Quản lý học tập điện tử học phần đạo đức kinh doanh theo mô hình lớp học đảo ngược

TESOL. VÕ NGỌC THẢO (Phòng Sau đại học, Trường Đại học Sư phạm TP. Hồ Chí Minh)

TÓM TẮT:  

Bài báo trình bày sự khác biệt của cấu trúc mô hình quản lý học tập truyền thống và mô hình quản lý học tập điện tử Lớp học đảo ngược và hiện thực hóa các mô hình này thông qua quản lý học tập điện tử học phần Đạo đức kinh doanh.

Từ khóa: quản lý học tập điện tử, mô hình, lớp học đảo ngược, đạo đức kinh doanh.

1. Đặt vấn đề

         Chất lượng đào tạo đại học được hình thành từ chất lượng dạy học và quản lý hoạt động học tập của sinh viên (SV) ở mỗi môn học. Trong hoạt động dạy học và quản lý hoạt động học tập các môn học, việc tìm tòi và ứng dụng các mô hình quản lý hoạt động học tập hướng tới cấp độ cao nhất trong thang nhận thức của Bloom (1956) luôn là vấn đề được quan tâm. Trong suốtthời gian chịu ảnh hưởng đại dịch Covid-19, các trường đại học đều phải tổ chức dạy học và quản lý học tập trực tuyến, do vậy, yêu cầu lựa chọn mô hình quản lý để nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động học tập của SV càng cấp thiết. Mặt khác, trong các học phần dạy ở các trường đại học, “Đạo đức kinh doanh” là học phần mới, giảng viên (GV) chưa có nhiều kinh nghiệm giảng dạy. Vì các lý do đó, trong bài báo này, tác giả trình bày quản lý học tập điện tử (E-learning) học phần “Đạo đức kinh doanh” theo mô hình “Lớp học đảo ngược”.

2. Nội dung

2.1. Cấu trúc mô hình quản lý học tập “truyền thống” học phần “Đạo đức kinh doanh”

Mô hình truyền thống trong quản lý học tập học phần “Đạo đức kinh doanh” gồm 4 bước TFEC, được minh học thông qua quản lý học tập Chương 1 “Tổng quan về đạo đức kinh doanh”.

Bước 1. Theory (Lý thuyết): GV lên lớp giảng lý thuyết môn học, trình bày từ đầu quá trình hình thành kiến thức, kỹ năng, bao gồm: cơ sở lý thuyết của các chủ đề nội dung và các dạng bài tập. GV giới thiệu đề cương môn học và nội dung Chương 1: “Tổng quan về đạo đức kinh doanh (6 giờ):

  • Khái niệm về đạo đức và đạo đức kinh doanh.
  • Nguyên nhân của những hành vi phi đạo đức trong kinh doanh và những quan niệm sai lầm về đạo đức kinh doanh.
  • Lợi ích của việc kinh doanh có đạo đức.
  • Đạo đức kinh doanh và sự khác nhau giữa quy tắc/chính sách/pháp luật và đạo đức.

     GV trình bày các khái niệm nền tảng của môn học như: Đạo đức, đạo đức kinh doanh, thương hiệu,… Sự hình thành phạm trù đạo đức kinh doanh, lịch sử hình thành và phát triển khái niệm đạo đức kinh doanh. Vai trò của mâu thuẫn trong sự phát triển đạo đức kinh doanh.

Bước 2. For example (Ví dụ): GV trình bày ví dụ minh họa các chủ đề lý thuyết và mô tả các bước giải các dạng ví dụ, bài tập. Ví dụ: GV trình bày minh họa “Những tư tưởng triết học có ảnh hưởng và sự phát triển của Đạo đức kinh doanh”, bao gồm:

1). Tư tưởng triết lý đạo đức có ảnh hưởng đến kinh doanh từ phương Tây cổ đại: Đức trị và Pháp trị

2). Sự phát triển đạo đức kinh doanh ở phương Tây hiện đại.

Bước 3. Exercise (Bài tập): GV đặt câu hỏi bài tập, bao gồm các bài tương tự các ví dụ và các bài luyện tập quy trình giải các dạng toán, yêu cầu tất cả SV làm. Ví dụ như GV nêu cho SV các câu hỏi sau:

Câu 1.Trình bày sự xuất hiện của các vấn đề đạo đức trong kinh doanh.

Câu 2. Đạo đức kinh doanh nghiên cứu các vấn đề gì?

Câu 3. Trình bày đại cương về sự phát triển phạm trù Đạo đức kinh doanh ở Trung hoa cổ đại?

Câu 4. Vai trò của mâu thuẫn và phương pháp giải quyết mâu thuẫn trong sự phát triển của phạm trù Đạo đức kinh doanh.

Bước 4. Consolidate (Củng cố): GV hệ thống hóa kiến thức lý thuyết và bài tập đã học, ra bài tập về nhà cho SV luyện tập. GV củng cố hệ thống hóa lý thuyết thông qua các ví dụ về các tình huống thực tiễn, chẳng hạn như:

  1. Hãy nêu các minh họa về các vấn đề đạo đức kinh doanh điển hình ở các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam.
  2. Trong các tổ chức doanh nghiệp Việt Nam, những mâu thuẫn chủ yếu điển hình là những loại nào? Có thể nhận xét gì về cách thức giải quyết, can thiệp hay phản ứng của các đối tượng đối với các mâu thuẫn này?

2.2. Cấu trúc mô hình “Lớp học đảo ngược - Flipped classroom” trong quản lý học tập điện tử học phần: “Đạo đức kinh doanh”

      Hoạt động quản lý học tập điện tử  “Chương 1. Tổng quan về đạo đức kinh doanh” theo mô hình “Lớp học đảo ngược - Flipped Classroom”, Theo ([4]), gồm 2 giai đoạn:

Giai đoạn thứ nhất: Quản lý học tập điện tử “ảo” (trên trang trực tuyến - Giai đoạn pre-test): gồm 4 bước DEPF (Documentation;  Exercise; Practice; Feedback):

 Bước 1. Tài liệu (Documentation): GV đưa toàn bộ tài liệu học tập lên E-learning bao gồm: uploat các syllabus đề cương môn học, upload giáo trình “Đạo đức kinh doanh”; upload bài giảng Powerpoint và các Video về “Đạo đức kinh doanh”.

Nội dung bài giảng của GV đưa lên trang trực tuyến:

2.2.1.  Khái niệm đạo đức và đạo đức kinh doanh

* Khái niệm đạo đức

Đạo đức là hệ thống quy tắc, tiêu chuẩn, chuẩn mực xã hội, nhờ đó con người tự nguyện điều chỉnh hành vi của mình cho phù hợp với lợi ích của cộng đồng, xã hội. Theo ([3], tr 12)

* Khái niệm đạo đức kinh doanh

Đạo đức kinh doanh là một tập hợp các nguyên tắc, chuẩn mực có tác dụng điều chỉnh, đánh giá, hướng dẫn và kiểm soát hành vi của các chủ thể kinh doanh. Đạo đức kinh doanh chính là phạm trù đạo đức được vận dụng vào hoạt động kinh doanh. Đạo đức không phải mơ hồ, nó thực sự gắn liền với lợi ích kinh doanh.

2.2.2. Nguyên nhân của những hành vi phi đạo đức trong kinh doanh và những quan niệm sai lầm về đạo đức kinh doanh

Các hành vi phi đạo đức trong kinh doanh và những quan niệm sai lầm về đạo đức kinh doanh, thể hiện trong các lĩnh vực sau:

- Các biện pháp marketing phi đạo đức.

- Đạo đức trong hoạt động kế toán, tài chính.

- Đạo đức trong xem xét quan hệ với các đối tượng hữu quan.

- Đạo đức trong xem xét quan hệ với chủ sở hữu.

- Đạo đức trong xem xét quan hệ người lao động.

- Đạo đức trong xem xét quan hệ với khách hàng.

- Đạo đức trong xem xét quan hệ với đối thủ cạnh tranh.

2.2.3. Lợi ích của việc kinh doanh có đạo đức

       Lợi nhuận là một trong những yếu tố cần thiết cho sự tồn tại của một doanh nghiệp và là cơ sở đánh giá khả năng duy trì hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Tuy nhiên, nếu người quản lý doanh nghiệp hiểu sai bản chất của lợi nhuận và coi đấy là mục tiêu chính và duy nhất của hoạt động kinh doanh thì sự tồn tại của doanh nghiệp có thể bị đe dọa.

- Đạo đức trong kinh doanh góp phần điều chỉnh hành vi của các chủ thể.

- Đạo đức kinh doanh góp phần vào chất lượng của doanh nghiệp.

- Đạo đức kinh doanh góp phần vào sự cam kết và tận tâm của nhân viên.

- Đạo đức kinh doanh góp phần làm hài lòng khách hàng.

- Đạo đức kinh doanh góp phần tạo ra lợi nhuận cho doanh nghiệp.

- Đạo đức kinh doanh góp phần vào sự vững mạnh của nền kinh tế quốc gia.

2.2.4. Đạo đức kinh doanh và sự khác nhau giữa quy tắc/chính sách/pháp luật và đạo đức

- Sự khác biệt của đạo đức và pháp luật.

- Các nguyên tắc của đạo đức kinh doanh.

- Những nền tảng của sự phát triển đạo đức và đạo đức kinh doanh.

- Đối tượng điều chỉnh của đạo đức kinh doanh.

- Phạm vi áp dụng đạo đức kinh doanh.

- Đạo đức kinh doanh của doanh nghiệp.

- Trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường.

Bước 2. Exercise (Bài tập): GV đặt câu hỏi, bài tập trên trang trực tuyến là các bài luyện tập sau mỗi ví dụ của mỗi vấn đề và bổ sung thêm các câu hỏi và bài tập ôn tập, rèn kỹ năng.

*Một số câu hỏi  trắc nghiệm bổ sung đưa lên trang trực tuyến, ví dụ:

Câu 1. Văn hóa kinh doanh là gì? Phân tích các đặc trưng của văn hóa kinh doanh. Minh họa bằng một số trường hợp điển hình của Việt Nam.

Câu 2. Toàn cầu hóa kinh tế tác động như thế nào đến văn hóa kinh doanh? Toàn cầu hóa kinh tế có thể trở thành rào cản cho những doanh nghiệp muốn hoạt động trên trường quốc tế như thế nào?

*Một số câu hỏi, bài tập tự luận bổ sung đưa lên trang trực tuyến:

Câu 1. Hãy cho biết đặc trưng của giai đoạn phát triển đạo đức kinh doanh ở phương Tây (từ thập niên 60 trở lại). Đạo đức kinh doanh thực sự phát triển ở giai đoạn nào? Tại sao phương Đông từng sản sinh ra triết lý đạo đức Trung hoa cổ đại có giá trị lớn như vậy nhưng  lại không phải là nguồn gốc của đạo đức kinh doanh?

Câu 2. Tại sao mâu thuẫn về lợi ích lại phổ biến? Nhiều người cho rằng: trích tỉ lệ % là cách thức mới của nền kinh tế thị trường để phân phối lại lợi ích nhưng nhiều người cho rằng đó là hành vi vô đạo đức?

Bước 3. Practice (Thực hành): GV yêu cầu tất cả sinh viên làm tất cả các bài luyện tập. Sử dụng phần mềm “điểm danh” nên GV theo dõi được mức độ “chuyên cần” trong truy cập câu hỏi, bài tập của SV trên trang trực tuyến, nhắc nhở SV làm bài tập.

Bước 4. Feedback (Phản hồi): GV theo dõi các phản hồi của sinh viên trong quá trình giải các bài luyện tập. GV tương tác với SV giải đáp thắc mắc cho SV.

Giai đoạn thứ hai: Quản lý học tập điện tử với không gian và thời gian thực (Do GV trực tiếp thực hiện trên lớp): Gồm 4 bước SLKT (summary; Lecture; Knowledge development;  Test your knowledge).

Bước 5. Summary (Tổng kết): GV tổng kết những ý kiến phản hồi của sinh viên trên trang trực tuyến; kiểm tra thu hoạch của sinh viên bằng bài test ngắn (pre-test).

Bài kiểm tra pre-test:

Câu 1: Hãy trình bày các vấn đề đạo đức trong tuyển dụng, bổ nhiệm và sử dụng lao động trong doanh nghiệp.

 Câu 2: Có ý kiến cho rằng: Hành vi hợp đạo đức của người quản lý trong đánh giá người lao động là người quản lý không được đánh giá người lao động trên cơ sở định kiến. Anh (chị) hãy phân tích ý kiến trên?

Bước 6. Lecture (Giảng bài): GV lên lớp rà soát nội dung bài giảng giải đáp thắc mắc, giải thích các vấn đề mà SV còn gặp khó khăn. Vấn đề khó khăn mà sinh viên gặp phải khi tự học chủ đề này.

Vấn đề khó khăn của sinh viên: Phân biệt đạo đức và pháp luật?

Bước 7. Knowledge development (Phát triển kiến thức): Giảng viên hướng dẫn sinh viên cách thức phát triển, nâng cao các kiến thức về khái niệm đạo đức kinh doanh.

Các vấn đề bổ sung, phát triển, nâng cao.        

* Vấn đề 1. Tìm hiểu sâu hơn khái niệm đạo đức

a). Khái niệm đạo đức; b). Vai trò của đạo đức.

*Vấn đề 2. Rủi ro đạo đức (tiếng Anh: moral hazard) là một thuật ngữ kinh tế học và tài chính được sử dụng để chỉ một loại rủi ro phát sinh khi đạo đức của chủ thể kinh tế bị suy thoái. Rủi ro đạo đức là một kiểu thất bại thị trường nảy sinh trong môi trường thông tin phi đối xứng. a). Các tình huống xuất hiện rủi ro đạo đức; b). Biện pháp phòng ngừa rủi ro đạo đức.

Vấn đề 3. Thương hiệu: a). Thương hiệu (brand) là gì?; b). Giá trị của thương hiệu đối với doanh nghiệp; c). Điều gì tạo nên thương hiệu?

Vấn đề 4. Nâng cao đạo đức kinh doanh và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp trong nền kinh tế thị trường: a). Về phía cơ quan quản lý; b). Về phía doanh nghiệp.

Bước 8. Test your knowledge (Kiểm tra kiến thức đã học): GV ra bài kiểm tra ngắn để đánh giá kết quả lĩnh hội kiến thức của sinh viên.

Bài kiểm tra post-inspection.

Câu 1. Từ thực tiễn Việt Nam, nhiều nhà nghiên cứu đã tổng kết đặc điểm chung của doanh nhân Việt thành đạt là: Tâm - Tài - Trí - Dũng và có thể gọi với tên gọi “Đạo kinh doanh của Doanh nhân Việt”. Anh (chị) hiểu những phẩm chất này như thế nào?

Câu 2 . Hãy trình bày các bước mà nhà quản lý cần tiến hành để khống chế và loại trừ tệ nạn quấy rối tình dục nơi công sở.

2.3. So sánh lớp học truyền thống và  lớp học Flipped Classroom

   Với mô hình quản lý học tập truyền thống, SV chỉ được tiếp cận kiến thức từ thời điểm GV lên lớp “giảng bài”, SV không có thời gian tìm hiểu về môn học, không được chuẩn bị trước về bài học mà còn trong giờ GV giảng dạy cũng không có đủ thời gian SV triển khai các hoạt động khám phá, sáng tạo. Do vậy, theo thang nhận thức của Bloom, mô hình quản lý học tập “truyền thống” chỉ đạt được 3 cấp độ đầu tiên: 1. Nhớ/Biết (Remembering); 2. Hiểu (Understanding); 3. Vận dụng (Applying).

      Với mô hình quản lý học tập “Flipped Classroom”, giảng viên phải “tái cấu trúc” nội dung dạy học, hoàn thành giáo trình, bài giảng Powerborn. Bài giảng Video clip đưa lên trang trực tuyến trước khi SV học “trực tiếp” với GV. SV phải dành “thời gian không hạn chế” để tự học: Đọc giáo trình, xem bài giảng Powerpoit, tham khảo các video, tương tác với bạn học và tương tác với GV về nội dung bài học. Nhờ vậy, trước khi lên lớp, SV đã nắm được cơ bản nội dung bài học. Theo thang Bloom, SV đã có thể đạt được 3 mức độ nhận thức đầu tiên: 1. Nhớ/Biết (Remembering); 2. Hiểu (Understanding); 3. Vận dụng (Applying). Khi lên lớp, GV rà soát lại các nội dung dạy học, tương tác với sinh viên và thảo luận với sinh viên các vấn đề phát triển, nâng cao, do vậy kết quả học tập có thể nâng lên 3 cấp độ sau: 4. Phân tích (Analyzing); 5. Đánh giá (Evaluating); 6. Sáng tạo (Creating). Như vậy, quản lý học tập điện tử theo mô hình “Flipped Classroom” có thể đưa chuẩn đầu ra lên bậc phân tích, đánh giá và sáng tạo, giúp cho SV đáp ứng được các yêu cầu không ngừng thay đổi của thị trường lao động, trong cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

3. Kết luận và kiến nghị

      Trong quản lý học tập truyền thống, SV chủ yếu “lệ thuộc” vào GV trong quá trình thu nhận kiến thức. Với mô hình “Flipped Classroom”, sử dụng trong quản lý học tập điện tử, có thể tạo cho sinh viên cơ hội chủ động học tập, nghiên cứu kiến thức, phát triển và sáng tạo về thời gian (học bất kì lúc nào) và không gian (học bất kì ở đâu). Do vậy, “Flipped Classroom” là mô hình có giá trị thực tiễn cao, không những giải quyết được các “chướng ngại” trong quản lý học tập truyền thống mà còn góp phần “hiện thực hóa” yêu cầu tích cực hóa hoạt động học tập và nghiên cứu khoa học của SV, nhờ vậy, kết quả học tập có thể đạt được 3 bậc: “phân tích, đánh giá, sáng tạo”. Tuy nhiên, để quản lý học tập điện tử với mô hình “Flipped Classroom” có hiệu quả cao, GV cần gia công nhiều hơn nữa trong “tái cấu trúc” các nội dung dạy học và khai thác tốt tài nguyên của môi trường E-Learning. Tác giả cho rằng, việc mở rộng mô hình này trong dạy học tất cả các môn học, không chỉ trong dạy học E-Learning mà cả dạy học truyền thống sẽ đem lại kết quả tích cực về chất lượng đào tạo trong các trường đại học.

 

TÀI LIỆU THAM KHẢO:

  1. Bộ Giáo dục và Đào tạo (2016). Thông tư số: 12/2016/TT-BGDĐT quy định ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý, tổ chức đào tạo qua mạng. Hà Nội, ngày 22/4/2016.
  2. Trần Kiểm (2004). Khoa học quản lý giáo dục - Một số vấn đề lý luận và thực tiễn. Nhà xuất bản Giáo dục, TP. Hồ Chí Minh.
  3. Nguyễn Mạnh Quân (2013). Giáo trình Đạo đức kinh doanh và văn hóa công ty. Trường Đại học Kinh tế quốc dân.
  4. Trường Đại học Văn Lang (2000). Kỹ năng giảng dạy Online - Thinking School và Bài giảng - Lớp học đảo ngược - Flipped Classrom. Truy cập tại: https://thinkingschool.vn/vanlanguni.

            

THE ELECTRONIC LEARNING MANAGEMENT IN THE FLIPPED CLASSROOM MODEL FOR BUSINESS ETHICS COURSE

TESOL. VO NGOC THAO

Office of Postgraduate Studies, Ho Chi Minh City University of Education

ABSTRACT:

This paper presents the difference between the structure of the traditional learning management model and the electronic learning management in the flipped classroom model. This paper also presents how to realize the electronic learning management in the flipped classroom model for Business Ethics Course.

Keywords: e-learning management, flipped classroom model, business ethics.

[Tạp chí Công Thương - Các kết quả nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ, 

Số 1, tháng 1 năm 2022]