sống của người dân Việt Nam ngày càng tăng cao, đi kèm với đó là những đòi hỏi ngày càng khắt khe đối với sự an toàn của các loại thực phẩm phục vụ nhu cầu ăn uống hằng ngày. Nhận biết được nhu cầu đó, trong những năm gần đây, một loạt các thương hiệu thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn, thực phẩm hữu cơ… ra đời để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng. Tuy nhiên, cũng chính sự ra đời ồ ạt của các thương hiệu này lại dẫn đến những tồn tại bất cập của thị trường thực phẩm an toàn, như: thật - giả khó phân biệt, sự hoài nghi liệu có an toàn như mong đợi, thông tin thực phẩm liệu có đáng tin cậy, chỉ dành cho người giàu… Từ thực trạng này, nghiên cứu chỉ ra một số phương hướng nhằm phát triển thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam trong thời gian tới.

Từ khóa: Thị trường, thực phẩm an toàn, thực trạng, phát triển thị trường thực phẩm an toàn.

1. Thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam

Thực phẩm an toàn là một khái niệm ra đời khá lâu ở các nước phương Tây từ những năm 40 của thế kỉ trước (Klonsky and Tourte, 1998). Theo đó, thực phẩm an toàn có nguồn gốc từ các sản phẩm hữu cơ. Mặc dù có nhiều nghiên cứu về thực phẩm an toàn nhưng vẫn chưa có một sự thống nhất cao giữa các nhà nghiên cứu về định nghĩa thực phẩm an toàn và thường được định nghĩa bởi các dấu hiệu, đặc tính về mặt sinh học, như: được sản xuất tự nhiên, sản phẩm xanh, thân thiện với môi trường, sản phẩm bền vững và sử dụng hữu hạn các chất hóa học nhân tạo.

Thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam sau một giai đoạn phát triển tương đối nhanh,  nay đang có dấu hiệu chậm lại. Mặc dù, thực phẩm an toàn được đánh giá là sản phẩm an toàn cho sức khỏe, thân thiện với môi trường…, lẽ ra sẽ phải có những bước phát triển nhanh, mạnh và ổn định, nhưng thực tế diễn biến trên thị trường  lại không như mong đợi. Theo bà Đinh Thị Mỹ Loan - Chủ tịch Hiệp hội Bán lẻ Việt Nam, thực phẩm an toàn đang trải qua một giai đoạn khó khăn, chậm phát triển do một loạt các nguyên nhân, như: thiếu tiêu chuẩn sản xuất, người tiêu dùng và ngay cả các nhà bán lẻ khó truy xuất được nguồn gốc sản phẩm, khó tìm hiểu được quy trình sản xuất… (Thanh Giang, 2018). Để hiểu được nguyên nhân của những bất cập này, tác giả đã tiến hành tìm hiểu một cách cặn kẽ thị trường thực phẩm an toàn kể từ ngày đầu hình thành và phát triển cho tới nay.

2. Sự hình thành và phát triển của thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam

Sự hình thành của thực phẩm an toàn đã bắt đầu từ giữa những năm 90 của thế kỉ trước, mang tính tự nhiên nhiều hơn là phù hợp với tiêu chuẩn của các tổ chức quốc tế về thực phẩm an toàn như IFOAM.., và không phải xuất phát từ thị trường trong nước, mà do phục vụ cho thị trường xuất khẩu. Hầu hết các sản phẩm an toàn đều là khai thác từ tự nhiên, với các sản phẩm như: gia vị các loại, mật ong, tinh dầu, thảo dược các loại… (Nguyễn Văn Bộ, 2017), chè và rau an toàn của Công ty Ecolink, Hanoi Oganic (theo Hiệp hội Nông nghiệp an toàn Việt Nam) (Nguyễn Văn Bộ, 2017). Sau đó, bắt nguồn từ sự “sợ hãi” của người tiêu dùng với tình trạng thực phẩm không đảm bảo an toàn ở thị trường Việt Nam, các nhà sản xuất đã phải tìm hướng mới cho thực phẩm là thực phẩm an toàn.

Trên thực tế, chỉ cần vào Google, đánh từ khóa “thực phẩm bẩn”, có tới hơn 17 triệu kết quả được trả về chỉ trong 0,47 giây. Những phát biểu của các chuyên gia, những người nổi tiếng về thực phẩm bẩn thậm chí còn trở thành câu cửa miệng của nhiều người tiêu dùng, như: “con đường từ dạ dày đến nghĩa địa của mỗi người chúng ta chưa bao giờ ngắn và dễ dàng thế”… điều này được chứng minh bởi số vụ ngộ độc thực phẩm ở nước ta đang ở mức cao (Hình 1).

hinh 1

Có thể thấy, số vụ ngộ độc thực phẩm ở nước ta có xu hướng giảm, cả về số người mắc và số vụ, nhưng số người chết thì lúc tăng, lúc giảm. Thêm vào đó, tuy xu hướng giảm nhưng vẫn ghi nhận ở mức cao, với hơn 3.869 người mắc vào năm 2017. Đó là chưa kể, nhiều loại thực phẩm độc hại, nhưng không phát tác ngay mà ngấm từ từ vào cơ thể người tiêu dùng, tích lũy và gây bệnh về sau, trong đó điển hình nhất là ung thư, một loại bệnh được dự báo là sẽ sớm trở thành đại dịch của Việt Nam và có nguyên nhân chính xuất phát từ thực phẩm bẩn (Dạ Thảo, 2017). Trước tình hình đó, người tiêu dùng đã phải tìm cách tự bảo vệ mình bằng việc tìm kiếm những thực phẩm an toàn cho bản thân và gia đình. Những thuật ngữ sản phẩm an toàn, thực phẩm an toàn dần trở nên phổ biến hơn và các sản phẩm này ngày càng thu hút được sự chú ý của người tiêu dùng Việt Nam, đặc biệt là người tiêu dùng thành thị. Từ khóa “Thực phẩm an toàn” được Google trả về với hơn 96 triệu kết quả trong 0,73 giây là một minh chứng cho điều này.

Theo báo cáo của Ipsos Business Consulting, năm 2016, khái quát về thực trạng của thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam có thể chia làm 2 mục chính:

Thứ nhất: Về tình hình sản xuất. Đến năm 2014, Việt Nam đã có 43,01 nghìn ha đất sản xuất nông nghiệp an toàn (Hình 2).

hinh 2

Với tốc độ phát triển nhanh chóng, diện tích đất nông nghiệp an toàn của Việt Nam đã đứng thứ 56/172 nước trên thế giới, đứng thứ 3 trong khối các nước Đông Nam Á (Ipsos Business Consulting, 2016). Tuy nhiên, diện tích đất nông nghiệp an toàn mới chiếm một tỉ lệ rất nhỏ trong tổng số 26,8 triệu ha đất nông nghiệp của Việt Nam, với tổng số 33/63 tỉnh, thành phố có sản xuất nông nghiệp an toàn. Việt Nam là nước nông nghiệp, có nền sản xuất nông nghiệp lâu đời, tiềm năng sản xuất sản phẩm an toàn nói chung và thực phẩm an toàn vẫn còn rất lớn.

Thứ hai: Về thị trường thực phẩm an toàn. Thị trường sản phẩm an toàn của Việt Nam hiện vẫn phục vụ xuất khẩu là chính với hơn 550 triệu Euro (năm 2014). Thị trường nội địa chủ yếu là thực phẩm, rau quả an toàn với doanh thu ước tính trên 2 triệu Euro (năm 2014). Tổng giá trị thị trường thực phẩm an toàn của 2 tỉnh thành phố lớn là Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh khoảng 400 tỷ đồng/năm (Thanh Giang, 2018). Trong khi, chi tiêu cho sức khỏe của người tiêu dùng Việt Nam đang có dấu hiệu tăng, trung bình là trên 6% thu nhập, đặc biệt là có đến 47% người tiêu dùng Việt ngày càng quan tâm tới thực phẩm tươi và tự nhiên (Nielsen, 2014). Như vậy, tiềm năng phát triển thực phẩm an toàn ở Việt Nam còn rất lớn.

3. Một số tồn tại của thị trường thực phẩm an toàn ở Việt Nam hiện nay

3.1. Thực phẩm an toàn thật giả khó phân biệt

Có một thực tế là người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là thực phẩm an toàn thật, đâu là thực phẩm đội lốt thực phẩm an toàn. Mặc dù người tiêu dùng sẵn sàng trả một mức giá cao hơn để hi vọng vào một sản phẩm có chất lượng tốt hơn, bằng cách tìm đến những nơi bán thực phẩm với giá cao, như siêu thị, nhưng vẫn chưa chắc chắn vì thực tế đã có nhiều vụ việc trà trộn rau không an toàn vào siêu thị đã bị phanh phui mặc dù các sản phẩm đó đều có gắn mác là an toàn (Lan, 2016).

Gần đây nhất, có thể kể đến các vụ việc của siêu thị Fivimart, một trong các hệ thống siêu thị lớn và đã tồn tại khá lâu ở Việt Nam. Sau sự phản ánh của người tiêu dùng, phóng viên Báo Người tiêu dùng đã đến trực tiếp các siêu thị Fivimart để tác nghiệp, kết quả là hầu hết các mặt hàng hoa quả, thực phẩm và một số đồ gia dụng hoàn toàn không có tem mác xuất xứ, một số khay thực phẩm còn không có cả thời hạn sử dụng… (Thanh, 2018). Một loạt các siêu thị lớn khác như Metro, BigC, Ocean Mart, Citimart… đều đã bị phát hiện các vụ việc tương tự từ nhiều năm trước, như: Coop Mart, Metro, Big C bán chả cá thương hiệu “Hai chị em” bị nhiễm khuẩn; siêu thị BigC bán thịt lợn gạo; siêu thị Minh Hoa, siêu thị Citimart, Le’s Mart bán rau với giá rất cao, được gắn mác là rau an toàn, nhưng thực tế là do một công ty mua rau “trôi nổi” trên thị trường về gắn mác rau an toàn, thậm chí còn mua cả rau củ Trung Quốc trái vụ, cũng về gắn mác rau an toàn rồi cấp vào hệ thống các siêu thị trên.

Sự nhập nhằng của các siêu thị một phần là do người tiêu dùng không thể phân biệt được đâu là thực phẩm “sạch” và đâu là thực phẩm “bẩn”, họ chỉ còn biết trông mong vào uy tín và lương tâm của người bán, nhưng đứng trước mức lợi nhuận khủng do những hành vi gian dối mang lại, các siêu thị vẫn “sẵn sàng” lừa dối khách hàng. Điều đó làm cho thị trường thực phẩm sạch, thực phẩm an toàn ở Việt Nam thực sự gặp nhiều khó khăn khi niềm tin của người tiêu dùng với các sản phẩm này không còn nhiều.

3.2. Thực phẩm an toàn có thực sự tốt như mong đợi

Một trong những băn khoăn lớn nhất của người tiêu dùng là sản phẩm thực phẩm an toàn đó có thực sự là tốt? Bên cạnh rất nhiều các thông tin thực phẩm an toàn là tốt cho sức khỏe, nhiều chất dinh dưỡng, an toàn… thì vẫn còn nhiều chuyên gia lên tiếng cảnh báo “chưa có chứng cứ khoa học rõ ràng để chứng minh thực phẩm an toàn tốt hơn thực phẩm thông thường” (Thoại, 2015) (dẫn theo phát biểu của John Krebs Chủ tịch Food Standard Agency). Cũng theo Thoại (2015), các nghiên cứu mang tính “dài hơi” của nhiều viện nông nghiệp ở Anh và Mĩ, đều khẳng định là “không có gì khác biệt” giữa thực phẩm an toàn và thực phẩm thông thường (Thoại, 2015). Tuy nhiên, thuật ngữ “thông thường” ở Việt Nam và ở các nước phương Tây như Anh, Mĩ là khác nhau. Thực phẩm “thông thường” ở các nước phương Tây được hiểu là thực phẩm được sản xuất bằng các phương thức sản xuất có sử dụng thuốc trừ sâu nhưng vẫn an toàn (thông thường là cách sản xuất thông thường), còn thực phẩm “thông thường” theo cách hiểu của người tiêu dùng Việt Nam thì đó là thực phẩm được bày bán ở chợ (thông thường là cách phân phối thông thường).

Và với cách hiểu thực phẩm “thông thường” theo nghĩa của người tiêu dùng phương Tây, Bích Hiền (2017) dẫn lời của chuyên gia dinh dưỡng Vũ Thế Thành “Thực phẩm an toàn chẳng bổ béo gì hơn thực phẩm thông thường cả” (Hiền, 2017). Theo chuyên gia Thành thì thực phẩm “thông thường” ở các nước phương Tây được quy định rất chặt chẽ về hàm lượng các chất có ích (hàm lượng đạm, các axit amin 3,6,9 của sữa…); đồng thời là hàm lượng các chất có hại (hàm lượng nitrat, nitrit, kim loại nặng…), nên các thực phẩm “thông thường” đã đạt được tiêu chuẩn này tức là đã đủ điều kiện làm thức ăn cho con người. Thực phẩm an toàn được sản xuất một cách “tự nhiên” cũng chỉ có thể cung cấp được các chất dinh dưỡng và hạn chế các chất có hại tương tự như thực phẩm “thông thường” mà thôi. Thậm chí, thực phẩm an toàn còn “có phần” kém hơn do khó bảo quản hơn nên hàm lượng dinh dưỡng kém đi trong quá trình tồn trữ, vận chuyển… (Hiền, 2017).

Như vậy, theo các chuyên gia thì thực phẩm an toàn không hẳn là chất lượng dinh dưỡng của thực phẩm an toàn thúc đẩy hành vi mua của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, nguyên nhân chính người tiêu dùng Việt Nam chuộng thực phẩm an toàn còn do xuất phát từ nỗi “sợ hãi” với thực phẩm bẩn tràn lan. Thực tế này đã làm xuất hiện một số khách hàng hoài nghi về chất lượng của thực phẩm an toàn, qua đó hoài nghi về các tuyên bố dinh dưỡng của người bán hàng, cũng như nhà sản xuất thực phẩm an toàn.

3.3. Thực phẩm an toàn thông tin còn thiếu và không chính xác

Mặc dù thực phẩm an toàn đã trở thành một phong trào tiêu dùng trong thời gian gần đây, nhưng theo ý kiến của chuyên gia về vấn đề này, một trong các nguyên nhân làm thị trường thực phẩm an toàn kém phát triển là do người tiêu dùng còn chưa hiểu biết một cách thấu đáo về thực phẩm an toàn, thiếu các thông tin để truy xuất nguồn gốc, khó tìm hiểu và không hiểu về quá trình sản xuất. Các bước trong quá trình cung cấp thực phẩm an toàn đến tay người tiêu dùng như: sản xuất, thu hoạch, sơ chế, bảo quản, vận chuyển… người tiêu dùng cũng không nắm được, thiếu các thông tin (Thanh Giang, 2018).

Khi sử dụng công cụ tìm kiếm Google, trong 0,73 giây có hơn 96 triệu kết quả trả về cho nội dung “thực phẩm an toàn”. Tuy nhiên, các thông tin trên internet cũng ở trong tình trạng “không thể kiểm soát”, thật giả khó phân biệt, từ thông tin một số nhà sản xuất không tuân thủ quy định sau đó các báo chí làm trầm trọng hóa vấn đề, người tiêu dùng trở nên hoang mang sợ hãi (Hiền, 2017). Lợi dụng tâm lý đó, các nhà sản xuất thực phẩm, trong đó có thực phẩm an toàn, ra sức thổi phồng sự thật về thực phẩm mà họ sản xuất, cung cấp những thông tin không đúng sự thật về các loại thực phẩm, như thực phẩm an toàn là sạch nhất, là dinh dưỡng tốt nhất, an toàn nhất cho sức khỏe… Trong khi đó, theo các chuyên gia thì chỉ cần thực phẩm an toàn đáp ứng đủ các tiêu chuẩn về dinh dưỡng là đủ (Hiền, 2017).

3.4. Thực phẩm an toàn chỉ dành cho người giàu

Hiện nay, các loại thực phẩm đang được dán nhãn an toàn ở Việt Nam hiện có giá cao gấp nhiều lần thực phẩm thông thường, các sản phẩm rau, củ, nấm có giá đắt hơn khoảng 4 đến 5 lần, thịt lợn đắt hơn khoảng 3 lần… (Kim Ngân, 2017). Do đó, thực phẩm an toàn thường chỉ dành cho những gia đình có mức thu nhập từ khá, thậm chí giàu có trở lên. Những đặc điểm thường gắn với nhóm khách hàng tiêu dùng này là: học vấn cao, thường sống ở thành phố lớn, thường là người có chức vụ hoặc nhân viên văn phòng, họ không phải là người lao động tự do…

3.5. Thực phẩm an toàn không biết mua ở đâu

Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn năm 2016, hiện mới chỉ có 19 cửa hàng ở Hà Nội và 11 cửa hàng ở TP. Hồ Chí Minh là đã đăng ký với Bộ về thực phẩm an toàn. Số lượng cửa hàng thực phẩm an toàn có thể lên gấp vài lần so với số đăng ký, nhưng vẫn còn quá ít so với nhu cầu của người tiêu dùng. Không những thế, không ít những cửa hàng bán các sản phẩm thực phẩm an toàn “tự xưng” (Khánh Vũ, 2017), tức là họ tự bán các sản phẩm mà họ nói là thực phẩm an toàn, trong khi không có bất cứ một cơ quan tổ chức nào chứng nhận. Như vậy, người tiêu dùng rất khó khăn mới có thể mua được một sản phẩm thực phẩm an toàn, khi mà tìm cửa hàng treo biển thực phẩm an toàn đã khó, tìm được rồi thì cửa hàng đó đúng là có bán thực phẩm an toàn, chứ không phải thực phẩm an toàn “tự xưng”, càng khó khăn hơn.

3.6. Thực phẩm an toàn nghèo nàn về chủng loại

Theo An Nhiên (2016), hiện nay, thực phẩm an toàn tuy được nhiều nhà sản xuất quan tâm, nhưng cũng mới chỉ dừng ở các sản phẩm thông thường, như: gạo, rau củ, thịt, cá… Các sản phẩm thiết yếu khác, như: gia vị, mắm, muối… vẫn còn thiếu, gây khó khăn cho người tiêu dùng khi họ phải đi vài nơi mới mua được đầy đủ nguyên liệu cho bữa cơm của gia đình (Nhiên, 2016). Hơn thế nữa, các sản phẩm thiết yếu này không chỉ thiếu mà còn không được các nhà sản xuất để tâm và sản xuất, nên người tiêu dùng nhiều lúc buộc phải mua những sản phẩm này ở những cửa hàng bán thực phẩm thông thường. Điều này gây tâm lý tiêu dùng nửa vời, thức ăn chính là thực phẩm an toàn, còn gia vị và các nguyên liệu phụ lại là thực phẩm thường, cản trở người tiêu dùng mua thực phẩm an toàn.

Theo danh mục sản phẩm thực phẩm an toàn mà Siêu thị Sài Gòn Co.opmart công bố năm 2017, mới có 4 nhóm chủng loại thực phẩm an toàn được đưa vào hệ thống của siêu thị này, gồm gạo và các loại rau, củ, quả, cá và tôm. Ví dụ như: gạo Jasmine, gạo Japonica, dưa leo, bí đao, cà chua, cải ngọt, cải xanh, rau muống, phi lê cá basa và tôm sú (Mai Trang, 2017). Như vậy, danh mục sản phẩm này gần như không thể đáp ứng được nhu cầu, đòi hỏi của người tiêu dùng. Khảo sát của tác giả tại các cửa hàng, siêu thị khác bán thực phẩm an toàn tại Hà Nội cũng ghi nhận mức độ hạn chế về chủng loại của các sản phẩm thực phẩm an toàn.

4. Phương hướng phát triển của thị trường thực phẩm an toàn

Thực phẩm an toàn trong thời gian tới vẫn sẽ là sản phẩm được người tiêu dùng, đặc biệt là người tiêu dùng thành thị Việt Nam quan tâm. Sự phát triển sản phẩm này là một xu thế rất khó đảo ngược, tuy nhiên tốc độ phát triển của thị trường này vẫn còn nhiều điều đáng bàn. Với sự xuất hiện của Nghị định 109 và bộ tiêu chuẩn Việt Nam về thực phẩm an toàn, hành lang pháp lý cho sự phát triển của thị trường đã dần được hoàn thiện. Song, để thị trường thực phẩm an toàn phát triển nhanh và lành mạnh còn rất nhiều việc phải làm.

Thứ nhất là, phải làm tốt công tác tuyên truyền cho người dân hiểu biết hơn về thực phẩm an toàn. Khi sự hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn tăng lên, người tiêu dùng sẽ trở thành người tiêu dùng “thông thái”, họ sẽ sáng suốt hơn trong việc lựa chọn thực phẩm an toàn, từ đó tạo ra một tác động kép là ủng hộ các nhà sản xuất làm ăn chân chính và hạn chế các nhà sản xuất làm ăn chụp giật, lừa đảo, gian dối. Những hành vi “nhập nhèm”, “tự xưng”, “tự phong”, “trà trộn”, “đội lốt” trong thị trường thực phẩm an toàn của những nhà sản xuất, nhà phân phối cơ hội, không đàng hoàng sẽ bị đào thải, thị trường thực phẩm an toàn sẽ trở lên lành mạnh hơn.

Thứ hai là, Nhà nước sớm ban hành bộ hành lang pháp lý đầy đủ, chặt chẽ tạo điều kiện cho thị trường thực phẩm an toàn hoạt động. Phải nghiên cứu kĩ các điều kiện hỗ trợ, khuyến khích các nhà sản xuất làm ăn chân chính phát triển; đồng thời phải xây dựng bộ công cụ kiểm tra, giám sát thật mạnh, nhằm sớm phát hiện và ngăn chặn các hành vi vi phạm; cùng với đó là các chế tài đủ mạnh, đủ sức răn đe để những người có ý đồ không tốt, lợi dụng sự thiếu hiểu biết của người tiêu dùng về thực phẩm an toàn, sự buông lỏng quản lý của cơ quan hữu quan mà thực hiện các hành vi vi phạm.

Thực phẩm là một ngành hàng quan trọng, có sức ảnh hưởng lớn tới không chỉ sức khỏe của một người, mà của cả một thế hệ, một dân tộc. Vì vậy, các chính sách đưa ra phải đầy đủ để khuyến khích, thúc đẩy khát khao làm giàu chính đáng của những cá nhân, tổ chức tham gia vào kênh phân phối, đồng thời ngăn chặn những người có mong muốn làm ăn bất chính, họ có muốn cũng không dám làm.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Chuyên, Đ. 2015. Năm 2015 cả nước xảy ra 171 vụ ngộ độc thực phẩm. Báo Công lý, http://congly.vn/xa-hoi/suc-khoe/nam-2015-ca-nuoc-xay-ra-171-vu-ngo-doc-thuc-pham-134052.html.
  2. Dạ Thảo 2017. Thực phẩm bẩn là nguy cơ hàng đầu của nhiều bệnh ung thư. Báo Điện tử Một thế giới, https://motthegioi.vn/suc-khoe-c84/thuc-pham-ban-la-nguy-co-hangdau-cua-nhieu-benh-ung-thu61460.html.
  3. HẠNH, H. 2014. Metro, Big C, Ocean Mart... thi nhau bán thực phẩm 'bẩn', dân lo lắng. Báo Mới, https://baomoi.com/metro-big-cocean-mart-thi-nhau-ban-thuc-phamban-dan-lo-lang/c/14578292.epi.
  4. Hiền, B. 2017. "Tôi nói thẳng, thực phẩm hữu cơ chẳng an toàn, bổ béo hơn so với thực phẩm thông thường". Soha, http://soha.vn/toi-noi-thang-thuc-pham-huu-co-chang-an-toan-bo-beo-hon-so-voi-thuc-pham-thong-thuong-2017111000301005.htm.
  5. Khánh Vũ 2017. Loạn thực phẩm hữu cơ “tự xưng” - Ai quản lý? Báo Lao động, http://cafef.vn/loan-thuc-pham-huu-co-tu-xung-aiquan-ly-20171215135536857.chn.
  6. Kim Ngân 2017. 'Bát quái trận đồ' thực phẩm 'tự xưng' organic. Báo Phụ nữ, https://www. phunuonline.com.vn/thitruong/bat-quai-tran-do-thuc-pham-tu-xungorganic-96668/.
  7. Klonsky, K. & Tourte, L. 1998. Organic agricultural production in the United States: Debates and directions. American Journal of Agricultural Economics, 80, 6.
  8. Lan, N. 2016. Người tiêu dùng hoang mang trước ma trận thực phẩm bẩn. News.zing.vn, https://news.zing.vn/nguoi-tieu-dunghoang-mang-truoc-ma-tran-thuc-phamban-post620445.html
  9. Mai Trang 2017. 4 nhóm thực phẩm hữu cơ xuất hiện tại Việt Nam. VOV, https://vov.vn/an-sach-song-khoe/4-nhom-thuc-pham-huu-co-xuat-hien-tai-viet-nam-622147.vov.
  10. Nguyễn Văn Bộ 2017. Sản xuất nông nghiệp hữu cơ ở Việt Nam: Cơ hội, thách thức và những vấn đề cần quan tâm. Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Vĩnh Phúc.
  11. Nhiên, A. 2016. Thực phẩm hữu cơ: Cần nhiều hơn những sản phẩm thông dụng. Báo điện tử Tri thức Trẻ, http://soha.vn/thuc-pham-huu-co-can-nhieu-hon-nhung-san-pham-thong-dung-20161103171652375.htm.
  12. Thanh Giang 2018. Thị trường thực phẩm hữu cơ: Cung - Cầu chưa gặp nhau. Báo Đại Đoàn Kết, http://daidoanket.vn/thi-truong/thi-truong-thuc-pham-huu-co-cung-cau-chua-gap-nhau-tintuc412699.
  13. Thanh Nhân 2017. Thực phẩm hữu cơ đang gây "sốt". Người Lao động, https://nld.com.vn/kinh-te/thuc-pham-huu-co-dang-gay-sot-20171210212610605.htm.
  14. Thanh, T. 2018. Siêu thị FiviMart bán hàng không rõ nguồn gốc, không hạn sử dụng khiến người tiêu dùng hoang mang? Báo Điện tử Người Tiêu dùng, http://www.nguoitieudung.com.vn/sieu-thifivimart-ban-hang-khong-ro-nguon-gockhong-han-su-dung-khien-nguoi-tieu-dunghoang-mang-d70550.html.
  15. Thế Công 2017. Năm 2017, số vụ ngộ độc thực phẩm giảm nhưng số người tử vong tăng gấp đôi. Báo Mới, https://baomoi.com/nam-2017-so-vungo-doc-thuc-pham-giam-nhung-songuoi-tu-vong-tang-gapdoi/c/24294739.epi.
  16. Thoại, T. B. 2015. Thực phẩm hữu cơ: Xu hướng mới? Báo Dân Trí, https://dantri.com.vn/suc-khoe/thuc-pham-huu-co-xu-huong-moi-20151105215416455.htm.
  17. Vân, H., Vũ, H. & Trà, T. 2016. Nhức nhối nỗi lo mất an toàn thực phẩm. Kỳ 1: Tràn lan thực phẩm bẩn. Nhân Dân, http://nhandan.com.vn/xahoi/tin-tuc/item/31669602-nhuc-nhoi-noi-lo-matan-toan-thuc-pham-ky-1.html.

 

CURRENT SITUATION AND DEVELOPMENT DIRECTION OF VIETNAM FOOD SAFETY MARKET TODAY

MA. NGUYEN TUONG MINH

Thang Long University

ABSTRACT:

The living standard of Vietnamese people is improving along with the increasingly strict requirements for the safety of foods. Recognizing that needs, in recent years, a series of brands of clean food, safe food, organic food, etc. have been born to meet the needs of consumers. However, it is also the massive advent of these brands that lead to the various issues such as the credibility, safety, realibility, etc. Under this situation, research shows a number of directions to develop a safe food market in Vietnam in the near future.

Keywords: Safe food market, situation, safe food market development.