Đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tại KienLongbank - Chi nhánh thành phố Cần Thơ

TS. TÔ THIỆN HIỀN (Trường Đại học An Giang, Đại học Quốc gia TP. Hồ Chí Minh) - VÕ TRỌNG THỐNG NHẤT (Học viên Cao học, Trường Đại học Cửu Long)

TÓM TẮT:

Bài viết hệ thống hóa về hoạt động cho vay trong hệ thống ngân hàng thương mại (NHTM) Việt Nam cùng với khái quát hiệu quả hoạt động cho vay của NHTM, thực trạng hoạt động cho vay tại Ngân hàng TMCP Kiên Long - Chi nhánh TP. Cần Thơ (Kienlongbank Cần Thơ), trong giai đoạn 2018 - 2020. Từ đó, đề xuất một số giải pháp nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tại Kienlongbank Cần Thơ từ nay đến năm 2025, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và đất nước.

Từ khóa: cá nhân, doanh nghiệp, hoạt động cho vay, Kienlongbank Cần Thơ.

1. Đặt vấn đề

Với đặc thù của một lĩnh vực kinh doanh đầy nhạy cảm, chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố cả trực tiếp và gián tiếp, cho vay vốn của NHTM đã đạt những thành tích lớn mạnh trong hoạt động kinh doanh, song cũng  không thể có một số hạn chế làm ảnh hưởng đến sự phát triển cho vay của đơn vị. Thông qua hoạt động cho vay của NHTM đã góp phần cung ứng vốn cho các pháp nhân, thể nhân, giúp nền kinh tế hoạt động một cách nhuần nhuyễn và hiệu quả.

Thực tiễn hoạt động cho vay tại Kienlongbank Cần Thơ thời gian qua cho thấy, hiệu quả hoạt động cho vay của Ngân hàng rất tốt, tuy nhiên, cũng có hạn chế về hoạt động cho vay. Việc xây dựng và tổ chức thực hiện của Ngân hàng đã được cơ chế kiểm soát nội bộ phù hợp và hiệu quả theo sát sẽ cho phép NHTM chống đỡ tốt hơn về rủi ro tín dụng. Hoạt động cho vay càng cần phải được quan tâm quản lý, kiểm soát một cách bài bản và có hiệu quả, đảm bảo chất lượng tín dụng hoạt động trong phạm vi rủi ro chấp nhận được, nhằm hỗ trợ việc phân bổ vốn hiệu quả hơn trong hoạt động tín dụng, giảm thiểu các thiệt hại phát sinh từ rủi ro tín dụng và tăng thêm lợi nhuận kinh doanh, góp phần nâng cao uy tín, tạo ra lợi thế cạnh tranh của Ngân hàng và đặc biệt là đảm bảo mục tiêu tăng trưởng kinh tế bền vững, ổn định phát triển kinh tế - xã hội. Do vậy, đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tại Kienlongbank Cần Thơ là cần thiết.

2. Hoạt động cho vay tại Kienlongbank Cần Thơ giai đoạn 2018 - 2020

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Kienlongbank Cần Thơ đã triển khai hoạt động cho vay theo đúng quy định của pháp luật, đáp ứng nhu cầu phát triển hoạt động kinh doanh của đơn vị trong từng năm và từng giai đoạn tiếp theo.

Theo số liệu từ Kienlongbank Cần Thơ, tổng huy động vốn của Ngân hàng đều có tăng trong giai đoạn 2018 - 2020. Cụ thể: năm 2018, tổng huy động vốn của Ngân hàng 3.795.483 triệu đồng; năm 2019 đạt 4.612.598 triệu đồng; đến năm 2020 tăng lên là 5.360.782 triệu đồng. Nguyên nhân số liệu tăng qua các năm đã thể hiện tính thuận lợi của cá nhân và năng lực quản lý, điều hành tốt của Ngân hàng, cùng với tình hình thuận lợi của kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tương tự, số tiền gửi không kỳ hạn của Ngân hàng giai đoạn 2018 - 2020 cũng đều tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018, số tiền gửi không kỳ hạn là 35.142 triệu đồng; năm 2019 đạt 40.058 triệu đồng; đến năm 2020 đạt 52.115 triệu đồng. Số tiền gửi có kỳ hạn của Ngân hàng giai đoạn 2018 - 2020 cũng đều tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018, số tiền gửi có kỳ hạn 3.760.341 triệu đồng; năm 2019 đạt 4.572.540 triệu đồng; đến năm 2020 đạt 5.308.667 triệu đồng.

 Số tiền gửi của các tổ chức kinh tế vào Ngân hàng giai đoạn 2018 - 2020 có giảm nhẹ và tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018, số tiền gửi của các tổ chức kinh tế là 74.016 triệu đồng; năm 2019 đạt 62.056 triệu đồng; năm 2020 tăng lên là 71.022 triệu đồng. Nhìn chung, hoạt động huy động vốn của Ngân hàng giai đoạn 2018 - 2020 đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm, đổi mới, sáng tạo của cá nhân và năng lực quản lý, điều hành của Ngân hàng cùng với tình hình thuận lợi của kinh tế - xã hội địa phương. Khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao, nguồn thu nhập dần ổn định cao hơn và có quan hệ tích cực tín dụng với Ngân hàng.

Theo số liệu từ Kienlongbank Cần Thơ, doanh số cho vay của Ngân hàng đều thay đổi tăng nhanh trong giai đoạn 2018 - 2020. Cụ thể, năm 2018, tổng doanh số cho vay là 1.951.615 triệu đồng; năm 2019 đạt 2.314.140 triệu đồng; năm 2020 tăng lên là 2.590.550 triệu đồng. Nguyên nhân số liệu tăng qua các năm đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm cao của cá nhân và năng lực quản lý, điều hành đổi mới của Ngân hàng cùng với tình hình thuận lợi của kinh tế - xã hội ở địa phương.

Tương tự, doanh số cho vay ngắn hạn của Ngân hàng giai đoạn 2018 - 2020 cũng tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018, doanh số cho vay ngắn hạn là 1.092.904 triệu đồng; năm 2019 đạt 1.342.201 triệu đồng; năm 2020 đạt 1.472.210 triệu đồng.

Giai đoạn 2018 – 2020, doanh số cho vay trung và dài hạn của Ngân hàng cũng đều tăng nhanh. Cụ thể, năm 2018, doanh số cho vay trung và dài hạn là 858.711 triệu đồng; năm 2019 đạt 971.939 triệu đồng; năm 2020 tăng lên là 1.118.340 triệu đồng. Hoạt động cho vay ngắn hạn, trung và dài hạn của Ngân hàng giai đoạn 2018 - 2020 đã thể hiện tinh thần, trách nhiệm tích cực rất cao của cá nhân và năng lực quản lý, điều hành của Ngân hàng, cùng với tình hình thuận lợi của kinh tế - xã hội ở địa phương. Khách hàng hoạt động sản xuất, kinh doanh có hiệu quả; nguồn thu nhập dần ổn định cao hơn và chủ động quan hệ đi vay tích cực với Ngân hàng.

3. Đánh giá chung về hoạt động của Kienlongbank Cần Thơ

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Kienlongbank Cần Thơ đã luôn bám sát chương trình hành động của Ngân hàng Nhà nước và sự chỉ đạo của chính quyền địa phương; nắm bắt kịp thời những diễn biến về lãi suất và các biện pháp khuyến mãi của các tổ chức tín dụng trên cùng địa bàn, từ đó có những biện pháp ứng phó kịp thời không để mất khách hàng. Ngân hàng ngày càng tạo thêm lòng tin tín dụng với khách hàng, số lượng khách hàng đến giao dịch với khách hàng ngày càng nhiều và đa dạng nhiều ngành nghề. Về tập trung công tác thu hồi nợ xấu, nợ xử lý rủi ro, nợ lãi tồn đọng, Ngân hàng thường xuyên thực hiện công tác phân lại nợ, chấm điểm khách hàng đảm bảo khách quan, đúng chất lượng tín dụng. Tăng cường kỷ cương, nâng cao pháp luật, giữ vững thương hiệu, uy tín với khách hàng. Kiểm soát quy trình cho vay chặt chẽ, quá trình cho vay xét duyệt thận trọng, trước khi giải ngân hồ sơ phải thông qua trước từng bộ phận.

Tuy nhiên, hoạt động của Ngân hàng trong giai đoạn này cũng còn một số hạn chế. Tình hình tăng trưởng tín dụng không ổn định qua các tháng dẫn đến dư nợ bình quân thấp, lãi suất huy động vốn có khi còn thấp, nên việc cạnh tranh về lãi suất trong công tác huy động vốn chưa có nhiều thuận lợi. Hoạt động tín dụng gặp nhiều rủi ro làm cho hoạt động tín dụng ngày càng thận trọng hơn. Quá trình quản lý các khoản vay còn chưa chặt chẽ, dẫn đến khó khăn cho Ngân hàng trong quá trình cơ cấu nợ, cũng như xử lý nợ. Dư nợ đã xử lý rủi ro khá cao nhưng kết quả thu hồi thấp, công tác xử lý thu hồi nợ chưa khéo, chưa khoa học, điều đó cho thấy những biện pháp thu hồi nợ trong một số tháng chưa hiệu quả.

4. Đề xuất giải pháp đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tại KienLongbank

Nhằm đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tại Kienlongbank Cần Thơ đến năm 2025, bài viết đề xuất một số giải pháp sau:

Một là, nâng cao chất lượng thẩm định tín dụng: Ngân hàng cần tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, nhân viên tín dụng về kinh nghiệm thẩm định. Trong quá trình thẩm định, nhân viên tín dụng cần thường xuyên cập nhật thông tin, dự báo ngành nghề, giá cả thị trường, thông tin kinh tế - kỹ thuật, cần khảo sát thực tế ngành nghề mà khách hàng đang kinh doanh để giúp cho công tác thẩm định luôn chính xác và đạt hiệu quả cao. Bên cạnh đó, cán bộ tín dụng cần coi trọng việc tiếp xúc, phỏng vấn trực tiếp với khách hàng. Cán bộ tín dụng phải đến tận nơi khách hàng tiêu dùng, sản xuất, kinh doanh để khảo sát thực tế, nhằm tránh tình trạng bị khách hàng lừa dối.

Hai là, nâng cao chất lượng huy động vốn: Thường xuyên nắm bắt và phản ánh kịp thời những diễn biến lãi suất của các tổ chức tín dụng trên địa bàn. Ngoài việc đẩy mạnh huy động vốn tiền gửi dân cư, tiền gửi các tổ chức chính trị, cần phải tổ chức thực hiện tốt việc huy động tiền gửi của các tổ chức kinh tế, doanh nghiệp, thông qua việc vận động mở tài khoản tiền gửi thanh toán nhằm hạ thấp lãi suất đầu vào, tăng khả năng cạnh tranh ở lãi suất đầu ra, từ đó mở rộng hoạt động dịch vụ, tăng nhanh nguồn vốn huy động. Ngân hàng thường xuyên có các chương trình khuyến mãi, rút thăm trúng thưởng cho khách hàng gửi tiền tại ngân hàng, nhằm thu hút ngày càng nhiều khách hàng đến với ngân hàng.

Ba là, nâng cao hiệu quả hoạt động cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp: Ngân hàng phải tiếp tục cải tiến, đổi mới quy trình cho vay tiêu dùng cá nhân, hộ gia đình và doanh nghiệp theo hướng đơn giản hóa thủ tục, giảm bớt phiền hà cho khách hàng vay vốn, nhưng vẫn đảm bảo an toàn vốn vay, đồng thời nâng cao khả năng thẩm định để rút ngắn thời gian giải quyết cho vay; Xác lập cơ chế thực thi đơn giản và rõ ràng, để rút ngắn khoảng cách giữ chính sách với thực tế triển khai; Xây dựng chính sách cho vay có hiệu quả; Mở chính sách cho vay có hiệu quả, cần có những quy định rõ ràng về điều kiện, nguyên tắc thẩm định, thời hạn cho vay và thu hồi vốn lãi, quan trọng hơn nữa là có mức lãi suất vừa phù hợp với thị trường, vừa có thể thu hút được khách hàng.

Bốn là, xây dựng chính sách quản lý nợ hợp lý, hiệu quả: Cán bộ tín dụng phải thường xuyên đến địa bàn kiểm tra, quản lý việc sử dụng vốn vay của khách hàng, hướng dẫn họ sử dụng vốn đúng mục đích. Cán bộ tín dụng phụ trách từng địa bàn phải theo dõi chặt chẽ nợ đến hạn. Hàng tháng cung cấp danh sách cho các tổ trưởng và phối hợp với tổ trưởng thông báo nợ đến hạn đến tận hộ vay. Ngân hàng thường xuyên kiểm tra tình hình sản xuất - kinh doanh và khả năng tài chính trả nợ của khách hàng để có hướng giải quyết kịp thời, hạn chế tối đa việc chuyển nợ quá hạn. Trường hợp xét thấy khách hàng không có khả năng trả nợ đúng hạn phải báo cáo với lãnh đạo để xin ý kiến chỉ đạo kịp thời.

Năm là, phát triển chiến lược cho vay tiêu dùng và cho vay chung của Ngân hàng theo chuỗi giá trị: Một trong các chiến lược cho vay nông nghiệp rất phổ biến và mang lại hiệu quả trên thế giới hiện nay theo nguồn giá trị, ngân hàng có thể cho vay trước thu hoạch hay cung ứng nguyên liệu đầu vào, có thể áp dụng hình thức tài trợ thương mại, phục vụ quá trình tiêu thụ, phân phối các sản phẩm nông nghiệp.

Sáu là, tăng cường kiểm soát nợ và hạn chế nợ xấu: Ngân hàng thường xuyên kiểm soát quá trình sử dụng vốn vay của khách hàng, không để khách hàng sử dụng vốn sai mục đích. Thông qua quá trình theo dõi, ngân hàng có thể nắm bắt được khả năng tài chính của khách hàng có dấu hiệu không ổn như tình hình sản xuất - kinh doanh có trở ngại, thua lỗ. Ngân hàng cũng cần phải nâng cao khả năng dự đoán mức độ ảnh hưởng của các biến động về kinh tế - xã hội đến các ngành nghề kinh doanh của khách hàng vay vốn tại ngân hàng, nâng cao chất lượng thẩm định, thường xuyên có chính sách đào tạo cán bộ, nhân viên có trình độ chuyên môn để hạn chế những sai sót trong việc phân tích, đánh giá sai khách hàng.

Bảy là, nâng cao công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công nhân viên của ngân hàng: Thường xuyên bồi dưỡng, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, nhân viên; Định kỳ tổ chức các lớp bồi dưỡng nâng cao trình độ nghiệp vụ, giúp cán bộ tín dụng cập nhật và nắm rõ những quy định, quy chế mới được ban hành để họ có kiến thức chuyên môn thật vững vàng. Cụ thể, tập huấn thường xuyên về nghiệp vụ cho vay, cách thức quản lý rủi ro tín dụng, về kinh nghiệm xử lý tình huống.

Tám là, nâng cao vai trò của công tác thanh tra, kiểm tra: Công tác thanh tra, kiểm tra nội bộ cần được ngân hàng đẩy mạnh để góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả tín dụng, làm giảm tình trạng cán bộ tín dụng cho vay không đúng quy định của ngân hàng, như: vượt hạn mức, không có tài sản đảm bảo, sử dụng vốn sai mục đích; Thực hiện kiểm tra giám sát toàn diện các mặt, ưu tiên đi sâu kiểm tra các chuyên đề, các lĩnh vực dẫn đến tiêu cực; Nâng cao năng lực, trách nhiệm của cán bộ kiểm tra, kiểm soát và tự chịu trách nhiệm về kết quả kiểm tra của đơn vị.

Chín là, hiện đại hóa công nghệ thông tin: Ngân hàng cần trang bị và nâng cấp các chương trình phần mềm, xác lập hệ thống thông tin nội bộ, hoàn chỉnh đồng bộ để phục vụ kinh doanh, an toàn và hiệu quả, thuận lợi cho việc cung cấp thông tin kịp thời chính xác, giúp cho công tác chỉ đạo, điều hành hoạt động của ngân hàng một cách tốt nhất.

Mười là, đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng mạng lưới: Ngân hàng cần mở rộng mạng lưới hoạt động của đơn vị, hướng vào phân khúc khách hàng để chủ động mở rộng thị trường và chiếm thị phần lớn trong quá trình hội nhập; Mở rộng thêm phòng giao dịch để huy động nhiều hơn vốn nhàn rỗi của khách hàng và hỗ trợ đắc lực cho mảng dịch vụ bán lẻ.

5. Kết luận

Trong giai đoạn 2018 - 2020, Kienlongbank Cần Thơ đã có những thành tích tốt trong quá trình quản lý của Ngân hàng, song để có thể trở thành ngân hàng có tầm và uy tín, đòi hỏi hiệu quả hoạt động cho vay tại Kienlongbank Cần Thơ không ngừng đổi mới, phát triển hoạt động kinh doanh của đơn vị. Bài viết chỉ là một số ý kiến nhỏ phân tích về thực trạng hoạt động cho vay tại Kienlongbank Cần Thơ, với mong muốn hoạt động cho vay của Ngân hàng sẽ không ngừng được đổi mới, nâng cao dịch vụ để đảm bảo phục vụ tốt nhu cầu của khách hàng ở trong và ngoài địa phương.

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bùi Diệu Anh. (2013). Giáo trình Hoạt động kinh doanh ngân hàng. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Phương Đông.
  2. Dương Hữu Hạnh. (2012). Quản trị rủi ro ngân hàng. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động.
  3. Kienlongbank Cần Thơ (2021). Báo cáo thường niên các năm giai đoạn 2018 - 2020.
  4. Nguyễn Văn Tiến. (2012). Giáo trình Quản trị ngân hàng thương mại. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
  5. Nguyễn Đăng Dờn. (2014). Nghiệp vụ ngân hàng thương mại. Hà Nội: Nhà xuất bản Thống kê.
  6. Nguyễn Văn Tiến. (2015). Toàn tập Quản trị ngân hàng thương mại. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
  7. Sử Đình Thành và Vũ Thị Minh Hằng. (2008). Nhập môn Tài chính - Tiền tệ. Hà Nội: Nhà xuất bản Lao động - Xã hội.
  8. Trần Thị Xuân Hương và Hoàng Thị Minh Ngọc. (2013). Giáo trình Nghiệp vụ ngân hàng thương mại. TP. Hồ Chí Minh: Nhà xuất bản Kinh tế.

INNOVATING AND IMPROVING

THE ENDING ACTIVITIES OF KIEN LONG BANK - CAN THO BRANCH

• Ph.D TO THIEN HIEN

An Giang University, Vietnam National University - Ho Chi Minh City Campus

• Masters student VO TRONG THONG NHAT

Cuu Long University

ABSTRACT:

This paper reviews lending activities of Vietnams commercial banking system, presents an overview about the efficiency of lending activities of commercial banks, and analyzes the current consumer lending activities of Kien Long Commercial Joint Stock Bank - Can Tho Branch (Kien Long Bank - Can Tho) over the period from 2018 to 2020. Based on the papers findings, some solutions are prooposed to innovate and improve the lending activities of Kien Long Bank - Can Tho by 2025 in order to contribute to the socio - economic development of the locality and the country.

Keywords: individual, enterprise, lending activities, Kien Long Bank - Can Tho Branch.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, Số 17, tháng 7 năm 2021]