Thái Nguyên luôn nằm trong nhóm các tỉnh, thành đứng đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Trong khi khu vực doanh nghiệp Nhà nước tiếp tục phát triển, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới bình quân mỗi năm khoảng 350; kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 13,1%/năm, vượt 4,1% chỉ tiêu Nghị quyết của Đại hội Đảng bộ tỉnh.
GRDP bình quân đầu người đạt 90 triệu đồng/người/năm; hàng năm tạo việc làm tăng thêm bình quân cho 21.500 lao động, đến năm 2020, tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt 70%; tỷ lệ hộ nghèo còn 3,1%, vượt mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX đề ra.
Mới đây, phát biểu chỉ đạo Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, Phó Thủ tướng Phạm Bình Minh cho rằng, với vị trí chiến lược quan trọng, vừa là cửa ngõ và nằm trong vùng Thủ đô Hà Nội, Thái Nguyên có điều kiện để phấn đấu trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030.
Phó Thủ tướng gợi mở tỉnh cần tập trung ưu tiên thu hút các loại hình công nghiệp mũi nhọn, công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ, công nghiệp điện tử, thông tin, chế biến sâu các kim loại quý; liên kết chặt chẽ giữa khu vực đầu tư nước ngoài và khu vực dân doanh, phát triển doanh nghiệp nội địa và nâng cao năng lực tham gia vào chuỗi sản xuất đối với cộng đồng doanh nghiệp trong nước.
Trong xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, quy hoạch và quản lý quy hoạch, Phó Thủ tướng cho rằng cần xác định rõ vai trò, vị trí của Thái Nguyên trong vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc, vùng Thủ đô Hà Nội; tận dụng tốt lợi thế đường vành đai 5 Hà Nội, đường cao tốc Hà Nội-Thái Nguyên, tiếp tục đầu tư kết nối với các tỉnh Việt Bắc, sân bay quốc tế Nội Bài; coi trọng việc liên kết vùng để tạo động lực phát triển, xây dựng Thái Nguyên phát triển nhanh, bền vững, có kết cấu hạ tầng đồng bộ.
Tiếp tục tái cơ cấu ngành nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững; sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao; thực hiện hợp tác liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp, hợp tác xã và nông hộ trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm; giữ vững và nâng cao thương hiệu “trà Thái Nguyên”; xây dựng kết cấu hạ tầng Khu nông nghiệp công nghệ cao tỉnh Thái Nguyên, coi đây là mũi nhọn kinh tế của tỉnh.
Phó Thủ tướng cũng đề nghị Thái Nguyên triển khai đồng bộ các giải pháp đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo, xây dựng Thái Nguyên trở thành trung tâm đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho các tỉnh trong vùng và cả nước.