Phát biểu tại buổi làm việc với Bộ Nông nghiệp và Dinh dưỡng Đức mới đây, Bộ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Trần Tuấn Anh khẳng định, quan hệ giữa Việt Nam và Đức được xây dựng nhiều năm qua và không ngừng phát triển tốt đẹp, với các mối quan hệ hợp tác song phương liên tục được mở rộng, từ đó cùng nhau khai thác, phát huy tối đa vai trò của hai quốc gia trong các khuôn khổ liên kết, hội nhập song phương và đa phương. Đồng thời, hướng tới những mục tiêu ngày càng bền vững hơn nữa trong không chỉ về thương mại, đầu tư mà còn trong cả kinh tế, xã hội, chính trị và nhiều lĩnh vực khác.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cũng cho biết, thời gian qua, bên cạnh các mối quan hệ song phương Việt - Đức, quan hệ hợp tác giữa Việt Nam với Liên minh châu Âu cũng đang rất phát triển.
“Với sự ủng hộ, hỗ trợ to lớn của Đức, Việt Nam mới đây đã cùng Liên minh châu Âu ký kết Hiệp định Thương mại tự do (EVFTA). Đây có thể nói là một nhân tố có ý nghĩa, mang lại nhiều sự đột biến và phát triển mạnh mẽ trong hợp tác giữa Việt Nam với EU cũng như giữa Việt Nam với CHLB Đức”, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh khẳng định.
Tới đây, khi EVFTA và EVIPA được Quốc hội hai bên phê chuẩn, chắc chắn tác động tích cực sẽ là rất to lớn, đặc biệt là cộng đồng doanh nghiệp và người dân hai bên cũng sẽ được hưởng lợi rất lớn từ những Hiệp định này. Xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp có chất lượng cao kỳ vọng sẽ tăng mạnh với nhiều dòng thuế quan được giảm về 0%.
Bày tỏ sự quan tâm và ủng hộ EU sớm phê chuẩn EVFTA và EVIPA, ông Han-Joachim Fuchtel - Quốc vụ khanh Bộ Nông nghiệp và Dinh dưỡng Đức khẳng định Việt Nam là một thị trường tiềm năng với mức tăng trưởng kinh tế rất tốt trong nhiều năm gần đây. Kim ngạch thương mại hai chiều Việt - Đức liên tục tăng qua từng năm, đặc biệt đối với các mặt hàng nông - lâm - thủy sản.
Theo Quốc vụ khanh Han-Joachim Fuchtel, hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Dinh dưỡng Đức đang tích cực làm việc với Việt Nam về giấy chứng nhận kiểm dịch và các vấn đề liên quan đến xuất khẩu một số mặt hàng như thịt lợn, thịt bò, gia cầm, sữa, táo, khoai tây,…, hy vọng Việt Nam sẽ sớm mở cửa thị trường với các sản phẩm này của Đức khi đã hoàn thành các thủ tục cần thiết.
Theo số liệu Tổng cục Hải quan, 6 tháng đầu năm 2019, kim ngạch xuất khẩu các sản phẩm nông nghiệp (nông, lâm, thủy sản) Việt Nam sang Đức ước đạt gần 610 triệu USD, nhập khẩu nông, lâm, thủy sản từ Đức ước đạt gần 121 triệu USD.
“Đức là một trong những quốc gia đặc biệt quan tâm về vấn đề an toàn thực phẩm, và với hệ thống các Viện An toàn thực phẩm quy mô hàng đầu thế giới tại Đức, chúng tôi hy vọng có thể liên tục trao đổi, chia sẻ với Việt Nam các thông tin cần thiết trong lĩnh vực này”, Quốc vụ khanh Han-Joachim Fuchtel cho biết.
Đồng tình với Quốc vụ khanh Đức, Bộ trưởng Trần Tuấn Anh cho rằng còn tiềm năng rất lớn trong việc hợp tác giữa hai bên ở nhiều lĩnh vực, đặc biệt là xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp.
Việt Nam đã và sẽ dành nhiều ưu đãi cho hàng hóa nhập khẩu từ Đức, với một số mặt hàng được cắt giảm thuế quan về 0% như bơ sữa, sản phẩm từ gia cầm, hoa quả, rượu vang,… Do đó, CHLB Đức có lợi thế rất lớn trong việc xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Việt Nam.
Theo Bộ trưởng, với góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, cũng là đầu mối trong việc triển khai các cam kết hội nhập của Việt Nam, Bộ Công Thương đã xây dựng tổng thể chương trình thực hiện của Chính phủ để triển khai sớm các nội dung trong những Hiệp định thương mại, nhanh chóng đưa vào thực tiễn cuộc sống. Đây sẽ là nền tảng để nâng cao mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa Việt Nam với EU cũng như Đức.
Bộ trưởng Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Bộ Công Thương sẽ phối hợp với các cơ quan tại Việt Nam cũng như Đức đẩy nhanh hoạt động đàm phán thương mại, công nhận sản phẩm của nhau đối với CHLB Đức.
Đồng thời, tiếp tục rà soát quy định thủ tục hành chính của Việt Nam, đơn giản hóa minh bạch hóa trong mở cửa thị trường, triển khai cắt giảm thuế quan theo các cam kết hội nhập để các doanh nghiệp Đức và EU có điều kiện tiếp cận và xuất khẩu vào Việt Nam, góp phần trong tăng trưởng hợp tác kinh tế - thương mại giữa hai bên.