Từ hỗ trợ doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử, giao thương trực tuyến…
PV: Một phương thức xúc tiến thương mại được đánh giá hiệu quả trong thời gian qua là ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến xuất khẩu. Cụ thể, hiệu quả xúc tiến mở rộng thị trường qua phương thức này trong thời gian qua như thế nào?
Cục trưởng Vũ Bá Phú: Các hoạt động xúc tiến thương mại từ trước đến nay chúng ta cơ bản là vẫn hiểu là phải đi tham dự hội chợ, tổ chức cuộc gặp gỡ, giao thương kết nối người với người ở trên địa bàn cụ thể, trên thị trường cụ thể... Tuy nhiên, trong thời gian qua cũng vì dịch bệnh nên Cục XTTM đã phối hợp với các đơn vị liên quan đã triển khai thực hiện nhiều hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động xúc tiến thương mại và điều này cho thấy bước đầu có những kết quả nhất định.
Ví dụ như chương trình đầu tiên mà Cục Xúc tiến thương mại đã hợp tác với Amazon Global Selling trong suốt 2 năm qua. Đây là dự án mà Cục Xúc tiến thương mại phối hợp với Amazon để hỗ trợ và đào tạo doanh nghiệp kinh doanh trên nền tảng thương mại điện tử của Amazon, hỗ trợ các doanh nghiệp xúc tiến xuất khẩu sản phẩm của họ bằng thương hiệu của chính họ qua môi trường thương mại điện tử của Amazon. Trong suốt 2 năm qua thì các chương trình này cũng đã giúp cho doanh nghiệp tìm kiếm được thị trường xuất khẩu.
Cụ thể ở đây là thị trường Mỹ, rất nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ có thể tiếp cận trực tiếp được với thị trường Hoa Kỳ một cách hiệu quả, vừa giảm được chi phí mà lại vừa xuất khẩu trực tiếp tới thị trường Hoa Kỳ bằng thương hiệu của mình mà không cần phải qua những trung gian xuất khẩu khác, không phải qua những công ty hay là tập đoàn xuất khẩu khác mà dưới thương hiệu của họ. Đây là một phương thức rất hiệu quả.
Trong thời gian tới, Cục Xúc tiến thương mại cùng với Amazon Global Selling sẽ tiếp tục đào tạo cũng như huấn luyện các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam có nhu cầu xuất khẩu hàng hoá của mình sang thị trường Hoa Kỳ và những thị trường khác. Cụ thể ở đây như là những thị trường mà Amazon có hiện diện như EU, Nhật Bản, Singapore, Nam Mỹ,… Đây là một chương trình mà các doanh nghiệp trong tương lai có thể dựa vào để xuất khẩu hàng hoá của mình trực tiếp tới các thị trường xuất khẩu trên thế giới, mà tiết kiệm chi phí và qua đó nâng cao năng lực cạnh tranh.
Bên cạnh Amazon thì trong thời gian tới Cục Xúc tiến thương mại cũng có thể làm việc với các đối tác khác như nước ngoài như là Alibaba, Tensen của Trung Quốc. Đây cũng là những tập đoàn thương mại điện tử rất lớn của Trung Quốc và có thể hướng tới những thị trường xuất khẩu rất lớn của Trung Quốc là hơn 1 tỷ dân, gần 1,5 tỷ dân, để các doanh nghiệp có thể tiếp cận được thị trường này một cách hiệu quả.
Bên cạnh đó thì ở bên Ấn Độ chúng tôi cũng dự kiến và đã có bước đầu trao đổi với đối tác ở Ấn Độ, có thể triển khai các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp thông qua việc ứng dụng thương mại điện tử để xuất khẩu hàng hoá của mình. Đấy là chương trình thứ nhất mà Cục Xúc tiến thương mại đã, đang làm thời gian qua và sẽ làm trong thời gian tới.
Chương trình thứ 2, Cục đã xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu về các doanh nghiệp xuất khẩu, nhập khẩu để cung cấp cho các đối tác tiềm năng trên thế giới. Cụ thể ở đây chúng tôi đã xây dựng hệ thống CRM (quản trị dữ liệu các nhà xuất khẩu – nhập khẩu), qua hệ thống này chúng tôi đã tập hợp được trên 5.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam theo từng lĩnh vực, ngành hàng. Sau đó, chúng tôi cho phép kết nối trực tiếp hệ thống cơ sở dữ liệu này với hệ thống tham tán Việt Nam ở trên 50 nước trên thế giới, cũng như Văn phòng xúc tiến thương mại của Việt Nam ở nước ngoài.
Thông qua cơ sở dữ liệu này, mỗi khi có doanh nghiệp hay nhà nhập khẩu nào ở nước ngoài có nhu cầu thì các tham tán thương mại của chúng ta ở nước ngoài có thể vào hệ thống cơ sở dữ liệu này và hỏi, giới thiệu trực tiếp cho những doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, qua đó tiết kiệm được thời gian cũng như giúp các doanh nghiệp Việt Nam kết nối nhanh hơn với các nhà nhập khẩu của nước ngoài hoặc các nhà xuất khẩu của nước ngoài.
Chúng ta đã biết rằng là trong tổng số trên 700.000 doanh nghiệp của Việt Nam thì có khoảng 100.000 doanh nghiệp hiện nay đang tham gia vào hoạt động xuất nhập khẩu trực tiếp. Trong thời gian tới, chúng tôi phấn đấu xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu giúp kết nối được cả 100.000 doanh nghiệp của chúng ta đang tham gia hoạt động xuất nhập khẩu với hệ thống tham tán cũng như các đối tác của Vietrade trên toàn thế giới (Chẳng hạn như với các cơ quan xúc tiến thương mại của nước ngoài như JETRO, KOTRA, Chile,…).
Qua đó, sẽ giúp kết nối trực tiếp hệ thống cơ sở dữ liệu của 100.000 doanh nghiệp này với các đối tác thuộc quyền quản trị dữ liệu của các cơ quan xúc tiến thương mại, đối tác nước ngoài của Vietrade. Như vậy, sẽ giúp 100.000 doanh nghiệp xuất nhập khẩu của ta tiết kiệm được thời gian, chi phí để kết nối với đối tác của mình trong thời gian tới.
Một phương thức xúc tiến thương mại mới mà chúng tôi thấy rất hiệu quả, cũng như khắc phục được những khó khăn do việc không thể đi lại, không thể tiếp cận trực tiếp trên thị trường xuất khẩu trong thời gian qua của các doanh nghiệp xuất khẩu đó là việc kết nối giao thương trực tuyến với đối tác nước ngoài trên các nền tảng công nghệ thông tin. Ngay từ khi Covid-19 mới xảy ra, Cục đã trao đổi với các đối tác nước ngoài và tổ chức được nhiều hội nghị kết nối giao thương trực tuyến cho doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam với các đối tác nước ngoài.
Cụ thể, chúng tôi đã tổ chức nhiều hội nghị giao thường trực tuyến giữa các doanh nghiệp xuất khẩu của Quảng Tây (Trung Quốc), của Tứ Xuyên (Trung Quốc), của Vân Nam (Trung Quốc) với các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, đặc biệt là đối với nhóm ngành hàng nông sản, rau quả, trái cây và thuỷ sản. Do dịch bệnh thì các doanh nghiệp xuất khẩu của chúng ta không thể sang Trung Quốc để tiếp cận thị trường mà trao đổi, bàn bạc hay là đàm phán, ký kết hợp đồng được.
Ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc, các nhà nhập khẩu Trung Quốc cũng không thể sang Việt Nam được, cho nên chúng tôi tổ chức những hội thảo giao thương, hội nghị giao thương trực tuyến với các đối tác Trung Quốc, qua đó giúp doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam đàm phán, ký kết các hợp đồng mà không phải sang Trung Quốc. Điều này rất hiệu quả cho doanh nghiệp, tháo gỡ được những khó khăn cho doanh nghiệp.
Tương tự như vậy thì chúng tôi cũng tổ chức nhiều hoạt động hội nghị giao thương trực tuyến với các đối tác khác như Ấn Độ, Hoa Kỳ, Nga, Singapore trong 3 tháng qua. Những hội nghị giao thương trực tuyến này đã giúp cho hàng vạn doanh nghiệp của chúng ta tiếp cận được với thị trường và ký kết được nhiều hợp đông mà không phải đi ra nước ngoài, thì đây là một phương thức hiệu quả.
Một hoạt động nữa phải kể đến, đó là trong thời gian qua, Cục Xúc tiến thương mại cũng tăng cường các hoạt động kết nối doanh nghiệp với hệ thống tham tán và những đối tác khác bằng những nền tảng internet khác. Ví dụ, chúng tôi đã lập những nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam với các đối tác nước ngoài trên nền tảng Viber, Zalo, fanpage trên Facebook và qua đó tập hợp, kết nối tất cả hệ thống tham tán ở nước ngoài, các đại sứ của chúng ta ở nước ngoài, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam, các thành viên đại diện của Hiệp hội của Việt Nam, cả cơ quan quản lý nhà nước, các địa phương. Các thành viên trên diễn đàn này có thể trao đổi cơ hội kinh doanh cũng như thông tin cần thiết, và quan trọng nhất là kết nối được trực tiếp với hệ thống tham tán của chúng ta bên ngoài một cách rất hiệu quả, thông qua sự quản trị của Cục xúc tiến thương mại.
Những nhóm này hoạt động 24/24, chuyên viên Cục xúc tiến thương mại chúng tôi đã tổ chức quản trị thông tin các nhóm trên 24/24 và trên khắp toàn cầu. Bất cứ một yêu cầu nào từ các nhà nhập khẩu hay các đồng chí Tham tán gửi về thông qua những nhóm này thì chúng tôi đều duyệt và chuyển đến những địa chỉ cần thiết ngay lập tức. Ngược lại thì những thông tin, nhu cầu xuất - nhập khẩu nào từ phía doanh nghiệp mà cần đến thị trường xuất khẩu có sự hiện diện của các tham tán thì chúng tôi cũng lập tức chuyển qua các đồng chí tham tán vào các thị trường sở tại một cách nhanh chóng, kịp thời. Chúng tôi nhận thấy rằng đây là một giải pháp mà hỗ trợ bổ sung cho hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống rất hiệu quả trong thời gian qua, đặc biệt là trong bối cảnh mà mà doanh nghiệp Việt Nam không thể đi được ra nước ngoài để tiếp cận khách hàng.
… Tới xây dựng hệ sinh thái về xúc tiến thương mại
PV: Trong thời gian tới, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin sẽ được phát triển như thế nào để duy trì hiệu quả trong hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại, thưa ông?
Cục trưởng Vũ Bá Phú: Về lâu dài, Cục Xúc tiến thương mại cũng đã báo cáo Bộ trưởng, các đồng chí lãnh đạo Bộ để xây dựng một Hệ sinh thái về Xúc tiến thương mại, một nền tảng công nghệ thông tin ứng dụng vào hoạt động xúc tiến thương mại một cách toàn diện. Chúng tôi gọi đó là hệ sinh thái về xúc tiến thương mại trên môi trường công nghệ thông tin vì nó cho phép người dùng là doanh nghiệp, nhà xuất khẩu có thể tải miễn phí từ Apple Store hay Android để sử dụng trên điện thoại thông minh, ipad, máy tính. Hệ sinh thái này có các mô đun chức năng như sau:
Một là, cho phép cùng một lúc thì người sử dụng có thể tìm kiếm được những hội chợ ở trong nước và quốc tế có liên quan đến ngành hàng của Việt Nam, ngành hàng xuất khẩu, nhập khẩu chủ lực của Việt Nam. Theo đó, họ có thể quản trị hệ thống thông tin các đối tượng là những người tham dự hội chợ, khách tham dự hội chợ này hoặc tìm kiếm các đối tác trên những hội chợ đó, đồng thời cho phép làm những gian hàng, hội chợ ảo tham gia vào đây và những doanh nghiệp hoặc người mua, bên mua có nhu cầu thì có thể vào tìm kiếm đối tác của mình, thì đấy là chức năng thứ nhất.
Hai là, kết nối các nhà xuất khẩu với các nhà nhập khẩu trong nước với nước ngoài. Chức năng này cho phép các doanh nghiệp trên khắp thế giới có thể tìm kiếm người bán hoặc các doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam cũng như doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm trực tiếp tới người mua/bán trên khắp thế giới thông qua việc đăng ký và tải xuống, sử dụng app. Trên thế giới một số cơ quan xúc tiến thương mại cũng đã có sử dụng, đã có chức năng này trên nền tảng công nghệ thông tin của họ, chẳng hạn như của HKTDC của Hong Kong - Trung Quốc, hệ thống Trade Commission của Canada, v.v… Chúng tôi học tập mô hình này và ứng dụng vào nền tảng công nghệ thông tin của Cục xúc tiến thương mại và cho phép doanh nghiệp có thể kết nối trực tiếp của các nhà xuất khẩu, nhập khẩu của họ ở nước ngoài trong tương lai.
Ba là, thông báo và quản lý hội nghị, sự kiện liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại. Tức là, cũng giống như hội chợ, thì cùng một lúc các doanh nghiệp Việt Nam có thể tìm kiếm được những hội nghị đã, đang và sẽ được tổ chức liên quan đến hoạt động xúc tiến thương mại. Điều này cho phép doanh nghiệp của Việt Nam có thể đăng ký tham gia vào hội nghị hay những sự kiện về xúc tiến thương mại mà họ quan tâm. Cụ thể, như Hội nghị kết nối giao thương trực tiếp không phải là online nữa mà Hội nghị kết nối giao thương trực tiếp trong tương lai, khi Covid-19 qua đi thì họ có thể gặp gỡ các đối tác của mình, tham gia hội nghị xúc tiến kết nối cung cầu v.v…
Bốn là, mặt khác, chúng ta đã biết rằng là Cục Xúc tiến thương mại là cơ quan giúp Bộ trưởng quản lý nhà nước về hoạt động khuyến mại trên phạm vi toàn quốc. Thế thì người sử dụng app này có thể tìm kiếm cùng một lúc những hoạt động khuyến mại trên khắp cả nước đã, đang, sẽ diễn ra, có thể tìm kiếm, lựa chọn ra những món hàng có mức khuyến mại cao nhất mà họ quan tâm để tìm mua. Nền tảng hệ sinh thái này cho phép các doanh nghiệp của Việt Nam cùng một lúc có thể ứng dụng toàn diện hoạt động xúc tiến thương mại của mình trên công cụ này.
Năm là, vì sao gọi là hệ sinh thái, vì ở đó có người bán, có người mua, có doanh nghiệp, có người sử dụng, có người tiêu dùng nhưng còn phải có một bên thứ ba nữa, đó là các bên cung cấp dịch vụ hỗ trợ cho xúc tiến thương mại. Trong chức năng này, chúng tôi sẽ tập hợp các nhà cung cấp dịch vụ chuyên nghiệp một cách nhanh chóng và đảm bảo sự tin cậy. Qua công cụ này, các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể tìm kiếm các ngân hàng, công ty bảo hiểm, những bên chứng nhận phù hợp yêu cầu của mình. Chẳng hạn như thời gian qua chúng ta thấy rất rõ là hàng hoá thiết bị y tế của chúng ta như khẩu trang muốn xuất khẩu vào Mỹ thì cần phải có chứng chỉ CE hoặc FDA của Hoa Kỳ. Thế thì ai là người cung cấp những chứng nhận này? Thì ở trong app này của chúng tôi sẽ danh mục các tổ chức cung cấp dịch vụ giúp doanh nghiệp đạt được các chứng nhận này.
Hoặc là chẳng hạn như khi làm thương mại điện tử thì chúng ta đã biết rồi, không phải doanh nghiệp nào cũng có nhân sự về việc quản trị mạng, quản trị gian hàng của mình. Thế thì bây giờ sinh ra một nghề mới, đó là nghề gọi là Account Management, tức quản trị gian hàng của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại điện tử. Thế thì tìm ở đâu? Nhiều khi doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, loay hoay không biết là tìm nhà cung cấp dịch vụ đáng tin cậy của mình ở đâu, thì tìm ở đó, trong mục những nhà cung cấp dịch vụ.
Trước khi giới thiệu những nhà cung cấp dịch vụ vào đây thì chúng tôi sẽ phải thẩm định về năng lực của họ để đảm bảo doanh nghiệp xuất khẩu của ta được tư vấn, hỗ trợ bằng các dịch vụ chất lượng, uy tín, bảo đảm. Theo đó, các doanh nghiệp khi tìm kiếm đối tác và các nhà cung cấp dịch vụ của mình trên hệ sinh thái của chúng tôi có thể hoàn toàn yên tâm về tư cách pháp nhân cũng như năng lực, trình độ, mức chuyên nghiệp của các nhà cung cấp dịch vụ.
Đó là những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại trong thời gian qua và chúng tôi dự kiến sẽ đẩy mạnh hoạt động của mình trong thời gian tới.
Tôi cho rằng hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin vào xúc tiến thương mại thì không thể thay thế các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống được. Chắc chắn là như vậy, trong tương lai nó cũng không thể thay thế được. Chúng ta có thể thấy rằng các nước khác phát triển khác như Mỹ, EU, Nhật Bản khi hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống như hội chợ, kết nối giao thương họ vẫn tổ chức bình thường, bên cạnh những nền tảng công nghệ thông tin rất phát triển của họ để nhằm hỗ trợ cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu tìm kiếm đối tác của mình. Tuy nhiên thì họ vẫn không thể bỏ được, bởi vì tập quán của các hoạt động xuất nhập khẩu và thương mại quốc tế đó là họ cần phải có gặp gỡ, cần phải có đàm phán, cần phải có là sờ nắm, thử mẫu, xem hàng mẫu. Chúng tôi hoàn toàn ý thức được điều đó.
Tuy nhiên, chúng tôi cũng thấy rằng và cho rằng là những ứng dụng trên công nghệ thông tin này sẽ giúp cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu của Việt Nam có thể thêm một phương thức mới bổ sung cho các hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống rất hiệu quả. Chẳng hạn như những hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin này có thể là hoạt động chuẩn bị cho những hoạt động xúc tiến thương mại truyền thống và thay vì việc họ phải qua lại Mỹ, EU nhiều lần thì có thể tiết kiệm được chi phí. Họ chuẩn bị thông qua những ứng dụng công nghệ thông tin này và đến khi mà họ gặp nhau thì chỉ là lần cuối để ký kết hợp đồng thôi.
Điều này cho thấy là nó sẽ giúp doanh nghiệp tiết kiệm chi phí và đặc biệt là tiết kiệm được thời gian, giúp kết nối được trực tiếp, tăng cường được cơ hội gặp gỡ, giao lưu, giao kết được với các đối tác tiềm năng nước ngoài. Nếu như trước đây họ chỉ gặp được một chục, hoặc thậm chí là vài chục, là nhiều, các đối tác tiềm năng của mình trong mỗi chuyến đi, thì, thông qua những nền tảng thương mại điện tử này, ngày nay các doanh nghiệp có thể tiếp cận được tới hàng trăm, thậm chí là hàng nghìn đối tác của mình một cách rất nhanh chóng, hiệu quả để giới thiệu sản phẩm của mình, giới thiệu hàng hoá xuất khẩu của mình.
Trong thời gian qua thì tôi thấy là con số hàng vạn doanh nghiệp được hỗ trợ kết nối giao thương với các đối tác ngoài của mình thông qua hội nghị giao thương trực tuyến. Rất nhiều triệu đô la hợp đồng đã được ký kết thông qua những hội nghị giao thương trực tuyến này, những nhóm group Zalo, Viber, Facebook thì cũng đã giúp hàng trăm nghìn doanh nghiệp của Việt Nam có thể kết nối được với cả các thị trường nước ngoài mà không phải đi lại.
Tôi hy vọng rằng trong thời gian tới chúng tôi sẽ phát huy những hoạt động này và đặc biệt khi mà chúng tôi đưa vào sử dụng hệ sinh thái về xúc tiến thương mại, nó sẽ giúp cho doanh nghiệp tăng cường cơ hội hơn nữa, một cách tiện dụng và hiệu quả hơn nữa trong các hoạt động xúc tiến thương mại của mình.