Hiện ngành may đang thiếu đơn hàng, giá gia công giảm sâu; ngành sợi vừa bị giảm giá lại không bán được hàng; ngành dệt thiếu vốn, thiếu kỹ thuật công nghệ, thiếu điều kiện hấp dẫn để kêu gọi đầu tư từ nước ngoài… Nguyên nhân gì dẫn đến tình trạng này?
Về khách quan, hàng may Việt Nam mất lợi thế cạnh tranh so với các nước xuất khẩu (cùng trong Top 4) là Ấn Độ và Banglades.
Hai nước này năm 2018 đều có kim ngạch xuất khẩu tương đương Việt Nam (35-37 tỷ USD), nhưng có nhiều lợi thế hơn: Tiền lương tối thiểu từ 100-120 USD/người (Việt Nam trên 200 USD/người);
Dân số của Banglades trên 165 triệu dân, Ấn Độ là 1,34 tỷ dân (Việt Nam là 95 triệu dân); nguồn bông, vải tự cung cấp từ 90-100% (Việt Nam khoảng 20%); nhà nước có nhiều chính sách hỗ trợ doanh nghiệp dệt, may xuất khẩu (hoàn thuế VAT với tỷ lệ cao, lãi suất tín dụng thấp, nhà nước xử lý nước thải tập trung cho các khu công nghiệp dệt nhuộm …);
Tỷ giá đồng nội tệ của 2 nước này so với USD liên tục giảm (năm 2018 là 12-15% và 6 tháng đầu năm 2019 là 5-6%); thuể nhập khẩu trung bình của hàng dệt may 2 nước này vào 2 thị trường chính là Mỹ và châu Âu chỉ bằng 30-50% so với Việt Nam...
Vì thế, từ cuối năm 2018, các đơn hàng may gia công tại Việt Nam có xu hướng chuyển dịch sang Ấn độ và Banglades, gây ra tình trạng thiếu đơn hàng.
Các doanh nghiệp ngành sợi cũng đang trong cơn bĩ cực. Mặt hàng sợi Việt Nam đang xuất khẩu chính vào thị tường Trung Quốc.
Trong khi đó, từ cuối năm 2018, xung đột thương mại Mỹ - Trung đã khiến các nhà sản xuất dệt Trung Quốc điều chỉnh giảm kế hoạch nhập sợi.
Đồng thời, đồng nội tệ của Trung Quốc cũng giảm giá trên 10% so với USD khiến giá sợi và lượng sợi xuất đi đều giảm sâu.
Về chủ quan, doanh nghiệp dệt may Việt Nam vừa nhỏ về quy mô, vừa thiếu tiềm lực tài chính, công nghệ và kỹ thuật, nên năng suất lao động bình quân thấp so với các nước trong khu vực.
Trong khi đó, tiền lương tối thiểu liên tục tăng (cao hơn đáng kể so với mức tăng năng suất lao động); tỷ lệ chi phí bảo hiểm, phí công đoàn cao nhất khu vực…
Việc chi phí đầu vào liên tục tăng đã ảnh hưởng tới khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp.
Cùng với đó là tình trạng người lao động thường xuyên “nhảy việc”, gây xáo trộn lực lượng lao động, từ đó ảnh hưởng đến hoạt động của doanh nghiệp, đặc biệt trong lĩnh vực sử dụng nhiều lao động như dệt may, cũng như ảnh hưởng cả uy tín quốc gia.
Trong khi đó, nhiều địa phương chưa thực sự tạo điều kiện cho doanh nghiệp dệt may đầu tư vì cho rằng làm ảnh hưởng đến môi trường và nảy sinh bất ổn vì đông công nhân lao động, nhưng không thu được ngân sách (do làm xuất khẩu).
Mười năm trở lại đây, ngành dệt may Việt Nam liên tục tăng trưởng với tỷ lệ bình quân trên 15%/năm, thu hút và tạo việc làm cho hàng triệu lao động. Tuy nhiên, năm 2020, các doanh nghiệp lĩnh vực này đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức...
Chúng ta nói nhiều về hội nhập và các sắc thuế ưu đãi, nhưng ngành dệt may chưa tận dụng tốt các cơ hội về giảm thuế cho hàng xuất khẩu, bởi hầu hết các FTA đều quy định về hàng hóa dệt may Việt Nam chỉ được miễn, giảm thuế nếu có xuất xứ từ sợi (hoặc từ vải) sản xuất tại Việt Nam.
Để vươn lên trong bối cảnh khó khăn, các doanh nghiệp ngành dệt may Việt Nam lúc này chỉ có cách là đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng hiện đại tiên tiến (công nghệ 4.0), đào tạo nâng cao tay nghề cho nguồn nhân lực để tăng năng suất lao động..., trong khi những lợi thế so sánh khác, doanh nghiệp dệt may đang bị mất đi so với các đối thủ cạnh tranh.
Bài toán này rất cần một lời giải ở tầm vĩ mô và toàn cục.