Năm 2021: Xuất khẩu hồ tiêu tăng mạnh về trị giá

Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 261 nghìn tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020.

Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, ước tính, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam tháng 12/2021 đạt 15 nghìn tấn, trị giá 71 triệu USD, giảm 8,4% về lượng và giảm 7,1% về trị giá so với tháng 11/2021, so với tháng 12/2020 tăng 22,9% về lượng, nhưng giảm 8,5% về trị giá. Tính chung cả năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam ước đạt 261 nghìn tấn, trị giá 938 triệu USD, giảm 8,5% về lượng, nhưng tăng 42% về trị giá so với năm 2020.

Theo ước tính, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam trong tháng 12/2021 đạt 4.703 USD/tấn, tăng 1,5% so với tháng 11/2021 và tăng mạnh 69,9% so với tháng 12/2020. Tính chung cả năm 2021, giá xuất khẩu bình quân hạt tiêu của Việt Nam đạt 3.593 USD/ tấn, tăng 55,2% so với cùng kỳ năm 2020.

Diễn biến giá xuất khẩu trung bình mặt hàng hạt tiêu qua các tháng

giai đoạn 2019 – 2021 (ĐVT: USD/tấn)

gia hat tieu

Nguồn: Tổng cục Hải quan, ước tính tháng 12/2021

Năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam có sự chuyển dịch về cơ cấu thị trường. Tỷ trọng xuất khẩu mặt hàng sang các thị trường Hoa Kỳ, EU, Các TVQ Ả rập Thống nhất, Pa-ki-xtan tăng, trong khi tỷ trọng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, ASEAN giảm mạnh.

Trong 11 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu của Việt Nam sang nhiều thị trường tăng cả về lượng và trị giá, gồm: Hoa Kỳ, Các TVQ Ả rập Thống nhất, Đức, Pa-ki-xtan, Hà Lan, Hàn Quốc, Anh. Ngược lại, lượng hạt tiêu xuất khẩu Ấn Độ, Phi-líp-pin, Ai Cập giảm mạnh.

Chủng loại hạt tiêu xuất khẩu trong 11 tháng năm 2021

hat tieu

Nguồn: Tính toán từ số liệu của Tổng cục Hải quan

Năm 2021, cơ cấu chủng loại hạt tiêu xuất khẩu có sự thay đổi khá lớn. Doanh nghiệp giảm xuất khẩu hạt tiêu thô, thay vào đó là các chủng loại đã qua sơ chế hoặc chế biến chuyên sâu.

Ngoài ra, ngành hạt tiêu đẩy mạnh xuất khẩu các sản phẩm nhằm phục vụ cho ngành sản xuất mỹ phẩm, trong bối cảnh dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, người dân được khuyến cáo hạn chế tụ tập đông người, khiến nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu sử dụng làm gia vị cho các món ăn tại nhà hàng, khách sạn giảm.

Xuất khẩu hạt tiêu đen trong 11 tháng năm 2021 đạt 184 nghìn tấn, trị giá xấp xỉ 620 triệu USD, giảm 15,9% về lượng, nhưng tăng 31,1% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng hạt tiêu đen xuất khẩu sang nhiều thị trường chính giảm, như: Trung Quốc; Hoa Kỳ; Ấn Độ; Pa-ki-xtan. Ngược lại, lượng hạt tiêu đen xuất khẩu sang một số thị trường tăng, như: Các TVQ Ả rập Thống nhất, Đức, Pháp, Iran. Đáng chú ý, lượng hạt tiêu xuất khẩu sang thị trường Hà Lan tăng tới 52,7%, đạt 3,17 nghìn tấn.

11 tháng năm 2021, xuất khẩu hạt tiêu trắng đạt 21,2 nghìn tấn, trị giá 106,23 triệu USD, tăng 2,3% về lượng và tăng 58,7% về trị giá so với cùng kỳ năm 2020. Trong đó, lượng hạt tiêu trắng xuất khẩu sang một số thị trường tăng, gồm: Thái Lan, Trung Quốc, Ấn Độ, Tây Ban Nha tăng 3,1%, đạt 919 tấn. Ngược lại, xuất khẩu hạt tiêu trắng sang một số thị trường chính giảm, như: Đức, Hoa Kỳ, Hà Lan.

Dự báo năm 2022, giá xuất khẩu hạt tiêu sẽ tiếp tục giữ ở mức cao, tác động tích cực lên ngành. Ngành hạt tiêu tiếp tục khai thác các thị trường xuất khẩu truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Các TVQ Ả rập Thống nhất. Tại Hoa Kỳ, thị trường xuất khẩu hạt tiêu lớn nhất của Việt Nam, tình hình kinh tế có tín hiệu phục hồi sẽ kéo theo nhu cầu tiêu thụ hạt tiêu tăng.

Trong khi đó, hạt tiêu của Việt Nam đã tạo được chỗ đứng khá vững chắc tại thị trường Hoa Kỳ. Lợi thế cạnh tranh mặt hàng hạt tiêu của Việt Nam so với các thị trường xuất khẩu khác khá lớn. Mặc dù Hoa Kỳ tăng nhập khẩu hạt tiêu từ một số nước sản xuất như In-đô-nê-xi-a, Ấn Độ, Trung Quốc, tuy nhiên lượng nhập khẩu từ các thị trường trên ở mức thấp.

Hoàng Hà