TÓM TẮT:
Thái Nguyên là một trung tâm kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội quan trọng của vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ. Trong lĩnh vực công nghiệp, Thái Nguyên là địa phương có lịch sử hình thành, phát triển từ sớm với nền tảng là trung tâm luyện kim gang thép lớn của cả nước, hiện nay đây là trung tâm công nghiệp giữ vai trò động lực trong phát triển công nghiệp của vùng. Những năm qua, Thái Nguyên đã chứng minh và khẳng định được vị thế của mình đối với sự phát triển của vùng bằng nhiều thành tựu đạt được trong công nghiệp, nhờ phát huy tốt những lợi thế và khắc phục những khó khăn. Những giải pháp phát triển đột phá trong tương lai sẽ giúp Thái Nguyên tiến nhanh và tiến mạnh trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Từ khóa: Thái Nguyên, trung tâm công nghiệp, công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
1. Đặt vấn đề
Thái Nguyên là một tỉnh thuộc vùng Trung du và miền núi Bắc Bộ (TDMNBB) có nhiều lợi thế so sánh với các địa phương khác của vùng trong phát triển công nghiệp. Có lịch sử phát triển công nghiệp từ sớm, nhờ việc khai thác tốt những thế mạnh cùng với những chuyển biến tích cực trong chính sách phát triển, đặc biệt là thu hút vốn đầu tư nước ngoài, trong những năm qua, ngành Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên có sự phát triển mạnh mẽ. Sự phát triển ấy có đóng góp rất lớn của các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp, trong đó phải nói tới trung tâm công nghiệp (TTCN) Thái Nguyên - một TTCN có ý nghĩa lớn của vùng, cùng với TTCN Việt Trì và Bắc Giang tạo thành tam giác tăng trưởng công nghiệp năng động của TDMNBB.
2. Đối tượng và phương pháp nghiên cứu
Bài viết tập trung nghiên cứu và phân tích thực trạng phát triển TTCN Thái Nguyên trong vai trò và ý nghĩa đối với sự phát triển của vùng TDMNBB; đồng thời đánh giá những kết quả đạt được và hạn chế còn tồn tại, đây sẽ là cơ sở quan trọng cho việc đề ra những giải pháp mang tính đột phá nhằm nâng cao chất lượng và hiệu quả sản xuất công nghiệp (SXCN) của TTCN Thái Nguyên trong thời gian tới.
Bài viết sử dụng nhiều phương pháp nghiên cứu đặc trưng và phù hợp, đảm bảo tính khoa học như: phương pháp thu thập, xử lí và tổng hợp tài liệu; phương pháp phân tích, so sánh, đánh giá tổng hợp; phương pháp chuyên gia.
3. Kết quả nghiên cứu
3.1. Khái niệm trung tâm công nghiệp
Trung tâm công nghiệp là một hình thức tổ chức lãnh thổ ở trình độ cao. Theo A.T. Khơrusôv (1979), tổ chức lãnh thổ công nghiệp được hiểu là hệ thống các mối liên kết không gian của các ngành và các kết hợp sản xuất lãnh thổ khác nhau trên cơ sở sử dụng hợp lí các nguồn tài nguyên thiên nhiên, vật chất, lao động cũng như tiết kiệm chi phí để khắc phục sự không phù hợp đã xuất hiện trong lịch sử về việc phân bố các nguồn nguyên nhiên liệu, năng lượng, nơi sản xuất và nơi tiêu thụ sản phẩm, góp phần đạt hiệu quả kinh tế cao. Tổ chức lãnh thổ công nghiệp là việc bố trí hợp lý các cơ sở SXCN, các cơ sở phục vụ cho hoạt động công nghiệp, các điểm dân cư, cùng kết cấu hạ tầng trên phạm vi một lãnh thổ nhất định, nhằm sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên trong cũng như bên ngoài của lãnh thổ đó. [4]
Khái niệm và đặc trưng cơ bản của TTCN được hình thành trong các nghiên cứu của những trường phái địa lí trên thế giới từ lâu, đặc biệt là trường phái địa lí Xô Viết. Ở Việt Nam, TTCN là khu vực tập trung công nghiệp gắn liền với các đô thị vừa và lớn. Mỗi TTCN có thể gồm một số khu công nghiệp, cụm công nghiệp, với những xí nghiệp hạt nhân có sức thu hút các lãnh thổ lân cận và các xí nghiệp bổ trợ. Các hạt nhân thường là cơ sở cho việc hình thành TTCN. [4]
3.2. Thái Nguyên trong vai trò là một TTCN quan trọng của vùng TDMNBB
3.2.1. Quy mô phát triển ngành Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên
Trong những năm qua, ngành Công nghiệp của tỉnh Thái Nguyên có sự phát triển rất nhanh chóng. Quy mô SXCN ngày càng lớn thể hiện qua sự tăng trưởng nhanh giá trị SXCN qua các năm, từ 24.902,2 tỷ đồng vào năm 2010, đến năm 2016 đạt tới 527.109,6 tỷ đồng. Như vậy, giai đoạn 2010 - 2016, giá trị SXCN của tỉnh đã tăng gấp 21,2 lần. Giá trị SXCN tăng lên đột biến vào năm 2014 (đạt 208.235,9 tỷ đồng) do Tổ hợp Công nghệ cao của Tập đoàn Samsung đầu tư xây dựng với quy mô lớn tại Thái Nguyên đi và hoạt động ổn định và cho sản xuất có giá trị xuất khẩu, đóng góp phần lớn vào giá trị SXCN chung toàn tỉnh. Điều đó cho thấy, vai trò của các dự án FDI vào lĩnh vực công nghiệp điện tử - tin học thời gian gần đây đã làm thay đổi lớn nền công nghiệp của Thái Nguyên. [3]
Ngành Công nghiệp tỉnh Thái Nguyên luôn giữ vai trò quan trọng đối với sự phát triển công nghiệp của vùng và cả nước. Năm 2010, giá trị SXCN của tỉnh đạt 24.902,2 tỉ đồng, chiếm 15% giá trị SXCN của vùng TDMNBB, đứng đầu trong toàn vùng (không tính Quảng Ninh) và chiếm 0,8% cả nước, đứng thứ 19/ 63 tỉnh và thành phố, tuy nhiên vẫn có khoảng cách khá xa so với những tỉnh có thế mạnh về công nghiệp trên cả nước, nhất là vùng đồng bằng sông Hồng và Đông Nam bộ. Đến năm 2016, giá trị SXCN của tỉnh đã chiếm tới 75% giá trị SXCN của vùng TDMNBB, tiếp tục đứng đầu toàn vùng và đứng thứ 5 trên cả nước, chỉ sau TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương, Bắc Ninh, Đồng Nai, thậm chí vượt trên cả Hà Nội (524 nghìn tỉ đồng).
Tính theo giá so sánh năm 2010, vào năm 2016, giá trị SXCN của Thái Nguyên vẫn đứng đầu trên tổng số 14 tỉnh thuộc vùng TDMNBB với 477.485 tỉ đồng, gấp gần 8 lần so với Bắc Giang ở vị trí thứ 2 (60.314 tỉ đồng). So với Hà Nội, Thái Nguyên đứng ở vị trí thứ 2, sau Bắc Ninh (645.580 tỉ đồng). [3]
Những con số trên đã cho thấy sự phát triển mạnh mẽ của công nghiệp Thái Nguyên trong những năm qua và khẳng định vị trí rất quan trọng của tỉnh trong nền công nghiệp của vùng TDMNBB nói riêng, cả nước nói chung.
3.2.2. Sự phát triển của TTCN Thái Nguyên
Với lịch sử hình thành và phát triển công nghiệp từ sớm, hạt nhân là Khu Gang thép Thái Nguyên, TTCN Thái Nguyên luôn khẳng định được vị trí và vai trò của mình đối với sự phát triển ngành Công nghiệp của vùng, cùng với TTCN Việt Trì, Bắc Giang tạo thành tam giác tăng trưởng công nghiệp nói riêng và kinh tế nói chung của TDMNBB.
Bảng 1. Giá trị SXCN và cơ cấu giá trị SXCN tỉnh Thái Nguyên (theo giá hiện hành) phân theo huyện/TP/Thị xã (TX) giai đoạn 2010 - 2016
Năm | 2010 | 2015 | 2016 | |||
Đơn vị | Tỉ đồng | % | Tỉ đồng | % | Tỉ đồng | % |
Tống số | 24.902,2 | 100,0 | 422.877,3 | 100,0 | 527.109,6 | 100,0 |
TP. Thái Nguyên | 17.404,8 | 69,9 | 20.950,0 | 5,0 | 23.192,8 | 4,0 |
TP. Sông Công | 2.830,3 | 11,4 | 4.305,7 | 1,0 | 4.744,0 | 1,0 |
TX. Phổ Yên | 2.164,4 | 8,7 | 385.214,8 | 91,0 | 482.832,4 | 90,5 |
Huyện Định Hóa | 116,5 | 0,4 | 164,1 | 0,04 | 210,8 | 0,05 |
Huyện Võ Nhai | 504,0 | 2,0 | 668,8 | 0,16 | 527,1 | 0,1 |
Huyện Phú Lương | 800,7 | 3,2 | 919,9 | 0,2 | 1.054,2 | 0,05 |
Huyện Đồng Hỷ | 415,0 | 1,7 | 1.568,0 | 0,4 | 1.581,3 | 0,2 |
Huyện Đại Từ | 395,5 | 1,6 | 6.140,4 | 1,5 | 8.433,8 | 1,6 |
Huyện Phú Bình | 271,0 | 1,1 | 2.945,6 | 0,7 | 4.533,2 | 2,5 |
Nguồn: [3]
Sự phân hóa trong điều kiện phát triển sản xuất đã tạo nên sự phân hóa trong phát triển ngành Công nghiệp giữa các địa phương. Việc hình thành và phát triển các TTCN gắn liền với sự phát triển của các hạt nhân trung tâm, thường là các đô thị. Với những lợi thế sẵn có, trong nhiều năm liền, thành phố luôn chứng minh được vai trò là một TTCN của tỉnh.
Giá trị SXCN của TP. Thái Nguyên ngày càng có xu hướng tăng lên, năm 2010, giá trị SXCN là 17.404,8 tỉ đồng, tăng lên 23.192,8 tỉ đồng vào năm 2016. Trước năm 2014, TP. Thái Nguyên luôn là địa phương dẫn đầu toàn tỉnh về giá trị sản xuất, chiếm từ 50% đến 60% trong cơ cấu giá trị sản xuất tỉnh Thái Nguyên. Tuy nhiên, từ năm 2014, do sự thay đổi cơ cấu ngành Công nghiệp của tỉnh đã làm cho cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ thay đổi mạnh mẽ, ngành Công nghiệp điện tử - tin học chiếm ưu thế với nhiều dự án đầu tư nước ngoài, đặc biệt là dự án Tổ hợp Công nghệ cao Samsung tại TX Phổ Yên đã làm cho giá trị SXCN của TP. Thái Nguyên bị giảm tỉ trọng nhanh chóng, và thay vào đó là sự tăng lên của TX Phổ Yên. Năm 2016, TP. Thái Nguyên chỉ chiếm 4% giá trị SXCN toàn tỉnh theo giá hiện hành, trong khi TX. Phổ Yên chiếm tới 90,5%.
Hiện nay, sự phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên có sự tham gia của các thành phần kinh tế Nhà nước, ngoài Nhà nước và khu vực có vốn đầu tư nước ngoài. Đối với TP. Thái Nguyên, trong lĩnh vực SXCN, khu vực kinh tế Nhà nước luôn giữ vai trò chủ đạo, năm 2016, giá trị sản xuất đạt 10.852,4 tỉ đồng, chiếm 51,4% giá trị sản xuất toàn ngành. Các dự án được xây dựng và phát triển trên địa bàn TP. Thái Nguyên chủ yếu do các doanh nghiệp Nhà nước quản lí như Công ty Gang thép Thái Nguyên, Công ty Luyện kim màu Thái Nguyên và nhiều cơ sở liên doanh sản xuất thép và kim loại màu khác. Xu hướng đẩy mạnh hoạt động thu hút vốn đầu tư nước ngoài cùng nhiều dự án lớn; chuyển dịch cơ cấu ngành Công nghiệp hiện nay và trong tương lai chắc chắn sẽ ảnh hưởng lớn đến tỉ trọng của TTCN TP. Thái Nguyên trong cơ cấu công nghiệp của tỉnh.
Khẳng định vị thế TTCN của tỉnh, hội tụ nhiều điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của ngành Công nghiệp, TP. Thái Nguyên là nơi có số lượng lớn các cơ sở SXCN trên địa bàn tỉnh với 1.326 cơ sở, chiếm 12%, các cơ sở tập trung với mật độ cao, trung bình 7,8 cơ sở/km2, cao gấp 2,5 lần so với trung bình toàn tỉnh (3,1 cơ sở/km2) vào năm 2016. [3]
Quy mô dân số đông của TP. Thái Nguyên đã tạo ra một lực lượng lao động dồi dào phục vụ cho các ngành SXCN, chất lượng lao động tương đối cao so với nhiều địa phương khác bởi đây là trung tâm giáo dục đào tạo lớn không chỉ của Thái Nguyên mà còn có ý nghĩa vùng với nhiều hình thức đào tạo nghề phong phú và đa dạng. Không những thế, chất lượng cuộc sống cao cùng với sức hút về thu nhập trong lĩnh vực công nghiệp, TP. Thái Nguyên còn thu hút một bộ phận không nhỏ lực lượng lao động từ những địa phương khác thuộc vùng TDMNBB. Năm 2016, tổng số lao động trong lĩnh vực công nghiệp là 39.693 người, chiếm 25,1% toàn tỉnh. Lực lượng lao động chủ yếu tập trung trong các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trang phục, sản xuất kim loại và sản xuất sản phẩm điện tử, máy tính - đây cũng là những ngành Công nghiệp thế mạnh nổi bật của TTCN Thái Nguyên. [3]
Những ngành Công nghiệp thế mạnh của TTCN Thái Nguyên phát triển dựa trên nhiều điều kiện thuận lợi của địa phương như công nghiệp sản xuất kim loại, sản xuất hàng tiêu dùng, chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất điện nước đã tạo nên nhiều sản phẩm có sản lượng lớn và chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ cả trong và ngoài nước. Các sản phẩm công nghiệp chủ yếu của TTCN Thái Nguyên bao gồm: thép cán các loại, thiếc thỏi, quần áo, chè chế biến, giấy bìa. Nhìn chung sản lượng các sản phẩm công nghiệp này có xu hướng tăng lên nhờ mở rộng quy mô sản xuất và tìm được chỗ đứng trên thị trường.
Trong suốt quá trình hình thành và phát triển ngành Công nghiệp của tỉnh, với truyền thống và thế mạnh SXCN, TP. Thái Nguyên luôn đóng vai trò là một TTCN không chỉ đối với Thái Nguyên, mà còn có ý nghĩa với vùng TDMNBB. Tuy nhiên, trong vài năm trở lại đây, sự thay đổi mạnh mẽ trong cơ cấu ngành Công nghiệp đã kéo theo sự thay đổi về cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ, hoạt động sản xuất và mức độ tập trung công nghiệp dần chuyển dịch xuống phía Nam, hiện nay đang hình thành một TTCN quan trọng của tỉnh đó là TX. Phổ Yên gắn liền với ngành công nghiệp điện tử, tin học. Trong tương lai, đây sẽ là TTCN lớn của Thái Nguyên, khi TP. Thái Nguyên đang có xu hướng phát triển mạnh về dịch vụ và đô thị. Đây chính là một nét nổi bật trong đặc điểm phát triển công nghiệp của tỉnh nói chung và sự chuyển dịch cơ cấu công nghiệp theo lãnh thổ nói riêng.
Năm 2010, giá trị SXCN theo giá so sánh của TP. Thái Nguyên chiếm tới 69,9%, đứng đầu toàn tỉnh, TX. Phổ Yên chỉ chiếm 8,7%, đứng thứ ba sau TP. Thái Nguyên và TP. Sông Công. Tuy nhiên, đến năm 2016 đã chứng kiến sự thay đổi rất lớn, TX. Phổ Yên vươn lên mạnh mẽ, chiếm tới 90,5% giá trị sản xuất toàn tỉnh, trong khi TP. Thái Nguyên chỉ chiếm 4%. [3]
Bảng 2. So sánh tình hình phát triển SXCN TP. Thái Nguyên và TX. Phổ Yên
Tiêu chí | Năm 2010 | Năm 2016 | ||
Địa phương | TP. Thái Nguyên | TX. Phổ Yên | TP. Thái Nguyên | TX. Phổ Yên |
Giá trị SXCN theo giá hiện hành (tỉ đồng) % so với toàn tỉnh |
17.404,8 69,9 |
2.164,4 8,7 |
23.192,8 4,0 |
482.832,4 90,5 |
Số cơ sở sản xuất công nghiệp (cơ sở) | 1.320 | 2.106 | 1.326 | 1.826 |
Số lao động trong lĩnh vực công nghiệp (người) | 28.775 | 15.695 | 39.693 | 94.982 |
Nguồn: [1 - 2]
Không chỉ giá trị SXCN, TX. Phổ Yên còn chứng minh được vai trò trung tâm SXCN của mình qua số cơ sở sản xuất và lao động trong ngành công nghiệp. Năm 2016, trên địa bàn TX. Phổ Yên có 1.826 cơ sở sản xuất, gấp 1,4 lần TP. Thái Nguyên (1.326 cơ sở). Những năm gần đây, sự hình thành và phát triển của các cụm công nghiệp, khu công nghiệp thu hút được nhiều dự án đầu tư nước ngoài ở một số địa phương như Phổ Yên, Phú Bình đã làm thay đổi sự phân bố của lực lượng lao động, xu hướng dịch chuyển và tập trung với số lượng lớn xuống phía Nam lãnh thổ. Năm 2010, tổng số lao động trong ngành Công nghiệp của TP. Thái Nguyên là 28.775 người, gấp 1,8 lần TX. Phổ Yên với 15.695 người, tuy nhiên đến năm 2016, lao động công nghiệp tại TX. Phổ Yên lên tới 94.982 người, chiếm 60,0% toàn tỉnh, gấp 2,4 lần TP. Thái Nguyên với 39.693 người. [1 - 2]
Cơ cấu ngành thay đổi dẫn đến sự thay đổi cơ cấu lãnh thổ và cùng với đó là cơ cấu thành phần kinh tế. Điều này đã tạo nên sự khác biệt giữa TP. Thái Nguyên và TX. Phổ Yên. Đối với TP. Thái Nguyên, Khu vực Nhà nước hiện nay đang chiếm tỉ trọng lớn nhất với 52,2% trong tổng giá trị sản xuất; trong khi đó, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài chiếm tới 98,9% tại TX. Phổ Yên, khu vực Nhà nước chỉ chiếm 0,3%. Điều này được lí giải bởi những chính sách ưu đãi và thu hút mạnh nguồn vốn đầu tư nước ngoài của TX. Phổ Yên với các dự án lớn liên quan tới ngành Công nghiệp điện tử - tin học, đặc biệt là Tổ hợp Công nghệ cao Samsung và các dự án sản xuất thiết bị hỗ trợ, linh phụ kiện trên địa bàn.
Bên cạnh đó là những sản phẩm công nghiệp thế mạnh của địa phương như: công nghiệp cơ khí, hóa chất, vật liệu xây dựng, chế biến lương thực thực phẩm. Quỹ đất dành cho phát triển công nghiệp của TX. Phổ Yên còn khá lớn so với địa phương khác, trong khi TP. Thái Nguyên tập trung phát triển khu vực dịch vụ, là nơi tập trung đông dân với quá trình đô thị hóa đang diễn ra mạnh, đây sẽ là điều kiện để Phổ Yên tiếp tục chứng minh và khẳng định vai trò là TTCN lớn thay thế cho TP. Thái Nguyên.
3.3. Đánh giá thực trạng phát triển của TTCN
3.3.1. Kết quả đạt được
TTCN là địa bàn tập trung phát triển công nghiệp ở mức độ cao của tỉnh. Trong những năm qua, quy mô giá trị sản xuất ngày càng có xu hướng tăng lên nhanh chóng, chiếm tỉ trọng cao trong tổng giá trị sản xuất toàn ngành Công nghiệp, qua đó khẳng định vị trí rất quan trọng đối với nền công nghiệp tỉnh Thái Nguyên. Không chỉ có vậy, các TTCN còn chứng minh được vai trò động lực của mình đối với công nghiệp vùng TDMNBB.
Các TTCN đã hình thành cơ cấu ngành đa dạng dựa trên những thế mạnh sẵn có của địa phương kết hợp với những thay đổi tích cực trong cơ chế chính sách. Cơ cấu ngành đa dạng đã tạo nên sự đa dạng trong cơ cấu sản phẩm đáp ứng nhu cầu của thị trường, nhiều sản phẩm có chất lượng cao cho giá trị xuất khẩu.
Các TTCN đã và đang thúc đẩy phát triển công nghiệp theo chiều sâu, đầu tư vốn, nghiên cứu, chuyển giao và ứng dụng công nghệ hiện đại trong sản xuất, hướng tới một nền công nghiệp xanh với năng suất và hiệu quả cao, thân thiện với môi trường.
Việc phát triển công nghiệp gắn liền với sự hình thành và phát triển các khu dịch vụ đô thị. Thực hiện tốt, hài hòa mối quan hệ giữa quá trình công nghiệp hóa và đô thị hóa.
Về cơ bản sự phát triển công nghiệp tại các TTCN đảm bảo được các vấn đề môi trường với việc sử dụng các hệ thống xử lí chất thải tại các nhà máy, xí nghiệp. Đưa ra khỏi khu vực đô thị, khu dân cư những cơ sở sản xuất có khả năng gây ô nhiễm môi trường.
Các hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp trong TTCN phát triển tương đối hiệu quả và đang có sự chuyển dịch về cơ cấu lãnh thổ cho phù hợp với sự phát triển và điều kiện thực tế của địa phương.
Các TTCN đã thu hút được nhiều nguồn vốn, dự án đầu tư trong và ngoài nước, đặc biệt là vốn đầu tư nước ngoài, là cơ sở để tiến hành hoạt động sản xuất với quy mô lớn, mang lại hiệu quả kinh tế - xã hội cao.
Sự phát triển mạnh mẽ của các TTCN thời gian vừa qua đã tạo ra khối lượng việc làm lớn cho người lao động trong và ngoài tỉnh với mức thu nhập tương đối cao, ổn định, góp phần nâng cao chất lượng cuộc sống cho công nhân và người lao động. [5]
3.3.2. Những vấn đề còn tồn tại
Sự tăng trưởng của các TTCN chủ yếu theo chiều rộng, việc tăng trưởng theo chiều sâu thực hiện còn chậm và chưa thực sự hiệu quả.
Công nghiệp phụ trợ hiện nay còn chậm phát triển, tỉ lệ nội địa hóa các sản phẩm tương đối thấp. Phần lớn các ngành còn nhập khẩu nhiều trang thiết bị, linh kiện, phụ kiện từ nước ngoài. Trong các dự án đầu tư FDI, phần lớn giá trị tạo ra vẫn thuộc về các doanh nghiệp, công ty, tập đoàn nước ngoài. Quy mô sản xuất của các doanh nghiệp trong nước và địa phương còn nhỏ bé.
Sự phát triển của các TTCN thường gắn liền với các đô thị, nên sự phát triển nhanh chóng của ngành Công nghiệp cùng với những tồn tại trong quy hoạch phát triển đô thị sẽ tạo ra sức ép đối với cơ sở hạ tầng, ảnh hưởng đến khả năng đáp ứng yêu cầu phát triển của các ngành Công nghiệp trong bối cảnh mới.
Lực lượng lao động dồi dào, đáp ứng yêu cầu về số lượng cho các doanh nghiệp, song chủ yếu là lao động phổ thông, tỉ lệ lao động qua đào tạo thấp, phần lớn lao động thực hiện những khâu đơn giản trong dây chuyền sản xuất như gia công, lắp ráp nên giá trị tạo ra thấp, năng suất lao động chưa cao.
Sự phát triển nhanh chóng của các TTCN với nhiều hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp khác đã tạo sức ép không nhỏ đối với môi trường, khi có nhiều nhà máy, xí nghiệp chưa có hệ thống xử lí chất thải hoàn thiện và hoạt động có hiệu quả.
Việc thu hút FDI trong SXCN mang lại hiệu quả cao về kinh tế xã hội. Song do phụ thuộc nhiều vào trang thiết bị, linh kiện nhập khẩu, vốn đầu tư, lao động kỹ thuật nên trước những biến đổi của điều kiện phát triển, bối cảnh kinh tế trong khu vực và trên thế giới nên nền công nghiệp địa phương rất dễ phải đối mặt với những rủi ro khi thị trường đầu tư có sự thay đổi. [5]
4. Kết luận
Với việc phát huy tốt những lợi thế của địa phương, tranh thủ những cơ hội do xu thế hội nhập mang lại, TTCN Thái Nguyên đã khẳng định vị trí của mình đối với sự phát triển công nghiệp nói riêng và kinh tế - xã hội của tỉnh nói chung. Không những thế, TTCN Thái Nguyên còn chứng minh được vai trò và ý nghĩa quan trọng của mình với sự phát triển của vùng TDMNBB. Đây là một hình thức tổ chức lãnh thổ công nghiệp chất lượng, hoạt động có hiệu quả, cần được tiếp tục thúc đẩy phát triển mạnh mẽ trong thời gian tới bằng những giải pháp tích cực, hiệu quả và mang tính đột phán.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
[1]. Chi cục Thống kê TP. Thái Nguyên (2017), Niên giám thống kê TP. Thái Nguyên năm 2016, NXB Thống kê Thái Nguyên.
[2]. Chi cục Thống kê TX Phổ Yên (2017), Niên giám thống kê TX Phổ Yên năm 2016, NXB Thống kê Thái Nguyên.
[3]. Cục Thống kê tỉnh Thái Nguyên (2017), Niên giám thống kê tỉnh Thái Nguyên năm 2016, NXB Thống kê Thái Nguyên.
[4]. Lê Thông, Nguyễn Minh Tuệ (2000), Tổ chức lãnh thổ công nghiệp Việt Nam, NXB Giáo dục, Hà Nội.
[5]. Ủy ban nhân dân tỉnh Thái Nguyên (2016), Quy hoạch phát triển công nghiệp tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2016 - 2025, tầm nhìn 2030.
THAI NGUYEN - THE IMPORTANT INDUSTRIAL CENTER
OF THE NORTHERN MIDLAND AND MOUNTAINOUS REGION
● MA. NGHIEM VAN LONG
Department of Geography, Thai Nguyen University of Education,
Thai Nguyen University
ABSTRACT:
Thai Nguyen is an important economic, political, cultural and social center of the Northern midland and mountainous region. In terms of industry, Thai Nguyen is a locality with a history early establishment and development with the foundation of a large iron and steel metallurgy center of the country. Now it is an industrial center which plays a motivating role in industrial development of the region. Over the years, Thai Nguyen has proved and affirmed its position in the region's development with many achievements in industry, thanks to utilizing of advantages and overcoming difficulties. Breakthrough development solutions in the future will help Thai Nguyen continue to affirm its position, fast and strongly on the path of industrialization - modernization.
Keywords: Thai Nguyen, industrial center, industrialization, modernization.