Vì sao doanh nghiệp ít xuất khẩu hàng hóa qua đường hàng không, đường sắt?

Hiện nay, tỷ lệ doanh nghiệp xuất khẩu sử dụng đường sắt và đường hàng không để vận chuyển hàng hóa chưa nhiều, nhất là đối với mặt hàng nông sản. Lý do là chi phí vận chuyển cao, chưa phù hợp với các mặt hàng nông sản giá trị thấp của Việt Nam...

Doanh nghiệp nông sản, logistics chưa có tiếng nói chung

Để tận dụng những ưu thế hiện có của vận tải đường sắt và đường hàng không nhằm cắt giảm chi phí logistics, nâng cao năng lực cạnh tranh cho hàng hóa nông sản, chiều 8/9/2020, Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương phối hợp với Trung tâm Thông tin Công nghiệp và Thương mại (VITIC), Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam (VIDA), Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam (VLA), Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) tổ chức “Hội nghị trực tuyến kết nối doanh nghiệp nông sản - đường sắt - hàng không”.

Hội nghị là dịp để kết nối các doanh nghiệp sản xuất, xuất khẩu nông sản, các doanh nghiệp cung cấp dịch vụ logistics cũng như các doanh nghiệp vận tải đường sắt, hàng không nhằm tối ưu hóa chi phí logistics cho hàng nông sản.

Khai mạc Hội nghị, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh, nông sản là một trong những ngành xuất khẩu quan trọng của Việt Nam, đóng góp tích cực vào kim ngạch xuất khẩu chung của cả nước. Năm 2019 kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt 25,5 tỷ USD, trong đó có 6/9 mặt hàng chủ lực đạt kim ngạch xuất khẩu trên 2 tỷ USD.

Tuy nhiên, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải nhận định, xuất khẩu nông sản của Việt Nam đang đối diện với nhiều khó khăn, thách thức. Trong đó hoạt động logistics đối với nông sản đang là một trong những yếu tố khiến nông sản Việt khó phát huy được lợi thế cạnh tranh.

Kết nối trực tuyến doanh nghiệp nông sản-đường sắt-hàng không
Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải cho rằng, thiếu kết nối giữa doanh nghiệp nông sản và logistics là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả kinh doanh nông sản

Theo kết quả khảo sát doanh nghiệp logistics về phương thức vận tải để vận chuyển hàng nông sản và hàng lạnh, đường bộ vẫn là sự lựa chọn hàng đầu đối với các doanh nghiệp chủ hàng do sự linh hoạt, thời gian vận chuyển nhanh và cũng là một phương thức “truyền thống”, đặc biệt là đối với xuất khẩu sang các thị trường có chung đường biên giới với nước ta.

Tiếp đến là đường biển do chi phí thấp, thích hợp với việc xuất khẩu sang các thị trường xa và với các mặt hàng có tính thời vụ thấp. Tỷ lệ sử dụng đường sắt và đường hàng không hiện nay chưa nhiều do chi phí vận chuyển cao, chưa phù hợp với các mặt hàng nông sản giá trị thấp, vận tải đường sắt thiếu kết nối linh hoạt...

“Do tính chất đặc thù đối với một số loại hàng nông sản như chu kỳ sử dụng ngắn, dễ hư hỏng, có tính thời vụ theo mùa... nên hoạt động logistics phục vụ vận chuyển hàng nông sản đòi hỏi một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và phân phối đến người tiêu dùng cuối cùng”, ông Trần Thanh Hải nhấn mạnh.

Tại Diễn đàn Logistics Việt Nam 2019 diễn ra vào tháng 11/2019, chúng ta đã chỉ ra rằng thiếu kết nối giữa doanh nghiệp nông sản và logistics là một trong những nguyên nhân quan trọng làm giảm hiệu quả kinh doanh nông sản.

Việc thiếu thông tin, và sâu xa hơn nữa là thiếu lòng tin, giữa các doanh nghiệp nông sản và doanh nghiệp logistics làm cho hai bên tách rời nhau, không dám đến với nhau hoặc chưa đủ tin tưởng để đẩy mạnh quan hệ hợp tác, Phó Cục trưởng Trần Thanh Hải thông tin.

Kết nối trực tuyến doanh nghiệp nông sản-đường sắt-hàng không
Do tính chất đặc thù đối với một số loại hàng nông sản nên hoạt động logistics phục vụ vận chuyển hàng nông sản đòi hỏi một quá trình tích hợp từ khâu sản xuất, thu hoạch, chế biến, đóng gói, lưu trữ, vận chuyển và phân phối 

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Mạnh Hùng - Phó Chủ tịch Hiệp hội Nông nghiệp số Việt Nam cũng cho rằng, doanh nghiệp nông nghiệp và các doanh nghiệp logistics chưa tìm được tiếng nói chung, đặc biệt trong việc vận chuyển nông sản bằng đường sắt, đường hàng không. Trong khi hai hình thức vận chuyển này có nhiều ưu việt hơn so với hình thức vận chuyển bằng đường bộ, đường biển.

Chi phí logistics quá cao

Từ đầu năm 2020 đến nay, trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19 có những diễn biến phức tạp trên thế giới và ở Việt Nam, các ngành vận tải hàng không, đường sắt là những ngành chịu tác động nặng nề do lượng hành khách đi lại sụt giảm.

Để hạn chế tác động của dịch bệnh, bù đắp sự sụt giảm doanh thu vận tải hành khách, cả ngành đường sắtngành hàng không đều đang không ngừng nâng cấp cơ sở hạ tầng, nâng cao chất lượng phục vụ, hoàn thiện dịch vụ nhằm đẩy mạnh khai thác vận tải hàng hóa.

Kết nối trực tuyến doanh nghiệp nông sản-đường sắt-hàng không
 Ông Nguyễn Chính Nam cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng có khối lượng là 864.000 tấn nhưng lượng hàng xuất khẩu bằng đường đường sắt khiêm tốn khi chỉ đạt hơn 17.000 tấn, chiếm 1,8%

Cụ thể, ông Nguyễn Chính Nam, Trưởng Ban Kế hoạch - Kinh doanh, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam khẳng định, đường sắt là loại hình vận chuyển phù hợp nhất với đặc trưng của hàng nông sản. Đường sắt có thể vận chuyển 60.000 tấn hàng/ngày đêm, các toa xe có tải trọng bình quân 30 tấn/toa, mỗi đoàn tàu bình quân từ 18-21 toa, khối lượng hàng hóa có thể vận chuyển lên tới 630 tấn/ đoàn tàu. 

Ông Nam nhấn mạnh, doanh nghiệp có thể đáp ứng được việc vận chuyển hàng hóa bằng đường sắt không chỉ đi Trung Quốc mà còn Nga, các nước EU và Trung Đông. Đường sắt có thể vận chuyển an toàn, ổn định hàng hóa từ Việt Nam đi châu Âu mất khoảng 20 ngày, trong đó bao gồm trọn gói dịch vụ xuất nhập khẩu, kho bãi… Trong khi đó, hàng hóa vận chuyển bằng đường bộ, từ ga Sóng Thần (Bình Dương) đi Lào Cai hoặc Đồng Đăng (Lạng Sơn) mất khoảng 70 tiếng.

Tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam cũng cho biết, 6 tháng đầu năm 2020 xuất khẩu qua cửa khẩu Lào Cai, Đồng Đăng có khối lượng là 864.000 tấn nhưng lượng hàng xuất khẩu bằng đường đường sắt khiêm tốn khi chỉ đạt hơn 17.000 tấn, chiếm 1,8%.

Trong khi đó, vận tải đường sắt cũng có những ưu thế nhất định như khối lượng lớn, gồm cả hàng đông lạnh, tự hành. Tuyến tàu liên vận quốc tế từ Việt Nam đi nhiều nước, hiện cung cấp dịch vụ trọn gói dịch vụ xuất nhập khẩu chính ngạch như thông quan tại cửa khẩu mà không phải lo lắng về việc vượt tải trọng, thông quan.

Đáng chú ý là chi phí vận chuyển có tính cạnh tranh hơn. Đơn cử với mặt hàng tinh bột sắn, quãng đường từ Tuy Hòa đến Đồng Đăng vận chuyển bằng đường sắt là 396.000 đồng/tấn (chưa gồm VAT và bốc xếp hai đầu), thì vận chuyển bằng đường bộ lẫn đường biển là 400.000 đồng/tấn (chưa VAT và bốc xếp hai đầu). Riêng vận chuyển 100 % bằng đường bộ có giá lên đến 1 triệu đồng/tấn.

Kết nối trực tuyến doanh nghiệp nông sản-đường sắt-hàng không
Do chi phí vận chuyển cao, chưa phù hợp với các mặt hàng nông sản giá trị thấp, vận tải đường sắt thiếu kết nối linh hoạt... đây là những nguyên nhân khiến doanh nghiệp xuất khẩu nông sản Việt Nam ít lựa chọn phương thức vận chuyển bằng đường sắt, đường hàng không...

Chuyên xuất khẩu nông sản, trái cây vào Hoa Kỳ, Australia... ông Nguyễn Đình Tùng - Tổng giám đốc Công ty Vina T&T cho biết: vận chuyển hàng không có lợi thế là giảm rủi ro về chất lượng sản phẩm, đặc biệt sản phẩm cần phải bảo quản.

Tuy nhiên, khó khăn là giá cước vận chuyển khá cao. Đơn cử như các chuyến bay vào Hoa Kỳ, Canada chỉ có 4 hãng hàng không, nên nếu hãng nâng giá vẫn phải chấp nhận.

Còn với vận chuyển bằng đường sắt, doanh nghiệp này cũng không lựa chọn vì phải qua nhiều khâu trung chuyển hàng hóa ảnh hưởng đến chất lượng sản phẩm.

"Hàng phải chở ra ga Sóng Thần để vận chuyển ra ga Đồng Đăng sang Trung Quốc, trong khi đường bộ thì xe container tới tận nơi vận chuyển qua Trung Quốc ngay. Phương thức này giúp hàng vận chuyển đảm bảo tốt nhất, nên đường sắt chỉ vận chuyển được hàng đông lạnh, còn hàng trái cây nhạy cảm, bị sốc nhiệt thì sẽ bị thiệt hại", ông Tùng chia sẻ.

Do vậy, để kết nối doanh nghiệp nông sản-đường sắt-hàng không, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu kiến nghị cần có hỗ trợ tích cực để giảm thiểu ảnh hưởng của dịch Covid-19. Bởi trước đây nhiều sự lựa chọn nhưng chuyến bay hiện nay hạn chế, phải cạnh tranh chỗ, giá cả gấp đôi, khiến giá cước bị đội lên khá cao nên cần có chính sách hỗ trợ một số ngành có thế mạnh như nông sản; ngành đường sắt tăng thêm tính kết nối để giảm khâu trung chuyển, giảm thêm giá thành.

Kiến nghị để phát triển vận chuyển hàng hóa bằng đường hàng không, ông Đỗ Xuân Quang Phó Tổng giám đốc Vietjet Air Cargo cho rằng, nhất thiết phải có một hãng hàng không (Cargo airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt như bưu điện… Có như vậy giá cước phí máy bay mới giảm được.

Bên cạnh đó, ông Đỗ Xuân Quang kiến nghị cần đầu tư mạnh vào hệ thống logistics phục vụ lưu trữ, bảo quản, thông quan bảo đảm chất lượng xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp Việt Nam...

 

Hạ An