Ứng dụng công nghệ thông tin
Dưới tác động của dịch Covid 19, các hoạt động xúc tiến thương mại, kết nối doanh nghiệp với thị trường chịu ảnh hưởng nghiêm trọng.
Hầu hết hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống theo kế hoạch bị hủy hoặc hoãn. Dịch bệnh đã buộc các quốc gia, nền kinh tế lớn của thế giới và cũng là những thị trường xuất khẩu chính và quan trọng của Việt Nam như: Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản, EU, Hoa Kỳ... phải triển khai hàng loạt biện pháp mạnh để hạn chế virus lây lan như siết chặt xuất, nhập cảnh, hủy hoặc hoãn các sự kiện có sự tham dự đông người dẫn đến việc nhiều hoạt động xúc tiến thương mại đã không thể triển khai như kế hoạch đề ra.
Trước những khó khăn chung của cả nền kinh tế và khó khăn riêng trong việc triển khai các hoạt động XTTM truyền thống, Bộ Công Thương đã đã nhanh chóng và chủ động đổi mới hoạt động XTTM theo hướng triển khai các hình thức XTTM mới trên môi trường số để thay thế các hình thức XTTM truyền thống.
Bộ Công Thương đã sử dụng các ứng dụng công nghệ thông tin, mạng xã hội (facebook, viber, zalo...) để tạo sự kết nối thường xuyên, nhanh chóng giữa hệ thống cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài, hiệp hội ngành hàng, tổ chức XTTM trong nước, doanh nghiệp cung ứng, xuất khẩu, các nhà cung cấp dịch vụ thương mại, xuất khẩu, tổng hợp dữ liệu về thông tin mặt hàng xuất khẩu cung cấp cho các tham tán thương mại Việt Nam tại nước ngoài, cập nhật thông tin về thị trường xuất khẩu từ các cơ quan thương vụ Việt Nam tại nước ngoài cung cấp cho hiệp hội ngành hàng, địa phương, doanh nghiệp.
Thông qua mạng lưới kết nối này, hàng trăm ngàn doanh nghiệp trên khắp cả nước được hỗ trợ tìm kiếm đầu ra cho sản phẩm xuất khẩu.
Trong bối cảnh không thể thực hiện được các hoạt động kết nối giao thương trực tiếp với nước ngoài, từ đầu năm 2020 đến nay, Bộ Công Thương đã chủ trì, phối hợp với các UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương trên cả nước, các cơ quan XTTM nước ngoài và tổ chức trên 500 hội nghị quốc tế trực tuyến với trên 1 triệu phiên giao thương trực tuyến.
Các phiên giao thương này được tổ chức với các đối tác nước ngoài trên khắp 5 châu lục, gồm cả thị trường xuất khẩu lớn như Trung Quốc, Hoa Kỳ, EU, Ấn Độ, Singapore... và nhiều thị trường xuất khẩu ở xa như châu Phi, Úc, Mecosur...
Đặc biệt, tháng 12/2020, lần đầu tiên Bộ Công Thương tổ chức hội chợ Công nghiệp thực phẩm bằng hình thức trực tuyến (Vietnam Food Expo hàng năm được tổ chức trực tiếp) và tổ chức cho doanh nghiệp Việt Nam tham gia hàng chục hội chợ quốc tế trực tuyến.
Hợp tác quốc tế
Trong hoạt động hợp tác song phương và đa phương, Cục XTTM tham gia các hoạt động XTTM, đầu tư và du lịch trong khuôn khổ hoạt động của Trung tâm ASEAN - Nhật Bản (AJC); Trung tâm ASEAN - Hàn Quốc (AKC); phối hợp với cơ quan xúc tiến nhập khẩu Hà Lan (CBI), UNTAC, UNIDO, HKTDC… KOTRA (Hàn Quốc), KOIMA, Business France (Pháp) và một số tổ chức XTTM đồng cấp khác triển khai các hoạt động XTTM và xúc tiến đầu tư.
Đồng thời tham gia các cuộc họp Nhóm công tác và cấp lãnh đạo Diễn đàn Xúc tiến thương mại Châu Á (ATPF) với tư cách là cơ quan XTTM thành viên; tham dự Diễn đàn doanh nghiệp Á-Âu (AEBF) bên lề Hội nghị cấp cao Á-Âu (ASEM) với các sáng kiến do Cục XTTM đưa ra đều được ghi nhận và đánh giá cao.
Đối với hoạt động đàm phán, ký kết, thực hiện các Thỏa thuận hợp tác quốc tế, từ 2016 đến nay, Cục XTTM đã ký kết, tham mưu Lãnh đạo Bộ ký kết 23 MOU cấp Cục, cấp Bộ với các tổ chức quản lý thương mại, XTTM, xuất khẩu, đầu tư trên thế giới như: Hội đồng kinh doanh Hoa Kỳ-ASEAN (USABC); Cơ quan Xúc tiến thương mại và Đầu tư Hàn Quốc (KOTRA); Tổ chức Xúc tiến Ngoại thương Nhật Bản (JETRO); Cơ quan Thương mại và Doanh nghiệp New Zealand (NZTE); Tập đoàn Amazon (Global Selling); Liên minh Doanh nghiệp vừa và Nhỏ Italia; Sở Thương mại Quảng Tây và Vân Nam (Trung Quốc)...
Việc ký kết và thực hiện các Thỏa thuận hợp tác (MOU) với các đối tác nước ngoài đã giúp tăng cường mối quan hệ hợp tác, trao đổi thông tin trong lĩnh vực XTTM với các cơ quan XTTM quốc gia trong khu vực và trên thế giới, tranh thủ được sự hỗ trợ về mặt kỹ thuật, nguồn nhân lực và kinh nghiệm quốc tế của các tổ chức XTTM lớn trên thế giới để qua đó tăng cường các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong công tác XTTM và thúc đẩy xuất khẩu.
Cùng với ứng dụng công nghệ thông tin, thực hiện mô hình xúc tiến thương mại mới kết hợp giữa trực truyến và trực tiếp, việc khai thác các hoạt động hợp tác quốc tế, đã giúp kết nối các nhà cung ứng, doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các nhà nhập khẩu nước ngoài, hệ thống tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài; hỗ trợ doanh nghiệp xuất khẩu vừa tìm kiếm nguồn nguyên liệu ổn định phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu, vừa tiếp cận với tổ chức nhập khẩu nước ngoài, các đầu mối mua hàng tại Việt Nam của các hệ thống phân phối lớn trên thế giới.