Đại dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đối với ngành dệt may nói riêng và kinh tế toàn thế giới nói chung khi chuỗi cung ứng nguyên liệu sản xuất bị đứt gãy trong khi tiêu thụ hàng may mặc giảm sút.
Tổng Công ty Cổ phần May 10 cũng không nằm ngoài sức ảnh hưởng này khi, năm 2020, lợi nhuận giảm 3,3% xuống còn 66 tỷ đồng (theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán của công ty).
Trao đổi với phóng viên xung quanh câu chuyện tận dụng Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) để gia tăng xuất khẩu dệt may vào thị trường châu Mỹ cũng như thị trường các nước trong CPTPP, ông Thân Đức Việt - Tổng Giám đốc Tổng Công ty Cổ phần May 10 chia sẻ, khó khăn lớn của May 10 và cả ngành dệt may khi xuất khẩu vào châu Mỹ là vấn đề quy tắc xuất xứ. Tuy nhiên, đây cũng là động lực để doanh nghiệp dệt may thiết lập được chuỗi cung ứng để hưởng ưu đãi thuế quan một cách trọn vẹn.
Phóng viên: 2020 là một năm đầy sóng gió với May 10 và các doanh nghiệp dệt may nói chung. Bước sang năm 2021, tình hình kinh doanh của May 10 thế nào, thưa ông?
Ông Thân Đức Việt: Trong Quý I/2021, sản lượng của May 10 tăng nhưng do đơn giá nhận từ Quý III và Quý IV/2020 thấp nên hiệu quả chỉ tương đương 2019.
Mặc dù vậy, năm nay chúng tôi dự kiến đạt được mục tiêu doanh thu là 3.356 tỉ đồng và mục tiêu lợi nhuận 91 tỷ đồng chắc chắn đạt được. Hiện tại, chúng tôi cũng đã có đơn hàng đến hết tháng 8.
Phóng viên: Trong thời gian qua, kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp sang một số nước châu Mỹ theo Hiệp định CPTPP có sự thay đổi như thế nào?
Ông Thân Đức Việt: Thị trường lớn nhất cho xuất khẩu dệt may nói chung là thị trường Mỹ, thứ hai là thị trường Canada.
Còn trong khối CPTPP, hiện ở châu Mỹ, Canada là thị trường xuất khẩu lớn nhất. Kế tiếp đó là các thị trường Chile và Mexico…
Trong 11 nước thành viên, trước khi ký kết Hiệp định CPTPP, May 10 đã có quan hệ thương mại, xuất khẩu sang một số thị trường truyền thống là Nhật Bản, Chile, Canada…
Đáng chú ý, từ khi thực thi CPTPP, các thị trường truyền thống này đều rất mong muốn tăng trưởng lượng nhập khẩu từ May 10 để đón đầu cơ hội từ ưu đãi thuế quan.
Phóng viên: Bên cạnh Mỹ với mức tăng trưởng khá cao, một thị trường mới nổi được đánh giá rất tiềm năng là Canada có mức tăng trưởng như thế nào, thưa ông?
Ông Thân Đức Việt: Riêng tại thị trường Canada, lâu nay mặt hàng xuất khẩu chính là veston, quần áo khoác các loại - cũng là mặt hàng nằm trong danh sách được hưởng ưu đãi về dòng thuế về 0% ngay sau khi triển khai Hiệp định CPTPP. Còn lại những dòng hàng khác sẽ được hưởng sau 4 năm.
Tức là đến đầu năm 2023 thì gần như 100% mặt hàng xuất khẩu được hưởng thuế suất 0% khi xuất khẩu vào Canada. Đây là một trong những động lực quan trọng để sản phẩm May 10 chiếm lĩnh thị trường tiềm năng lớn thứ 2 này.
Thực tế hiện nay, tỷ trọng xuất khẩu vào Canada chưa nhiều. Tuy nhiên, nếu nói về tốc độ tăng trưởng kể từ khi thực thi Hiệp định CPTPP, thì rất triển vọng.
Ví dụ năm 2019, mới xuất khẩu vào Canada khoảng 700.000 USD, chiếm tỷ trọng 1%. Đến năm 2020 mặc dù chịu ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid -19, con số này tăng gấp đôi, đạt 1,5 triệu USD. Dự kiến kiếm năm 2021, với ưu đãi thuế từ hiệp định CPTPP, xuất khẩu sang thị Canada có thể đạt tới 6,5 triệu USD, tức gấp 9 lần so với năm 2019.
Như vậy, có thể thấy chỉ trong vòng 3 năm, kim ngạch của May 10 xuất khẩu vào thị trường Canada tăng gấp 5 lần. Đây là một con số rất ấn tượng, đưa tỷ trọng xuất khẩu vào thị trường này sẽ chiếm 4% trên tổng kim ngạch xuất khẩu của May 10.
Phóng viên: Nguyên nhân nào dẫn đến bước tăng trưởng ở thị trường Canada, thưa ông?
Ông Thân Đức Việt: Doanh thu từ việc xuất khẩu sang thị trường Canada tăng gấp đôi nhờ mặt hàng khẩu trang và bộ trang phục phòng chống dịch. Năm 2020, khẩu trang y tế và bộ quần áo phòng chống dịch chiếm 17% tổng doanh thu của May 10. Đây là một trong những nỗ lực thành công của chúng tôi nhằm bù đắp doanh thu bị thiệt hại do dịch bệnh.
Thế nhưng, chúng tôi cho rằng sản phẩm này đang có dấu hiệu bão hòa. Theo đó, nhu cầu trên thị trường vẫn còn nhưng có quá nhiều doanh nghiệp sản xuất.
Chúng tôi đang duy trình sản xuất ở mức vừa phải và tập trung chủ yếu vào dòng khẩu trang y tế thay vì khẩu trang dùng cho mục đích thông thường. Mặc dù công suất sản xuất không quá lớn như hồi đỉnh dịch nhưng đây là chiến lược lâu dài và chắc chắn hơn.
Phóng viên: Các doanh nghiệp dệt may đang vướng nút thắt liên quan đến quy tắc xuất xứ để hưởng ưu đãi thuế quan trong hiệp định CPTPP, vậy với May 10 thì sao, thưa ông?
Ông Thân Đức Việt: Vướng mắc hiện nay với May 10 và cả ngành dệt may là đáp ứng quy tắc xuất xứ của Hiệp định CPTPP. Đối với EVFTA, các nước châu Âu chỉ yêu cầu hàng dệt may đảm bảo quy tắc xuất xứ từ vải. Tuy nhiên, với các nước CPTPP họ yêu cầu từ sợi.
Trong quá trình gặp gỡ các đối tác, có những chi tiết doanh nghiệp chúng tôi chưa phát hiện ra nhưng doanh nghiệp bạn lại yêu cầu.
Ví dụ như chi tiết chỉ may, vốn chỉ chiếm chi phí rất nhỏ nhưng nếu không có xuất xứ từ Việt Nam thì cũng không được hưởng ưu đãi thuế quan. Trong khi đó, một vài công đoạn trong sản xuất chỉ may chưa thể sản xuất ở Việt Nam.
Thực tế, chúng tôi chỉ có khoảng 30% mặt hàng được hưởng ưu đãi thuế. Do đó, chúng tôi đang cố gắng liên kết với các nhà sản xuất vải. Các nhà sản xuất vải lại tiếp tục hợp tác với nhà sản xuất sợi để nghiên cứu các sản phẩm được hưởng ưu đãi thuế quan.
Phóng viên: Để tiếp tục mở rộng và chiếm lĩnh thị trường châu Mỹ cũng như thị trường các nước trong CPTPP, thời gian tới, Tổng công ty May 10 có kế hoạch cụ thể như thế nào?
Ông Thân Đức Việt: Hiện tỷ trọng May 10 xuất khẩu vào các thị trường nội khối CPTPP vẫn còn khá khiêm tốn. Như đã chia sẻ ở trên, khó khăn lớn nhất với các doanh nghiệp dệt may là vấn đề quy tắc xuất xứ.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng đánh giá “nút thắt” này sẽ chỉ xảy ra trong ngắn hạn. Còn về dài hạn, chính “nút thắt” này sẽ là động lực để May 10 thiết lập được chuỗi cung ứng, đảm bảo việc xuất xứ nguyên liệu từ sợi cũng như việc nhà đầu tư trong nước và nước ngoài có thể mở rộng, đẩy mạnh công đoạn sợi, dệt, nhuộm để chúng ta có thể có được một xuất xứ hoàn chỉnh, được hưởng ưu đãi thuế quan một cách trọn vẹn.
Bên cạnh đó, để phát triển hơn nữa tại thị trường này, ngay từ khi CPTPP có hiệu lực, bên cạnh việc khai thác các khách hàng truyền thống, chúng tôi đã mở rộng được nhiều khách hàng mới, nhất là khách hàng trung gian tại thị trường này.
Ví như, chúng tôi tận dụng chính các đối tác trung gian đang khai thác tại thị trường Canada - đây cũng là lý do Quý I/2021 vừa qua cũng như sắp tới, xuất khẩu vào thị trường Canada đạt mức tăng trưởng bứt phá.
Ngoài ra, May 10 còn tận dụng kênh khai thác khác như thông qua các chương trình xúc tiến thương mại, phối kết hợp với các tham tán tại các thị trường châu Mỹ để mời gọi các doanh nghiệp ngoại trong lĩnh vực dệt may.
Phóng viên: Xin trân trọng cảm ơn ông.