4 mục tiêu bao gồm:
a). Nâng cao năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nhằm chuẩn bị những hành trang cần thiết để tiếp cận và khai thác thị trường EU một cách chủ động, hiệu quả;
b). Định hướng, hỗ trợ xây dựng kế hoạch hoạt động xúc tiến thương mại (XTTM) mang tính trung và dài hạn, bài bản phù hợp với thị trường EU cho những ngành hàng có lợi thế cạnh tranh của Việt Nam;
c). Tạo cơ hội cho doanh nghiệp, nhà xuất khẩu, hiệp hội tận dụng hiệu quả các nguồn lực, tối đa hóa lợi ích mà các cam kết của hiệp định EVFTA mang lại;
d). Bảo đảm cân bằng các yếu tố xuất khẩu bền vững – bên cạnh chỉ tiêu tăng trưởng về số lượng (kim ngạch và thị phần xuất khẩu), tăng cường chất lượng xuất khẩu (mức độ đa dạng về sản phẩm, dịch vụ và thị trường; chất lượng sản phẩm và dịch vụ xuất khẩu; khả năng tận dụng EVFTA thiết lập chuỗi giá trị bền vững)
Kế hoạch giai đoạn 2020-2025
Thứ nhất, với góc độ tiếp cận về thị trường, Cục XTTM đề xuất các nội dung hoạt động XTTM phát triển thị trường theo hướng đảm bảo mức độ sáng tạo, đa dạng hình thức nhưng có sự phối hợp và bổ trợ lẫn nhau, cụ thể:
- Kết hợp tuyên truyền, quảng bá bằng nhiều hình thức, trên các phương tiện khác nhau cho các sản phẩm/dịch vụ của Việt Nam trước trong và sau mỗi hoạt động XTTM;
- Tối thiểu mỗi thị trường lớn, trọng điểm: hàng năm thực hiện 2 đến 3 hoạt động XTTM tại thị trường và 1 hoạt động đón đoàn mua hàng vào cho 5 ngành hàng/mặt hàng trọng điểm.
- Mỗi thị trường mới: hàng năm thực hiện 1 hoạt động XTTM tại thị trường và 1 đoàn khách mua hàng vào Việt Nam.
- Hoạt động XTTM tại thị trường: hội chợ, hội nghị giới thiệu tiềm năng cung ứng, tổ chức đoàn XTTM, kết nối kinh doanh, tuyên truyền quảng bá thông qua hệ thống thương vụ, các tổ chức tương đồng hoặc đơn vị tư vấn.
- Hoạt động XTTM định hướng xuất khẩu tại Việt Nam: đón khách mua hàng, hội nghị quốc tế, giới thiệu tiềm năng, năng lực, các hoạt động kết nối kinh doanh (business matching), hội chợ triển lãm ngược, …
- Có thể kết hợp 1 thị trường lớn và 1 thị trường mới ở cùng khu vực để tăng tính khả thi trong việc mời doanh nghiệp và tổ chức đoàn.
- Kết hợp nhiều sự kiện (ví dụ: đoàn giao thương kết hợp làm việc tại hội chợ chuyên ngành hoặc sự kiện diễn đàn doanh nghiệp lớn tại thị trường triển khai hoạt động xúc tiến); kết hợp nguồn lực và chương trình của địa phương gắn kết hoạt động XTTM ngành hàng cho cùng 1 chương trình.
Thứ hai, về công tác tuyên truyền, phổ biến thông tin về Hiệp định EVFTA và thị trường các nước đối tác EVFTA, liên quan đến nghiệp vụ XTTM, Cục XTTM đề xuất 3 hoạt động triển khai ngay sau khi Hiệp định được phê chuẩn:
(i) Xây dựng cẩm nang xuất khẩu hướng dẫn những thông tin cụ thể, chi tiết về các yêu cầu kỹ thuật, quy định, thực tiễn về quản lý XNK và phòng vệ thương mại, xây dựng chiến lược tiếp cận và khai thác cơ hội thị trường hiệu quả đối với ngành hàng xuất khẩu tiềm năng sang các nước đối tác EVFTA (dệt may, đồ gỗ, cà phê);
(ii) Bản tin thị trường trực tuyến nhằm giới thiệu thông tin về thị trường các nước đối tác EVFTA;
(iii) Tổ chức diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam - EU tại Brussels giới thiệu cơ hội và tiềm năng khai thác EVFTA với sự tham dự của lãnh đạo cấp cao hai bên.
Thứ ba, về công tác XTTM nâng cao năng lực cạnh tranh và phát triển nguồn nhân lực, trong giai đoạn 5 năm đầu Hiệp định có hiệu lực, đề xuất triển khai 5 nội dung.
Một là truyền thông, quảng bá hình ảnh thương hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý Việt Nam hướng tới thị trường EU.
Hai là xây dựng và phổ biến tới doanh nghiệp các báo cáo nghiên cứu thị trường chuyên đề đối với sản phẩm thế mạnh xuất khẩu sang EU để cập nhật thông tin và những thay đổi diễn biến thương mại giúp doanh nghiệp kịp thời điều chỉnh các hoạt động sản xuất kinh doanh phù hợp với tín hiệu của thị trường.
Ba là hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp các giải pháp phát triển bền vững cho doanh nghiệp hướng tới tiêu chí xanh nhằm tiếp cận thị trường, định vị sản phẩm trên thị trường quốc tế, phù hợp với xu hướng tiêu dùng thân thiện với môi trường của người tiêu dùng tại các nước EU.
Bốn là tăng cường các hoạt động XTTM thông qua Thương mại điện tử, xây dựng ứng dung (App) truy xuất nguồn gốc phục vụ các doanh nghiệp có tiềm năng xuất khẩu giúp tạo được sự hiểu biết, lòng tin của người tiêu dùng đối với sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam.
Năm là xây dựng, phổ biến cho các địa phương áp dụng Hệ sinh thái về XTTM, kết nối giao thương trực tuyến với thị trường EU, nhất là hệ thống tham tán thương mại Việt Nam.