TÓM TẮT:
Với vai trò là một trong những biện pháp bảo toàn tài sản doanh nghiệp trong vụ việc phá sản, việc tuyên bố giao dịch vô hiệu mang ý nghĩa nhất định, có thể ảnh hưởng đến kết quả của tiến trình thủ tục phá sản. Chính vì vậy, nhận thức đúng đắn về vấn đề này theo Luật Phá sản 2014 sẽ góp phần giúp cho các chủ thể liên quan đến vụ việc phá sản (chủ nợ, doanh nghiệp, hợp tác xã mắc nợ, người lao động) bảo vệ một cách tốt nhất quyền và lợp ích hợp pháp của mình. Thông qua việc phân tích các quy định pháp luật về Tuyên bố giao dịch vô hiệu thuộc chế định “Các biện pháp bảo toàn tài sản” trong Luật Phá sản 2014, bài viết đưa ra một số nhận định về những điểm tiến bộ và hạn chế của vấn đề này so với các đạo luật trước đây và đưa ra quan điểm về tính khả thi của những quy định trên.
Từ khóa: Bảo toàn tài sản, chủ nợ, giao dịch vô hiệu, phá sản.
1. Đặt vấn đề
Trong nền kinh tế thị trường, phá sản là hiện tượng tồn tại tất yếu. Các quốc gia lựa chọn phát triển nền kinh tế thị trường đều xây dựng thể chế pháp lý cho hiện tượng này nhằm định hướng cách thức xử lý hiện tượng đó theo ý chí của Nhà nước, không phụ thuộc vào hướng giải quyết hay quan điểm của chủ thể có quyền và lợi ích liên quan nào. Với tính chất là hiện tượng “đòi nợ tập thể”, thủ tục phá sản trở nên phức tạp hơn rất nhiều so với việc giải quyết các vụ kiện đòi nợ thông thường trong việc đảm bảo lợi ích của các bên liên quan. Để hài hòa được các nhóm lợi ích đó, việc bảo toàn tài sản của doanh nghiệp mắc nợ là một trong những yếu tố mấu chốt giúp gia tăng tính khả thi đối với những quyết định trong quá trình giải quyết phá sản. Thông qua việc phân tích các quy định pháp luật về Tuyên bố giao dịch vô hiệu thuộc chế định “Các biện pháp bảo toàn tài sản” trong Luật Phá sản 2014, bài viết đưa ra một số nhận định về những điểm tiến bộ và hạn chế của vấn đề này so với các đạo luật trước đây và đưa ra quan điểm về tính khả thi của những quy định trên.
2. Mục đích của việc tuyên bố giao dịch vô hiệu
Thủ tục phá sản cho dù khách quan, phù hợp đến đâu vẫn sẽ không mang lại hiệu quả đích thực nếu tài sản của doanh nghiệp khi được thanh lý không còn hoặc không đủ để trả nợ. Với mục tiêu tối đa hóa giá trị tài sản còn lại của doanh nghiệp mắc nợ và thanh toán tài sản công bằng giữa các chủ nợ, Luật Phá sản được hình thành nhằm mục đích giúp cho các chủ nợ đòi nợ từ doanh nghiệp mắc nợ, thông qua vai trò của một thiết chế nhà nước có thẩm quyền (có thể là tòa án hoặc một cơ quan nhà nước đặc biệt) để đòi nợ tập thể([1]). Chính vì vậy, hoạt động bảo toàn tài sản cần được xem xét nghiêm túc không chỉ bởi các cơ quan có thẩm quyền thụ lý giải quyết mà bản thân doanh nghiệp mắc nợ, các chủ nợ cũng cần dành sự quan tâm thích đáng nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của mình trong quá trình giải quyết phá sản.
Một số trường hợp thực tiễn, trong quá trình giải quyết phá sản, nhiều chủ nợ tham gia mang tính chất “bất đắc dĩ”, hình thức vì thực tế các khoản nợ đó đã được xem như “khó đòi” do không có niềm tin về khả năng thu hồi. Từ đó, các chủ nợ dường như không quan tâm nhiều đến hoạt động bảo toàn tài sản, những vấn đề pháp lý liên quan dẫn đến các doanh nghiệp mắc nợ lợi dụng sự mất cảnh giác đó để tẩu tán tài sản. Do vậy, nhận thức đúng đắn về mục đích của các biện pháp bảo toàn tài sản nói chung và vấn đề về “tuyên bố giao dịch vô hiệu” sẽ giúp cho quyền và lợi ích của các chủ thể liên quan đến hoạt động phá sản có thể được bảo vệ tốt nhất.
Thực hiện các biện pháp bảo toàn tài sản cho doanh nghiệp đang trên bờ vực phá sản là hoạt động không dễ dàng khi một bên là đại diện cho quyền lợi của một hoặc một số chủ sở hữu của doanh nghiệp mong muốn tẩu tán tài sản thông qua giao dịch hợp pháp, còn một bên là mong muốn bảo toàn khối tài sản đó để phần nào thu hồi lại khoản nợ, khoản đầu tư của mình. So với các phiên bản trước đây, Luật Phá sản 2014 đã có những ghi nhận mang tính chặt chẽ và phù hợp thực tiễn hơn.
3. Một số điểm nội dung liên quan đến vấn đề tuyên bố giao dịch vô hiệu theo Luật Phá sản 2014
Trong quá trình giải quyết phá sản, doanh nghiệp mất khả năng thanh toán (doanh nghiệp mắc nợ) vẫn có thể tiến hành xác lập giao dịch với các chủ thể khác với sự giám sát của quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản. Tuy nhiên, nếu những giao dịch đó có nguy cơ làm sụt giảm giá trị tài sản của doanh nghiệp mắc nợ hoặc có dấu hiệu tẩu tán tài sản, làm ảnh hưởng đến khả năng thu hồi nợ, thu hồi khoản đầu tư của các chủ thể có liên quan thì nhất thiết phải có sự can thiệp kịp thời.
Luật Phá sản doanh nghiệp 1993 chưa dành sự quan tâm phù hợp đối với vấn đề này khi chỉ đưa ra một số quy định khá chung chung như: Thẩm phán có quyền “Ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trong trường hợp cần thiết theo quy định của pháp luật để bảo toàn tài sản của doanh nghiệp mắc nợ” (điểm a, khoản 1 Điều 16) mà chưa có những quy định rõ ràng, cụ thể các biện pháp đó là gì. Cho đến khi Luật Phá sản 2004 ra đời, những vấn đề về các biện pháp bảo toàn tài sản của doanh nghiệp mắc nợ mới chính thức được ghi nhận tương đối đầy đủ, trong đó đáng chú ý là những quy định về giao dịch vô hiệu. Tuy nhiên, so với Luật Phá sản 2004, Luật Phá sản 2014 có sự tiếp cận vấn đề này mang tính toàn diện hơn, thể hiện thông qua bảng 1:
Bảng 1. So sánh Luật Phá sản 2004 và Luật Phá sản 2014
TT |
Tiêu chí |
Luật Phá sản 2004 (Điều 43, 44) |
Luật Phá sản 2014 (Điều 59, 60) |
1 |
Loại giao dịch |
Tặng cho động sản và bất động sản cho người khác. |
Tặng cho tài sản |
Thanh toán hợp đồng song vụ trong đó phần nghĩa vụ của doanh nghiệp, hợp tác xã rõ ràng là lớn hơn phần nghĩa vụ của bên kia. |
Thanh toán hoặc bù trừ có lợi cho một chủ nợ đối với khoản nợ chưa đến hạn hoặc với số tiền lớn hơn khoản nợ đến hạn. |
||
Thanh toán các khoản nợ chưa đến hạn. |
|||
Thực hiện việc thế chấp, cầm cố tài sản đối với các khoản nợ. |
Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. |
||
|
Giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã. |
||
|
Giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường. |
||
Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. |
Giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. |
||
2 |
Thời hạn giao dịch được xác lập |
3 tháng trước ngày Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản. |
6 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản. |
18 tháng trước ngày Tòa án nhân dân ra quyết định mở thủ tục phá sản trong trường hợp chủ thể xác lập giao dịch là người có liên quan của doanh nghiệp mắc nợ. |
|||
3 |
Chủ thể yêu cầu |
Chủ nợ không có bảo đảm, Tổ quản lý, thanh lý tài sản. |
Quản tài viên, doanh nghiệp quản lý, thanh lý tài sản; người tham gia thủ tục phá sản (gồm: chủ nợ; người lao động; doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán; cổ đông, nhóm cổ đông; thành viên hợp tác xã hoặc hợp tác xã thành viên của liên hiệp hợp tác xã; người mắc nợ của doanh nghiệp, hợp tác xã và những người khác có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong quá trình giải quyết phá sản). |
4 |
Cơ quan giải quyết |
Tòa án |
Tòa án |
Dựa vào Bảng 1, có thể thấy những điều chỉnh đáng kể của Luật Phá sản 2014 về vấn đề này, cụ thể:
Thứ nhất, sự đa dạng, khái quát hơn về việc xác định các loại giao dịch có khả năng bị tuyên bố vô hiệu. Bên cạnh sự chuẩn xác trong việc diễn đạt lại một số loại giao dịch mang tính khái quát hơn, việc dự liệu thêm các tình huống khác (như giao dịch ngoài mục đích hoạt động kinh doanh; giao dịch liên quan đến chuyển nhượng tài sản không theo giá thị trường) là những điều chỉnh hợp lý nhằm bảo vệ quyền lợi hơn cho các chủ thể có liên quan.
Thứ hai, việc giới hạn thời gian của giao dịch được xác lập. Nếu Luật Phá sản 2004 chỉ đưa ra một khoảng thời gian là 3 tháng và lựa chọn mốc thời điểm khi Tòa án thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản, thì Luật Phá sản 2014 lại mở rộng thời gian đó thành 6 tháng hoặc 18 tháng tùy từng chủ thể xác lập giao dịch và dùng mốc thời điểm là tính từ lúc Tòa án ra quyết định mở thủ tục phá sản. Sự ghi nhận này mở rộng phạm vi can thiệp của pháp luật phá sản đến những giao dịch có nguy cơ bị tuyên bố vô hiệu nhằm bảo toàn tốt nhất tài sản của doanh nghiệp mắc nợ, bảo vệ quyền và lợi ích cho các chủ thể liên quan. Ngoài ra, Luật Phá sản 2014 còn dành khoản 3 Điều 59 nhằm giải thích những trường hợp được xem là “người có liên quan” khi xác lập các giao dịch này. Đặc biệt, trong những trường hợp công ty con của một tập đoàn kinh tế rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán và bị áp dụng thủ tục phá sản, các chủ thể liên quan đến tập đoàn thường có xu hướng “khắc phục”, “hợp thức hóa” những giao dịch có nguy cơ bị thiệt hại khi tuyên bố phá sản. Do đó, quy định về việc kéo dài thời gian lên đến 18 tháng như trên là rất phù hợp. Tất cả những điều chỉnh này đều cho thấy sự cố gắng của nhà làm luật trong việc hoàn thiện chế định bảo toàn tài sản của doanh nghiệp mắc nợ trong quá trình giải quyết phá sản.
Thứ ba, việc mở rộng chủ thể có quyền yêu cầu. Không còn giới hạn chỉ là các chủ nợ không bảo đảm, Tổ quản lý thanh lý tài sản, Luật Phá sản 2014 trao cơ hội yêu cầu Tòa án tuyên bố giao dịch cho khá nhiều chủ thể, đặc biệt là sự mở rộng của khái niệm “người tham gia thủ tục phá sản”. Sự mở rộng này cho thấy nhà làm luật mong muốn sự can thiệp, hỗ trợ từ tất cả các chủ thể có quyền và lợi ích liên quan đến tình trạng phá sản của doanh nghiệp mắc nợ. Việc trao cơ hội cho các chủ thể này đồng thời cũng là sự nhắc nhở cho họ trong việc thực hiện các quyền hạn mà pháp luật cho phép để bảo vệ chính mình.
Ngoài ra, một quy định khác không kém phần quan trọng về những giao dịch bị cấm và có thể bị tuyên bố vô hiệu nếu xác lập sau khi có quyết định mở thủ tục phá sản (theo Điều 48 Luật Phá sản 2014), bao gồm: (i) Cất giấu, tẩu tán, tặng cho tài sản; (ii) Thanh toán khoản nợ không có bảo đảm, trừ khoản nợ không có bảo đảm phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản và trả lương cho người lao động trong doanh nghiệp, hợp tác xã; (iii) Từ bỏ quyền đòi nợ; (iv) Chuyển khoản nợ không có bảo đảm thành nợ có bảo đảm hoặc có bảo đảm một phần bằng tài sản của doanh nghiệp, hợp tác xã. Tương tự như những quy định trên, sự ghi nhận này trong Luật Phá sản 2014 cũng nhằm bảo về lợi ích cho các chủ nợ khác trong diễn biến doanh nghiệp có hoạt động nhằm làm sụt giảm giá trị của tài sản. Tuy vậy, theo quy định tại Điều 43, thời hạn để tòa án gửi quyết định mở thủ tục phá sản cho doanh nghiệp và chủ nợ cũng như đăng trên Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia, Cổng thông tin điện tử của tòa án và báo địa phương - nơi doanh nghiệp có trụ sở chính - là 3 ngày làm việc kể từ ngày tòa án ra quyết định. Rủi ro đặt ra ở đây là dù tòa án đã ra quyết định mở thủ tục phá sản nhưng do các bên chưa biết được quyết định này nên vẫn thực hiện việc thanh toán khoản nợ và do đó, giao dịch thanh toán này có khả năng bị tuyên vô hiệu([2]).
Như vậy, thông qua những điều chỉnh rất căn bản về vấn đề tuyên bố giao dịch vô hiệu trong quá trình giải quyết phá sản, Luật Phá sản 2014 đặt kỳ vọng có thể bảo toàn được tài sản của doanh nghiệp mắc nợ một cách trọn vẹn nhất, qua đó bảo vệ cho những nhóm lợi ích có khả năng bị ảnh hưởng bởi sự gia tăng hay sụt giảm tài sản của doanh nghiệp mắc nợ. Tuy nhiên, cũng giống như Luật Phá sản 2004, lần điều chỉnh này Luật Phá sản 2014 vẫn chọn giải pháp an toàn cho việc ghi nhận thêm tình huống “chung chung” đối với giao dịch khác với mục đích tẩu tán tài sản. Đây rõ ràng vẫn là giải pháp mang tính tạm thời, khi nhà làm luật chưa thể xác định hoặc không muốn xác định cụ thể các giao dịch có mục đích tẩu tán tài sản. Điều này tất yếu có thể dẫn đến tranh chấp giữa các bên, đặc biệt là đối với bên chủ thể còn lại trong giao dịch này, những người không mong muốn trở nên “trắng tay” nếu chỉ dựa vào những suy luận tùy tiện về “mục đích tẩu tán tài sản” của những người yêu cầu tuyên bố giao dịch vô hiệu. Vì vậy, vẫn rất cần sự giải thích đầy đủ từ cơ quan có thẩm quyền để tránh sự vận dụng không đồng nhất.
Ở khía cạnh khác, cần phải nhìn nhận thêm, vấn đề giao dịch vô hiệu theo quy định của Luật Phá sản 2014 hoàn toàn không liên quan và gần như độc lập so với vấn đề giao dịch dân sự vô hiệu theo quy định tại Bộ luật Dân sự 2015 bởi mục đích điều chỉnh là khác biệt. Chính vì vậy, đối với một số quan điểm cho rằng Luật Phá sản cần ghi nhận thêm hướng xử lý đối với những trường hợp giao dịch vô hiệu theo Bộ luật Dân sự, tác giả cho rằng điều này là không cần thiết. Mỗi một đạo luật có đối tượng điều chỉnh khác nhau và mục đích điều chỉnh khác nhau, việc không ghi nhận vấn đề này tại Luật Phá sản không đồng nghĩa với việc cơ quan chức năng “lúng túng” khi gặp phải tình huống vô hiệu (do giả tạo, do nhầm lẫn, lừa dối,…) mà hoàn toàn vẫn có thể vận dụng Bộ luật Dân sự 2015 để xử lý.
4. Kết luận
Đánh giá một cách khách quan nhất, Luật Phá sản 2014 đã tháo gỡ được những vướng mắc rất lớn mà các đạo luật trước đây gặp phải trong việc bảo toàn tài sản cho doanh nghiệp mắc nợ, đảm bảo quyền và lợi ích cho chủ nợ, người lao động và bản thân của chính doanh nghiệp mắc nợ. Cùng với các biện pháp bảo toàn tài sản khác (tạm đình chỉ, đình chỉ thực hiện hợp đồng đang có hiệu lực; bù trừ nghĩa vụ), tuyên bố giao dịch vô hiệu góp phần quan trọng trong việc giúp tiến trình phá sản doanh nghiệp, hợp tác xã được thực hiện một cách khách quan và công bằng cho tất cả các chủ thể liên quan.
TÀI LIỆU TRÍCH DẪN:
- Dương Kim Thế Nguyên (2016), Khái niệm phá sản, thủ tục phá sản và những liên hệ đến Luật phá sản 2014, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử. http://www.nclp.org.vn/thuc_tien_phap_luat/khai-niem-pha-san-thu-tuc-pha-san-va-nhung-lien-he-111en-luat-pha-san-nam-2014
- Bùi Đức Giang (2016), Pháp luật về tạm hoãn thực hiện nghĩa vụ thanh toán trong thủ tục phá sản – nhìn từ thực tiễn, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 5, 2016.
TÀI LIỆU THAM KHẢO:
- Bùi Đức Giang (2012), Pháp luật về thực hiện các hợp đồng đang có hiệu lực trong thủ tục phá sản,Tạp chí Nhà nước và Pháp luật, số 8 (292).
- Phạm Duy Nghĩa (2003), Đi tìm triết lý của Luật Phá sản, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp, số 11/2003
- Dương Kim Thế Nguyên (2016), Khái niệm phá sản, thủ tục phá sản và những liên hệ đến Luật Phá sản 2014, Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp số 24, 2016.
- Trần Anh Tú, Nguyễn Văn Giang (2012), Điều hòa lợi ích giữa chủ nợ và con nợ thông qua thủ tục phá sản, Nguồn từ Tạp chí Nghiên cứu Lập pháp điện tử , http://lapphap.vn/Pages/TinTuc/207745/dieu-hoa-loi-ich-giua-chu-no-va-con-no-thong-qua-thu-tuc-pha-san.html
- Quốc hội (2014), Luật Phá sản 2014.
- Quốc hội (2004), Luật Phá sản 2004.
- Quốc hội (1993), Luật Phá sản doanh nghiệp 1993.
The declaration of invalid transactions: The asset protection measurement during the bankruptcy process
Thai Thi Tuong Vi
University of Finance and Marketing
ABSTRACT:
As one of the measures to protect business assets during the bankruptcy process, the declaration of invalid transaction could affect the outcome of bankruptcy process. As a result, it is necessary for parties involved in the bankruptcy of a business such as lenders, business leaders and employees to correctly understand this issue according the 2014 Law on Bankruptcy in order to better protect their rights and interests. By analyzing provisions on the declaration of invalid transactions under the 2014 Law on Bankruptcy, this article presents some new contents and shortcomings of these provisions and the author’s view on the feasibility of these provisions.
Keywords: Asset protection, creditors, invalid transactions, bankruptcy.
[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 27, tháng 11 năm 2020]